Theo ông Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Tuyên Quang, nâng cao giá trị của sản phẩm nông sản chủ lực, những năm qua, Tuyên Quang đã chú trọng nghiên cứu, phát triển về cây, con giống chủ lực của tỉnh, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển 6 cây (cây cam, chè, bưởi, mía, lạc, cây lâm nghiệp), 3 con (trâu, lợn, cá đặc sản).
Qua các hoạt động này, đã giúp hình thành các vùng nguyên liệu lớn, có năng suất lớn, chất lượng cao, góp phần nâng cao hiệu quả, giá trị các sản phẩm nông nghiệp, đưa nông nghiệp, nông thôn của tỉnh phát triển hiệu quả, bền vững.
Giai đoạn 2018 – 2022, Sở KH-CN Tuyên Quang đã theo dõi, quản lý 105 đề tài, dự án cấp tỉnh. Các đề tài, dự án khoa học và công nghệ đã tập trung chủ yếu vào việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, góp phần chuyển đổi cơ cấu và tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, chủ động giống trong sản xuất, phục tráng giống cây trồng tốt tại địa phương.
Cây cam là một trong những nông sản chủ lực cho giá trị kinh tế cao tại tỉnh Tuyên Quang. Vùng cam sành Hàm Yên trước đây gặp không ít khó khăn trong việc bảo đảm chất lượng cây giống. Ông Phạm Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Cây ăn quả Hàm Yên cho biết, năm 2017, Trung tâm đã triển khai nghiên cứu, chọn lọc một số giống cam mới, thu hoạch rải vụ có năng suất, chất lượng cao, trong đó xây dựng mô hình trồng thâm canh 5 giống cam mới (gồm BH, CS1 – nhóm chín sớm; CT36, CT9 – nhóm chín trung bình; V2 – nhóm chín muộn) ở các xã Tân Thành, Yên Phú, Bằng Cốc, Nhân Mục.
Cây cam rải vụ không những giúp cho mùa vụ kéo dài ở nhiều thời điểm trong năm mà còn tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cho người trồng cam. Đến nay, các giống này đang được nhân rộng, với diện tích cam CS1 là 20ha, cam CT36 4ha và cam V2 là 301ha.
Chú trọng việc xây dựng quảng bá cho các nhãn hiệu, thương hiệu các sản phẩm nông sản đặc sản, nông sản chủ lực của địa phương, đến nay, Tuyên Quang đã có trên 200 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, trong đó có trên 70 sản phẩm nông sản chủ lực, đặc sản được bảo hộ; có 128 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP (95 sản phẩm đạt 3 sao, 33 sản phẩm đạt 4 sao). Tính đến tháng 6/2022, Tuyên Quang đứng thứ 5/14 tỉnh miền núi phía Bắc và đứng thứ 20 trên toàn quốc về số lượng sản phẩm được chứng nhận OCOP.
Nâng tầm nông sản chủ lực, Sở KH-CN Tuyên Quang đã phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ và đơn vị chủ trì dự án triển khai thực hiện xây dựng chỉ dẫn địa lý cho 3 sản phẩm nông sản chủ lực gồm cam sành (huyện Hàm Yên), chè shan tuyết (huyện Na Hang) và bưởi Soi Hà (huyện Yên Sơn).
Gia đình ông Lý Phúc Hưng, thôn Soi Hà, xã Xuân Vân (huyện Yên Sơn) có 150 gốc bưởi Soi Hà mấy chục năm tuổi. Những cây bưởi này trung bình mỗi năm cho ông thu về từ 2 đến 5 triệu đồng/cây. Cây bưởi đã giúp người dân xã Xuân Vân và các xã lân cận của huyện Yên Sơn có thu nhập cao, ổn định, nhiều hộ vươn lên làm giàu.
Ông Hưng cho biết, việc cây bưởi của địa phương được công nhận chỉ dẫn địa lý khiến nông dân rất phấn khởi. Bởi khi có chỉ dẫn địa lý, người tiêu dùng có thể nhận biết đến sản phẩm bưởi Soi Hà với chất lượng, danh tiếng và những đặc tính riêng của sản phẩm mà chỉ ở vùng bưởi Xuân Vân và các xã lân cận mới có.
Từ năm 2018 đến nay, UBND tỉnh Tuyên Quang đã cho phép sử dụng 59 địa danh để đăng ký nhãn hiệu. Sở KH-CN Tuyên Quang đã hướng dẫn 48 HTX và doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu; phối hợp hướng dẫn 5 đơn vị xây dựng chỉ dẫn địa lý; có 130 lượt doanh nghiệp và HTX được hỗ trợ về sở hữu trí tuệ. Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến hết năm 2025 có ít nhất 5 sản được cấp chỉ dẫn địa lý, trong đó thực hiện cấp mới cho sản phẩm thịt trâu Chiêm Hóa và rượu ngô men lá Na Hang.