Mặc dù là đất nước nhiệt đới, song Việt Nam có nhiều tiểu vùng khí hậu có điều kiện thuận lợi phát triển các giống cá nước lạnh là cá tầm và cá hồi. Trong đó, các vùng nuôi tập trung chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên và miền núi phía Bắc.
Sau khi du nhập vào nước ta khoảng những năm 2002, đến nay cả nước có 25 địa phương phát triển nuôi cá nước lạnh giúp Việt Nam vươn lên tốp 10 những nước có sản lượng cá nước lạnh lớn nhất thế giới.
Tuy vậy, theo ông Kim Văn Tiêu, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN-PTNT), so với các ngành hàng thủy sản khác, cá nước lạnh vẫn còn là một ngành hàng còn khá “non trẻ”, tuy có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nhưng vẫn chưa được khai thác hết.
“Ví dụ như 2 tỉnh nuôi cá nước lạnh nhiều nhất tại Việt Nam hiện nay là Lâm Đồng và Sapa nhưng cũng được đánh giá mới chỉ khai thác khoảng 60% tiềm năng. Còn 23 tỉnh đang phát triển nuôi cá nước lạnh khác chỉ khai thác được khoảng 20 – 30% tiềm năng, lợi thế”, ông Kim Văn Tiêu đánh giá.
Theo vị chuyên gia, mặc dù các sản phẩm từ cá nước lạnh được đánh giá là thơm ngon, bổ dưỡng nhưng do nhiều lí do khách quan và chủ quan nên còn nhiều hạn chế trong việc phát triển nuôi cá nước lạnh tại Việt Nam.
Điển hình như việc hiện nay, cá tầm thịt đang được bán với giá 200.000 đồng/kg nhưng giá thành sản xuất chỉ khoảng 70.000 – 80.000 đồng/kg. Sự chênh lệch lớn đó đền từ cung cầu mất cân đối, cung ít và cầu nhiều dẫn đến việc người tiêu dùng khó tiếp cận với các sản phẩm của cá nước lạnh.
Ngoài ra, hiện nay, việc quy hoạch cũng như đầu tư vẫn chưa xứng với tiềm năng của ngành hàng cá nước lạnh. Sản xuất con giống trong nước mới chỉ chủ động được 20 – 30% nhu cầu và vẫn phải nhập khẩu trứng thụ tinh từ nước ngoài về ấp nở tại Việt Nam. Lí do phải nhập trứng thụ tinh đến từ việc đầu tư cho công tác nghiên cứu còn hạn chế.
“Các địa phương đã có quy hoạch để nuôi cá nước lạnh nhưng việc quản lý quy hoạch, tuy đã có cố gắng, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Có những doanh nghiệp nuôi cá nước lạnh rất quy mô, bài bản, lợi nhuận cao nhưng cũng có những doanh nghiệp nhỏ lẻ làm không tuân theo tiêu chuẩn kỹ thuật”, ông Kim Văn Tiêu nhận định.
Cùng với đó, cho đến nay vẫn chưa có chương trình, dự án nghiên cứu bài bản về cá nước lạnh. Điển hình như việc Việt Nam đã có vài chục năm phát triển cá tầm nhưng vẫn chưa có dự án nhằm chọn tạo, cải tạo con giống.
Thực tế hiện nay cho thấy, nhu cầu về thực phẩm cá nước lạnh còn rất lớn. Theo khảo sát của một số chuyên gia về cá nước lạnh, hiện nay, năng lực sản xuất tại Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 15 – 20% nhu cầu cho gần 100 triệu dân, 80% nhu cầu còn lại vẫn đang phải nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi năng lực của Việt Nam cho thấy hoàn toàn có thể sản xuất được các sản phẩm thực phẩm đến từ cá nước lạnh chất lượng.
Theo đó, ông Kim Văn Tiêu cho rằng, ngành hàng cá nước lạnh cần đặt mục tiêu trước mắt có thể sản xuất để đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng trong nước. Đề làm được cần có sự quan tâm từ cơ quan quản lý đến các đơn vị cung cấp giống, thức ăn, dịch vụ, bảo quản, chế biến…
Theo ông Kim Văn Tiêu, cần phải nhấn mạnh tiềm năng phát triển cá nước lạnh tại Việt Nam là rất lớn. Minh chứng là tại những khu vực tập trung khai thác tiềm năng, nuôi cá nước lạnh như Tây Nguyên, vùng núi phía Bắc, người dân có đời sống rất khá giả.
“Do đó, các cơ quan quản lý cần tác động để phát triển mạnh hơn nghề nuôi cá nước lạnh, qua đó giảm giá bán trên thị trường, nâng cao lợi ích cho người tiêu dùng, để nhiều người có thể tiếp cận được với loại thực phẩm chất lượng này. Đó cũng là cách đánh thức tiềm năng của cá nước lạnh Việt Nam”, ông Kim Văn Tiêu chia sẻ.