Sử dụng hoá chất, hãy cẩn trọng!



An toàn hóa chất

Đăng ngày 27/06/2010

Chất gây ung thư trong kem đánh răng?
Nôm na mà nói, chúng ta “sống chung” (ăn, uống, ngủ…) với hóa chất, có khi do bị “dụ dỗ” (bởi khuyến mãi), có khi do bị “cưỡng bách” (ăn phở cứ bị thêm một muỗng bột ngọt đầy ắp), có khi do bị “lừa bịp” (các món chè nấu bằng đường hóa học, giò chả nêm hàn the…), có khi do tự nguyện do “thiếu hiểu biết”…
Làm sao “sống chung hòa bình” với hóa chất? Ở nước ngoài, xu hướng đang là sử dụng các sản phẩm “bio” từ quá trình sản xuất tự nhiên, không sử dụng hóa chất… Ở VN, trước mắt, nhà sản xuất, chính vì uy tín thương hiệu của mình, cần sòng phẳng công bố thành phần sản phẩm trên bao bì để người tiêu dùng có thể tham khảo mà chọn lựa giữa sản phẩm này và những sản phẩm khác có hay không công bố thành phần, từ đó so sánh các bảng thành phần.
Bắt đầu bằng các sản phẩm công nghiệp, từ thực phẩm đến mỹ phẩm, vật sử dụng gia chánh (một ví dụ nhỏ nhất: cái núm vú bình sữa hay cái “ti” trẻ ngậm), đồ dùng học tập, đồ chơi trẻ em… Song song, Hội Bảo vệ người tiêu dùng chủ động kiểm tra các bảng thành phần đó giùm đa số người tiêu dùng không đủ kiến thức “kiểm phẩm” cần thiết và “làm việc” với nhà hữu trách khi cần thiết.

Nhà trường cần tiến đến học và hành ngay trong kiến thức tiêu dùng, sao cho bảy năm trời học hóa ở trung học đừng vô bổ trong cuộc sống tiêu dùng… Xin mời bạn đọc theo dõi vấn đề.
Trong đời sống hằng ngày, chúng ta sử dụng, tiếp xúc vô số hóa chất từ thiên nhiên đến nhân tạo. Chúng có mặt trong mọi sản phẩm, vật dụng, từ đồ nội thất, xây dựng, y – trang phục cho đến thực phẩm, mỹ phẩm…
>Hóa chất nào có nguy cơ gây nguy hiểm cho con người thì hoặc bị cấm sử dụng, hoặc chỉ được sử dụng hạn chế theo những điều kiện, khuyến cáo nhất định.
Tính độc hại của hóa chất
Tính độc hại của một loại hóa chất cụ thể tùy vào nhiều yếu tố:
– Bản chất, độc tính, cơ chế tác động của nó
– Liều lượng và tần suất sử dụng, tiếp xúc
– Điều kiện môi trường và cách thức sử dụng chúng
– Tính tương kỵ với một số hóa chất khác
– Độc tính của tạp chất hoặc phụ phẩm thường đi kèm theo nó
– Tình trạng người sử dụng (tuổi tác, giới tính, sức khỏe, tiền sử bệnh tật…)
Trên lý thuyết, luật pháp buộc nhà sản xuất không được sử dụng những hóa chất bị cấm sử dụng trong ngành của mình; không được sử dụng quá liều lượng cho phép; phải công bố mọi thành phần hóa chất có trong sản phẩm (từ thức ăn đến cục xà bông…); đồng thời phải hướng dẫn, khuyến cáo người tiêu dùng về độ an toàn.
Giả định rằng tất cả các nhà sản xuất đều chấp hành luật pháp, qui định, người tiêu dùng vẫn cần nhận thức rằng tính an toàn của những hóa chất được phép sử dụng này hoặc những liều lượng được cho phép này chỉ là tạm thời. Sau nhiều năm sử dụng rộng rãi, người ta mới biết đến tác hại của nhiều loại hóa chất qua những nghiên cứu, khảo sát, phân tích thống kê. Có những trường hợp chỉ phát hiện sau vài chục năm, tác hại đã ảnh hưởng đến hơn một thế hệ.
Khi phát hiện được tác hại của một loại hóa chất, các cơ quan chuyên trách và hiệp hội chuyên ngành sẽ dùng những biện pháp như: nhẹ thì khuyến cáo, hạn chế, loại bỏ dần; nặng thì đình chỉ sử dụng ngay, thu hồi sản phẩm khỏi thị trường.
Những trường hợp gần đây đáng lưu tâm
Chúng ta hãy điểm lại một số trường hợp trong thời gian vừa qua:
– Khoảng những năm 1960, DDT được dùng như hóa chất diệt muỗi, diệt côn trùng hữu hiệu. Sau đó, người ta phát hiện DDT gây ung thư và cấm dùng. Tiếp theo đó chất được đưa ra sử dụng thay thế DDT trong việc diệt muỗi, diệt côn trùng là DDVP nhưng đến nay thì cả DDVP cũng đã bị cấm sử dụng vì gây ung thư.
– Dodecyl benzen sulfonic acid (DBSA) mạch nhánh (dùng trong sản xuất bột giặt, kem giặt, nước rửa chén) bị cấm sử dụng vì gây ô nhiễm môi trường.
– Xăng pha chì (chứa tetra etyl chì) bị cấm sử dụng vì gây ô nhiễm không khí.
– Họ ester phtalate (DOP, DMP, DEP, DEHP) bị cấm làm chất hóa dẻo cho đồ chơi, vật dụng trẻ em; cấm dùng trong các chế phẩm thoa hay xịt lên người vì gây rối loạn nội tiết khi thấm qua da. Trước đó, DEP được dùng trong thuốc thoa trị ghẻ và nước hoa để cầm mùi, DMP thì dùng trong chất thoa đuổi muỗi.
– Musk ambrette (chất cầm mùi cho nước hoa, mỹ phẩm) bị cấm vì gây ung thư.
– Methyl chloro iso thiazolinone (chất bảo quản cho nhiều loại mỹ phẩm) cũng vừa mới được phát hiện là gây ung thư.
Và còn nhiều trường hợp đang được khuyến cáo và chuẩn bị cấm như polycarbonate (dùng làm bình sữa, chai nước trẻ em), màng phủ epoxy (trong đồ hộp) do tiết ra chất bis phenol-A có tác hại gây vô sinh.
Trường hợp mới nhất: triclosan

