Năm 2018 Hiệp hội thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội đã chọn và phối hợp với Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh là chủ đầu tư để xây dựng lên một mô hình thử nghiệp tại làng gốm cổ Bát Tràng với tên gọi “Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt”.
Xin được nói qua về bà Hà Thị Vinh – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh người đã đưa thương hiệu này đến Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu, người đã có 4 sản phẩm OCOP 5 sao duy nhất của Hà Nội gồm: bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ, bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen, bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng, bộ bát đĩa gốm sứ chim én hoa sen…
Ngay từ đầu bà Vinh cùng với kiến trúc sư đã lên ý tưởng và xây dựng làm sao để công trình có diện tích 3.300m2 mặt sàn với 6 tầng trở thành một bảo tàng mở, có câu chuyện về những tinh hoa của nghề gốm hiển hiện trong kiến trúc đến toàn bộ nội hàm hoạt động. Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt mang hình cái lò bầu này tạo thành điểm dừng chân cho du khách, chỉ mới bước vào đã thấy các bàn xoa vuốt gốm, các sóng lượn của sông Hồng, được đi trên nền quảng trường lát bằng gạch Bát Tràng theo lối cổ.
Nội hàm các hoạt động ở đây rất phong phú gồm: Khu trải nghiệm nghề, khu sáng tác gốm nghệ thuật của các họa sỹ điêu khắc gốm từ Hội mỹ thuật Việt Nam; Khu vườn ươm miễn phí để đón các sinh viên khoa gốm, đồ họa, silicat trong các trường về thực tập; Khu chuyên tổ chức các sự kiện, mời các nghệ nhân, nghệ sĩ, chuyên gia đến nói về xương men của gốm cổ và gốm đương đại; Khu xúc tiến thương mại cho các làng nghề thủ công mỹ nghệ và gốm Bát Tràng (đã có hơn 10 làng nghề thủ công mỹ nghệ nổi tiếng của Thủ đô và Bát Tràng được trưng bày và bán tại đây với gần 60 ki ốt được miễn phí trong vùng 1 năm)…
Đặc biệt nơi đây còn có một bảo tàng gốm Bát Tràng để kể lại câu chuyện gần 100 năm tuổi của tổ tiên 23 dòng họ đã rời cố hương Bồ Bát, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình trên những con thuyền mong manh, theo vua Lý Công Uẩn ngược sóng sông Hồng về đây dựng thành làng trù phú như hôm nay. Nay bảo tàng nghề gốm Bát Tràng trở thành ngôi nhà chung, các sản phẩm trưng bày đều của các nghệ nhân quê hương gốm.
Từ đây du khách sẽ được thăm làng gốm cổ với các con ngõ nhỏ như giao thông hào, tường cao vút thời xa xưa tiền nhân làm để chống lại nạn trộm cướp. Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt là mô hình doanh nghiệp xã hội, đến nay chưa khai trương, mới đang trong quá trình chạy thử nghiệm tuy vậy trong các ngày lễ 30/4, 1/5 hay cuối tuần đều đón gần 3.000-5.000 lượt khách trong và ngoài nước. Vừa qua Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội và Hội nữ doanh nghiệp vừa nhỏ Hà Nội đã tổ chức phiên chợ các sản phẩm OCOP, sản phẩm chất lượng cao, thu hút đông người đến mua sắm.
Theo bà Vinh, hiện tại trung tâm đang hoàn tất thủ tục để xin thành phố Hà Nội cho phép thành lập bảo tàng nghề gốm Bát Tràng tại đây. Hội đồng khoa học cấp sở đã đến khảo sát và đánh giá cao ý tưởng này nhưng do quy định của Nhà nước, bảo tàng có chứng nhận quyền sử dụng đất ở địa phưng nào thì địa phương đó mới được cấp giấy chứng nhận. Về địa giới hành chính trung tâm vẫn đang nằm trong khu dân cư của làng gốm cổ Bát Tràng nhưng về địa giới địa lý, lại nằm liền kề bờ kênh Bắc Hưng Hải từ những năm 1959-1960.
Khi đó Bát Tràng hiến gần nửa làng để tạo nên cửa ngõ của con kênh này nên Quốc hội đã giao quyền quản lý địa giới địa lý hai bờ kênh cho Hưng Yên. Vì vậy nếu đúng nguyên tắc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của chủ đầu tư bảo tàng là Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh lại do tỉnh Hưng Yên cấp, mà tỉnh này lại không liên quan đến lịch sử gốm sứ Bát Tràng. Bởi thế chủ đầu tư rất mong thành phố Hà Nội trợ giúp tháo gỡ khó khăn này trong điều kiện đặc thù để Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt được có giấy phép hoạt động bảo tàng nghề gốm Bát Tràng cho đúng thủ tục.