Ông Nguyễn Văn Gấu ở xã Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang đang canh tác hơn 6ha lúa cho biết: Trước đây mỗi vụ, ông phải đầu tư hàng chục triệu đồng cho gần 10 lần phun thuốc BVTV hóa học để phòng trừ sâu bệnh. Thế nhưng mấy năm qua, từ khi ứng dụng kỹ thuật canh tác lúa theo công nghệ sinh thái thì mọi thứ đã thay đổi và mang nhiều cái lợi như: Giảm giống, giảm sử dụng phân bón từ 15 – 20%, giảm 2 – 3 lần phun thuốc BVTV, giảm công lao động, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng, lợi nhuận trong canh tác luôn cao hơn trước so với canh tác theo truyền thống.
Không riêng gì ông Năm Gấu, hầu hết bà con tham gia canh tác lúa theo công nghệ sinh thái ở ĐBSCL đều cho biết khi áp dụng mô hình này, suốt một vụ lúa, nhà nông chỉ sử dụng nông dược để diệt trừ nấm bệnh khi cần thiết, còn thuốc trừ sâu, rầy đã được hạn chế tối đa, hoặc không phải sử dụng.
Kỹ thuật được khuyến cáo áp dụng trong mô hình công nghệ sinh thái, ngoài việc thực hiện quy trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, nhà nông còn kết hợp trồng hoa trên bờ ruộng. Các loại cây có hoa với nhiều màu sắc thu hút các loài thiên địch đến cư trú, sinh sôi để tiêu diệt sâu rầy, bảo vệ mùa màng và làm đẹp ruộng đồng. Các loại hoa có thể chọn trồng trên bờ ruộng là hoa sao nhái, hướng dương, cúc ngũ sắc, trâm ổi, cúc mặt trời… Đây là những loại cây có thể thích nghi tốt với môi trường và hệ sinh thái đồng ruộng.
Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết: Việc canh tác lúa công nghệ sinh thái cho hiệu quả cao, điều quan trọng đầu tiên là nông dân phải thực hiện biện pháp quản lý phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM). Kỹ thuật canh tác được ứng dụng là quy trình “1 phải 5 giảm”, tức phải sử dụng giống xác nhận, giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân đạm, giảm thuốc BVTV, giảm lượng nước và số lần bơm tưới, giảm thất thoát trong và sau thu hoạch.
Bên cạnh đó, việc tận dụng bờ bao xung quanh ruộng lúa để trồng hoa nhằm duy trì sự ổn định bền vững giữa các đối tượng gây hại và các sinh vật có ích trên đồng ruộng. Chính sự đấu tranh sinh tồn giữa thiên địch và các loài dịch hại sẽ tạo nên sự cân bằng sinh thái trên ruộng lúa, khiến mật độ côn trùng gây hại luôn giữ ở mức độ thấp, không ảnh hưởng đến ngưỡng gây thiệt hại kinh tế, nhờ đó nhà nông đã hạn chế tối đa hoặc không phải sử dụng hóa chất để tiêu diệt sâu rầy.
Về tác hại của việc sử dụng thuốc BVTV hóa học, PGS.TS Lê Văn Vàng, Trưởng Khoa Nông nghiệp (Trường Đại học Cần Thơ) đã có nhiều năm nghiên cứu và thực tế sản xuất đã chứng minh, trong ruộng lúa, các loại ký sinh bắt mồi ăn thịt và các nấm bệnh gây hại côn trùng, hay còn gọi là thiên địch có lợi đóng vai trò rất quan trọng.
Trong tự nhiên, thiên địch luôn kìm hãm được sự phát triển các quần thể sâu hại, vì vậy nếu nhà nông lạm dụng thuốc hóa học sẽ phá vỡ hệ sinh thái đồng ruộng, tạo ra sự mất cân bằng sinh học khiến sâu bệnh dễ phát sinh. Khi dịch hại bộc phát, nhà nông lại tăng liều thuốc hóa học khi sử dụng.
Theo PGS.TS Lê Văn Vàng, canh tác lúa theo công nghệ sinh thái là giải pháp kỹ thuật tiên tiến nhằm tăng tính đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái trên ruộng lúa đang được thực hiện ở một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Cũng dựa trên quy trình “
3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, nhưng nhờ kết hợp trồng hoa trên bờ ruộng sẽ thu hút thiên địch, giúp nông dân quản lý tốt sâu rầy và các loại côn trùng khác, hạn chế tối đa sử dụng nông dược, nâng cao chất lượng lúa hàng hóa và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tạo cảnh quan cho đồng ruộng.