7 mục tiêu cụ thể được Bộ NN-PTNT đề ra, trong đó, trọng tâm là nâng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ được phép lưu hành lên 25% so với tổng số sản phẩm phân bón.
Tháng 6/2022, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Hoàng Trung cho biết, tỷ trọng phân bón hữu cơ trong tổng sản lượng phân bón cả nước đã tăng đáng kể so với 2017, từ 6,3% lên 23%. Vào thời điểm đó, hơn 4.000 sản phẩm phân bón hữu cơ (tăng hơn 8 lần) được lưu hành.
Số nhà máy và công suất sản xuất phân bón đều tăng, tương ứng 1,7 lần và 1,4 lần. Tổng sản lượng sản xuất phân bón hữu cơ công nghiệp tăng gấp 2,5 lần.
“Đây là thành quả, tín hiệu đáng mừng cho sản xuất nông nghiệp vì đã giúp giảm áp lực cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng trong bối cảnh giá các loại phân bón vô cơ đang ở mức cao”, ông Hoàng Trung nhận định.
Bên cạnh mục tiêu về tỷ trọng, ngành nông nghiệp cũng phấn đấu nâng công suất sản xuất phân bón của các cơ sở lên 1,25 lần, tương đương 5 triệu tấn/năm. Lượng phân bón hữu cơ sử dụng trong sản xuất nông nghiệp tăng 1,5 lần so với năm 2020.
Về phía địa phương, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được tổ chức các lớp tập huấn hàng năm về sử dụng phân bón cho người dân, chủ cơ sở buôn bán phân bón tại địa phương.
Ngoài ra, những mô hình sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả tiêu biểu trên 9 nhóm cây trồng chủ lực quốc gia trong Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 được đẩy mạnh.
Trong kế hoạch thực hiện, Bộ NN-PTNT cam kết rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về phân bón, trong đó phấn đấu hoàn thiện bộ tiêu chuẩn phương pháp thử đối với các chỉ tiêu chất lượng của phân bón hữu cơ.
Bộ hứa tạo điều kiện tối đa cho việc đăng ký công nhận lưu hành phân bón hữu cơ không phải khảo nghiệm theo quy định pháp luật, nhằm phát triển bộ sản phẩm phong phú, đa dạng về số lượng và chủng loại.
Đồng thời, phát triển các sản phẩm phân bón hữu cơ có chất lượng cao, tác động nhanh và gọn nhẹ, dễ sử dụng thông qua việc lựa chọn các nguyên liệu đầu vào, công nghệ sản xuất phù hợp.
Đặc biệt, Bộ NN-PTNT khuyến khích phát triển và sử dụng các loại phân bón hữu cơ tự sản xuất ở quy mô công nghiệp và nông hộ, trên cơ sở tận dụng các nguồn phụ phẩm dồi dào và sẵn có trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, chế biến nông sản, rác thải sinh hoạt.
Ngoài ra, hoạt động nghiên cứu, nhập nội các chủng vi sinh vật có lợi phân giải cơ chất để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ các nguồn nguyên liệu có sẵn trong nước cũng được tạo điều kiện.
Song song với đa dạng hóa sản phẩm phân bón hữu cơ, Bộ NN-PTNT chủ trương ưu tiên, hỗ trợ hoạt động đăng ký mới hoặc đăng ký mở rộng quy mô, nâng công suất đối với các nhà máy, cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất.
Các công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ được ưu tiên nguồn lực, thông qua việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ hiện đại trên thế giới.
Những chương trình hướng dẫn sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả được ngành nông nghiệp đề nghị đưa vào chương trình công tác, kế hoạch tái cơ cấu ngành tại các địa phương.
Để người dân được nâng cao nhận thức, Bộ định hướng xây dựng thêm nhiều quy trình, hướng dẫn để khuyến khích các hình thức sản xuất quy mô nông hộ, trang trại, HTX, doanh nghiệp, tổ hợp tác sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ trên cơ sở khai thác nguồn nguyên liệu sẵn có, tại chỗ; sử dụng phân bón tiết kiệm trong các vùng nguyên liệu, các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn đặc biệt là trong các chuỗi liên kết sản xuất.
Tỷ lệ, quy trình sử dụng phân bón cân đối giữa hữu cơ – vô cơ sẽ được nghiên cứu, xem xét để tăng hiệu suất sử dụng phân bón trên cơ sở cải tiến công nghệ.
Bộ NN-PTNT định hướng ban hành, hướng dẫn sử dụng phân bón một cách khoa học, phù hợp trên từng loại đất, đối tượng cây trồng và thời vụ khác nhau.
Các lớp tập huấn về sử dụng phân bón, sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả theo nguyên tắc “5 đúng” sẽ được đẩy mạnh. Những hình thức tập huấn được xây dựng, phát triển dựa trên kết quả của mô hình thực tế để tuyên truyền cho người dân.
Với trách nhiệm làm đầu mối quản lý nhà nước về phân bón, Cục Bảo vệ thực vật được giao nhiệm vụ hỗ trợ và tạo điều kiện các cơ sở mới thành lập, cơ sở mở rộng quy mô, nâng công suất sản xuất phân bón hữu cơ, các cơ sở sản xuất phân bón vô cơ chuyển đổi một phần sang sản xuất phân bón hữu cơ, đặc biệt là các cơ sở áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, công suất lớn.
Cục xem xét nghiên cứu, đề xuất, đặt hàng các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ sản xuất phân bón thân thiện môi trường, sử dụng nguyên liệu sẵn có từ phụ phẩm nông nghiệp, phụ phẩm hữu cơ trong công nghiệp chế biến và rác thải sinh hoạt.
Ngoài ra, Cục Bảo vệ thực vật còn trách nhiệm xây dựng tài liệu, thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp, tập huấn chuyển đổi nhận thức, tư duy của người dân về vai trò, tác dụng lâu dài của việc sử dụng phân bón hữu cơ; hướng dẫn sử dụng phân bón hợp lý, đúng cách, tiết kiệm, hiệu quả, cân đối, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và các nguồn vật liệu hữu cơ