Điều này giúp quyết định rất lớn đến sức khỏe của cây, chất lượng trái, và quan trọng hơn là giảm được chi phí sản xuất, nhất là trong thời điểm giá bán thanh long vẫn còn bấp bênh, trong khi giá phân bón vật tư đầu vào tăng cao như hiện nay. Vì vậy, nhà vườn cần chăm bón cho vườn thanh long như sau:
Tỉa cành tạo tán cho thanh long
Tỉa bỏ những cành già, cành khuất bên trong tán. Giữ lại cành vừa cho trái vụ trước, cành trẻ nằm bên ngoài tán để nuôi chồi mới (chỉ để lại một chồi). Các cành giữ lại phải được phân bố tròn đều. Khi cành dài được 1,2 – 1,5m thì cắt đọt cành con, tạo điều kiện cho cành mập và nhanh cho trái. Cách làm này giúp cho cây thanh long có “4 giảm”:
– Giảm tiêu hao dinh dưỡng đường bột: Những cành khuất bên trong tán hay những cành già là những cành không làm ra dinh dưỡng đường bột đáng kể, nhưng sử dụng nhiều dinh dưỡng đường bột từ những cành trẻ.
– Giảm tiêu hao dưỡng chất khoáng: Bỏ đi những cành già, cành khuất bên trong tán là bỏ đi những miệng ăn giúp giảm lượng phân bón.
– Giảm tiêu hao nước tưới: Cành già, khuất bên trong tán mặc dù cây có lớp sáp dày, hạn chế mất nước, nhưng bỏ đi vẫn tiết kiệm được lượng nước tưới.
– Giảm sâu bệnh tấn công: Xén tỉa giúp tán cây thông thoáng, gió và ánh sáng lọt được vào bên trong tán, hạn chế sự phát triển sâu bệnh hại, giảm chi phí phòng trừ.
Bón phân cho thanh long theo giá cả thị trường
Đất trồng thanh long trọng điểm ở tỉnh Long An và Tiền Giang có nguồn gốc từ trầm tích biển, không chứa vật liệu sinh phèn nên có pH gần 7, giàu kali, có lân trung bình, nhưng nghèo đạm do nghèo hữu cơ. Do đó, có thể bón phân theo giá cả thanh long như sau:
– Bón phân khi giá thanh long xuống thấp: Lúc này canh tác với mục đích duy trì vườn thanh long nên không cần bón kali và lân. Chỉ cần bón đạm là đủ cho nhu cầu dinh dưỡng của thanh long. Cách bón phân này được minh chứng qua một thí nghiệm ở Thái Lan, đất có đặc tính tượng tự như đất trồng thanh long ở Long An và Tiền Giang, kết quả là nghiệm thức chỉ bón phân đạm cho năng suất và có hiệu quả kinh tế cao nhất.
Lưu ý: Để giảm thất thoát đạm, nên bón phân đạm hạt vàng Đầu Trâu 46A+. Đây là loại phân có bổ sung chất làm giảm mất đạm do bay hơi. Giảm phân bón cũng làm giảm áp lực sâu bệnh. Có thể bón phân Đầu Trâu Mặn Phèn để cung cấp canxi, silic trên nền đất giàu kali sẽ giúp rễ cây thanh long phát triển khỏe, hấp thu dinh dưỡng tốt, kháng lại sâu bệnh.
– Bón phân khi giá thanh long lên cao: Lúc này cần cho thanh long ra hoa đậu trái nhiều hơn để có năng suất cao, cần bón phân như sau:
+ Sau khi thu hoạch trái, tỉa cành tạo tán, bón phân chuyên dùng Đầu Trâu AT1 với liều lượng 0,2 – 0,4kg/trụ.
+ Trước khi cho thanh long ra hoa, bón phân chuyên dùng Đầu Trâu AT2 với liều lượng 0,2 – 0,4kg/trụ.
+ Sau khi đậu trái, bón phân chuyên dùng Đầu Trâu chuyên dùng AT3 với liều lượng 0,2 – 0,4kg/trụ và bón lặp lại từ 1 – 2 lần nữa.
Giảm thất thoát khi bón phân cho vườn thanh long
Khi bón phân cho thanh long, phân có thể bị mất theo 4 con đường. Vì vậy cần có biện pháp khắc phục để giảm mất phân, tiết kiệm chi phí phân bón như sau:
– Giảm mất phân theo nước chảy tràn: Phân đạm và kali hòa tan theo nước tưới hay nước mưa chảy tràn xuống mương. Để hạn chế sự mất phân theo con đường này, cần phải bón phân vào băng đất (rộng khoảng 50 tấc) quanh tán. Đất có xới xáo nhẹ lớp mặt và khỏa đất vùi phân sau khi bón.
– Giảm mất phân theo nước thấm sâu, khỏi vùng rễ: Phân đạm và kali tan theo nước tưới dư thừa hay mưa nhiều rút xuống sâu làm rễ không hút được. Để hạn chế mất phân theo con đường này, cần tưới nước vừa đủ tan phân và trong mùa mưa nên đậy mũ cao su quanh gốc để tránh dư thừa nước trong đất.
– Giảm mất phân do bị cố định trong đất: Con đường mất phân này chủ yếu xảy ra đối với lân, do bị chất sắt và nhôm trong đất cố định. Hạn chế bằng cách điều chỉnh pH đất đạt trên 5,5 bằng cách bón vôi hay phân Đầu Trâu Mặn – Phèn ở những vùng đất có pH thấp.
– Giảm mất phân do bay hơi: Con đường mất phân này chỉ xảy ra đối với đạm. Đề hạn chế, nên bón phân đạm có bổ sung chất ức chế bay hơi Agrotain và không bón khơi trên mặt đất.