Đề án chuyển đổi số trong nông nghiệp và ứng dụng công nghệ số tại Việt Nam đang được Bộ NN-PTNT triển khai đã đề ra được mục tiêu, lộ trình và hướng đi của nông nghiệp nước nhà trở thành nền kinh tế thực thụ.
Trong đó, đảm bảo các thành phần như: tri thức, công nghệ, lực lượng lao động, phương tiện lao động, thị trường,… được liên kết chặt chẽ bởi “chuỗi liên kết” minh bạch, bình đẳng và cùng có chung một mục đích tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị thương phẩm cao nhờ ứng dụng công nghệ số.
Địa phương chuyển đổi số cần có kế hoạch chi tiết
Đồng Tháp là một trong những địa phương có kế hoạch chi tiết theo từng giai đoạn nhằm thực hiện đề án chuyển đổi số trong nông nghiệp và ứng dụng công nghệ số. Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, địa phương đã ứng dụng công nghệ số hóa với 3 giai đoạn. Trong đó, ở giai đoạn 1, tỉnh này tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu trong truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng.
Ở lĩnh vực trồng trọt, Đồng Tháp đã xây dựng thông tin tổng quan và lĩnh vực phát triển nông thôn, nông thôn mới, sản phẩm OCOP. Địa phương đã thực hiện các dữ liệu về sản phẩm để người dân có thể cập nhật và theo dõi.
Về lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, tỉnh đã xây dựng cơ sở dữ liệu; lĩnh vực thủy lợi, phòng chống thiên tai đã triển khai các biện pháp thông tin cảnh báo, phòng trừ thiên tai và chủ động trong sản xuất.
Theo ông Lê Quốc Điền, ở giai đoạn 2, Đồng Tháp xây dựng các cơ sở dữ liệu để kiểm soát, dự báo năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi và ứng phó biến đổi khí hậu. Đối với giái pháp IoT, địa phương đã xây dựng dữ liệu về dịch hại cây trồng, chỉ tiêu chất lượng nước. Điều này giúp cho các huyện điều hành sản xuất một cách hiệu quả.
Trong giai đoạn 3, Đồng Tháp phát triển kết hợp công nghệ GIS với trí tuệ nhân tạo AI, dự báo sản lượng, thị trường, xúc tiến thương mại. Đồng bộ dữ liệu từ Trung ương đến địa phương để thống nhất với nền tảng nông nghiệp số Quốc gia.
Cũng theo ông Điền, trong lĩnh vực trồng trọt và BVTV thì địa phương quản lý được mã số vùng trồng, nắm rõ các dữ liệu số. Cuối cùng là triển khai, tập huấn cập nhật dữ liệu số cho các xã thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh.
Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp có 265 sản phẩm OCOP và để có thể tra cứu được sản phẩm này, tỉnh đã xây dựng cơ sở dữ liệu với các mô tả, phân hạng rõ ràng để người dân và các cấp quản lý có thể nắm rõ. Vấn đề hiện nay ở địa phương là khó khăn trong tiếp cận công nghệ và chuyển đói số vẫn còn chậm. Do vậy, địa phương mong muốn có thêm nhiều lớp tập huấn với doanh nghiệp, HTX và nông dân.
Dư địa lớn lan tỏa các giá trị làng nghề nông nghiệp bằng dữ liệu số
Chia sẻ tại Diễn đàn kết nối ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp do Tổ điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 tổ chức, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, cả nước hiện có khoảng 5.000 làng nghề, trong đó có gần 2.000 làng nghề nông nghiệp.
“Đây là dư địa rất lớn, nếu xây dựng được cơ sở dữ liệu làng nghề, chúng ta có thể lan tỏa các giá trị văn hóa bằng công nghệ. Khách du lịch đến với chúng ta qua không gian mạng, từ đó, đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới”, ông Toản cho biết.
Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, cùng là mã số vùng trồng, mã số thức ăn chăn nuôi, song mỗi nơi một cách hiểu, một cách làm. Do đó, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cần kết nối nhiều hơn nữa với Sở NN-PTNT các địa phương, tạo chỗ dựa vững chắc cho nông dân.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, có hai mặt hàng đang được ứng dụng mạnh chuyển đổi số là lúa và cà phê, tiếp đó là ngành nuôi trồng thủy sản.
Trung tâm Khuyến nông các tỉnh đang hỗ trợ mạnh cho bà con nông dân về bán hàng online, đào tạo online. Mỗi năm, cơ quan khuyến nông tổ chức khoảng 240 lớp đào tạo online, tạo điều kiện cho nhiều người cùng lúc tiếp cận tài liệu.