blank
blank

Công thức và kêt câu phân tử của triclosan
Vụ việc mới nhất là chất triclosan dùng trong rất nhiều chế phẩm tẩy rửa, vệ sinh, kem đánh răng, mỹ phẩm, đồ nhựa, vật dụng y tế. Triclosan có thể phản ứng với chlor trong nước máy sinh ra chất chloroform, một chất có khả năng gây ung thư.
Tuy hiện một số người cho rằng khả năng xảy ra phản ứng này thấp do nồng độ quá loãng và chất chloroform nếu có sinh ra cũng ở một lượng hết sức nhỏ. Thế nhưng trước yêu cầu an toàn cho con người là trên hết thì trước sau gì triclosan cũng sẽ bị rút ra khỏi thị trường.
Nhân vụ này người ta mới nghe nhắc đến chloroform là chất gây ung thư, trong khi trước đây hóa chất này từng được dùng như chất gây mê trong y khoa, dung môi cho một số loại mực in, vecni, sơn và là thành phần trong nhiều loại dầu gió!
Việc chloroform sinh ra do chlor phản ứng với một số chất hữu cơ là việc đã được bàn cãi, khuyến cáo từ thập niên 1980 – 1990 trong việc dùng chlor để sát trùng nước dùng trong sinh hoạt, đặc biệt là trong hồ bơi.
Vậy triclosan là chất như thế nào?
Triclosan hay còn gọi là Irgasan, Irgacare (tên thương mại của Hãng CIBA).
Từ thập niên 1960, triclosan đã được sử dụng như chất sát khuẩn hiệu quả trong xà bông.
Triclosan dễ tan cả trong nước lẫn chất béo nên dễ dàng xuyên qua màng tế bào. Một khi đã xâm nhập được vào tế bào, triclosan làm nhiễm độc một loại enzym đặc biệt của vi khuẩn và nấm mốc mà chúng cần có mới sống được. Nó khóa chết tâm hoạt tính của enzym có tên gọi là enoyl-acyl carrier-protein reductase (ENR), làm cho vi khuẩn không sản xuất được các acid béo cần thiết cho xây dựng màng tế bào và các chức năng khác.
Con người không có loại enzym này nên tác dụng này không gây hại cho con người. Mỗi phân tử triclosan vô hiệu hóa được một phân tử ENR, điều này giải thích vì sao tác dụng sát khuẩn vẫn hiệu quả khi nồng độ rất thấp. Hơn nữa, phổ kháng khuẩn, kháng nấm của nó khá rộng.
Với những đặc điểm như vậy, triclosan đã trở nên phổ biến rộng rãi. Nó được dùng trong nhiều loại xà bông, nước rửa chén, nước lau sàn nhà, mỹ phẩm trị mụn, khử mùi thân thể, kem đánh răng, quần áo thể thao, đồ chơi trẻ em, dụng cụ nhà bếp bằng nhựa, dụng cụ y tế bằng nhựa…
Mới đây, tại Đại học Công nghệ Virginia (Mỹ), người ta đã tiến hành một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, giả lập điều kiện sử dụng thực tế của nước rửa chén có triclosan với nước máy có chlor. Kết quả: có sinh ra một lượng đáng kể chất chloroform, một chất có công thức CHCl3 đã được xác nhận là gây hại gan, thận và có khả năng gây ung thư.
Ngay sau đó, nhiều bài báo ở Pháp và Trung Quốc đã làm dấy lên nỗi lo sợ về triclosan trong kem đánh răng, sản phẩm dùng rất thường xuyên và dùng trong miệng.
Tuy nhiên, hãy nhìn nhận vấn đề một cách bình tĩnh, không nên cực đoan dù theo hướng nào.
Không thể xem đây là chuyện giật gân không đáng quan tâm; hoặc không nên cho rằng lượng chloroform sinh ra quá nhỏ không ảnh hưởng gì. Nhưng cũng chưa thể ngưng ngay việc sử dụng triclosan, thu hồi hàng khỏi thị trường.
Đây là vấn đề cần quan tâm, cần theo dõi, cần các nhà khoa học nghiên cứu tiếp và cần khuyến cáo thận trọng trước khi có đủ chứng lý cho biện pháp thích hợp.
Như vậy, việc sử dụng hóa chất vào một sản phẩm như con dao hai lưỡi cần phải rất cẩn trọng. Cần phải cân nhắc giữa tính năng đạt được và tác hại chưa lường hết được trong hiện tại, cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ. Các nhà sản xuất cũng nên tránh việc quảng cáo sản phẩm dựa vào một hóa chất mới được đưa vào, khi người tiêu dùng có ý thức cao về an toàn thì quảng cáo như thế đôi khi lại có tác dụng ngược.
Cẩn trọng vẫn hơn, cẩn trọng trong sử dụng hóa chất để sản xuất cũng như trong tiêu dùng là chuyện không bao giờ thừa!

(Theo TuoiTre)
+
Gọi lại
Sử dụng hoá chất, hãy cẩn trọng!
blank
blank

đặt hàng thành công

    Báo giá mới nhất?