Tình nguyện là cách để giúp đỡ người khác, tạo ra những thay đổi tích cực trong cộng đồng và thêm tin tưởng vào những điều tốt đẹp vẫn đang tồn tại xung quanh. Cứ đến mùa hè, các đoàn học sinh sinh viên tình nguyện trong cả nước lại lên đường giúp đỡ cộng đồng.
Hoà chung không khí mùa hè xanh của cả nước, từ ngày 24/7 – 31/7, đội tình nguyện gồm cô Nguyễn Thị Thuỷ và 15 sinh viên của Viện Nuôi trồng thủy sản (Trường Đại học Nha Trang) được sự tài trợ của Đại Sứ quán New Zealand (Quỹ The Manaaki New Zealand Alumni Fund) đã đến xã Ea Kao (TP Buôn Ma Thuột, Đắk LắK) triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ kỹ thuật nuôi cá cho bà con nông dân và tham gia nhiều hoạt động của địa phương.
Đây là chương trình tình nguyện chuyên sâu, phát huy chuyên môn được đào tạo của sinh viên ngành nuôi trồng thuỷ sản. Mục đích của chương trình tình nguyện này là hỗ trợ người nuôi cá về kiến thức, kỹ năng để nuôi cá hiệu quả.
Bên cạnh đó, tạo cơ hội cho các em sinh viên áp dụng kiến thức nuôi cá đã học vào thực tế. Qua đó, tăng cường cho sinh viên kỹ năng làm khuyến ngư viên thông qua các hoạt động trình diễn, hội thảo và tư vấn trực tiếp. Đồng thời, lan toả những hoạt động tốt đẹp của chương trình tình nguyện để ngày càng nhiều sinh viên tham gia đóng góp chuyên môn cho cộng đồng.
Đoàn tình nguyện làm việc tại thôn 1, 2, 3 và 4 của xã Ea Kao. Tại thôn 2, hầu hết các ao được sử dụng ương dưỡng cá giống ở ao nước tù. Do không có sự trao đổi nước nên chất lượng nước kém, nhiều tảo và vật chất hữu cơ lơ lửng, vì vậy cá chậm lớn và hay xảy ra dịch bệnh. Đoàn đã chọn 2 hộ ương cá giống trắm cỏ và cá chép trong ao nước tù để thực hiện trình diễn kỹ thuật xử lý nước và chăm sóc cá, đồng thời hỗ trợ thức ăn công nghiệp cho ao cá để cho ăn từ 10 – 20 ngày.
Để thực hiện, một lượng cá được vớt lên cân đo ước lượng tổng lượng cá trong ao, từ đó tính ra tổng khối lượng cá và lượng thức ăn phù hợp mỗi ngày. Chủ hộ cũng được hướng dẫn làm khung cho ăn và cắt nhỏ thức ăn xanh (lá sắn, cỏ…) để cá giống ăn tốt hơn. Sau khi cá ăn, chủ hộ cần theo dõi lượng thức ăn thừa, vớt thức ăn thừa ra khỏi ao để giữ môi trường nước sạch. Hàng ngày, thành viên đội tình nguyện đến kiểm tra chất lượng nước và cho cá ăn.
Để cải thiện chất lượng nước ao, cỏ quanh bờ được phát quang và quây một góc khoảng 10% diện tích để thả bèo tây lọc nước. Đoàn tình nguyện còn hỗ trợ mua vôi bột tạt xuống ao (2 – 3 kg/100 m2) để ổn định pH, tăng độ kiềm, diệt khuẩn, phân huỷ chất hữu cơ và làm giảm độ đục. Đoàn khuyến cáo chủ hộ sử dụng vôi hai tuần một lần để xử lý chất lượng nước.
Sau khi sử dụng vôi và các biện pháp kỹ thuật, môi trường nước ao nuôi đã được cải thiện rõ rệt, nước trong và sạch hơn. Anh Lê Hồng Thái là chủ ao ương giống cá chép cho biết: Các biện pháp kỹ thuật xử lý nước ao của đội tình nguyện rất hiệu quả, chất lượng nước ao tốt hơn, chuyển từ màu vàng sang màu vàng xanh nhạt.
Anh Thái còn cho biết, anh và nhiều hộ nuôi khác đã hiểu sự cần thiết phải sử dụng vôi bón cho ao định kỳ nhưng hầu hết người nuôi cá không làm. Khi quan sát kết quả rõ rệt từ việc tạt vôi của đoàn tình nguyện, người dân đã có động lực thực hiện trong ao cá của mình.
Bên cạnh đó, đoàn tình nguyện còn kết hợp với Chi cục Thuỷ sản Đắk Lắk tổ chức hội thảo cung cấp kiến thức về quy trình nuôi cá nước ngọt từ khâu cải tạo ao đến khâu thu hoạch. Ông Trịnh Bá Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đắk Lắk nhấn mạnh, việc cải tạo ao, quản lý chất lượng nước và cho ăn là những khâu then chốt đảm bảo vụ nuôi thành công.
Tại hội thảo, anh Nguyễn Dũng, chuyên viên Chi cục Thủy sản Đắk Lắk cũng hướng dẫn người nuôi cá một số biện pháp phòng bệnh cá, xử lý cá khi bị bệnh. Anh nhấn mạnh, khi cá bị bệnh cần thay ít nhất 1/3 lượng nước trong ao, sau đó sử dụng chế phẩm sinh học hoặc thuốc để xử lý môi trường và bệnh cá. Hội thảo còn giới thiệu một số mô hình nuôi thủy đặc sản hiện đang được nuôi nhiều với kỹ thuật nuôi đơn giản như lươn, cua và ốc bươu đen. Hội thảo cũng tư vấn và giúp bà con giải đáp những thắc mắc trong kỹ thuật nuôi cá.
Đoàn tình nguyện chia làm 2 đội cũng đã đến từng hộ dân xem xét tình hình ao nuôi và tư vấn kỹ thuật ương cá giống, kỹ thuật nuôi cá thương phẩm. Làm việc trực tiếp với đội tình nguyện, bà con hiểu rõ hơn ao cá của mình, có thêm nhiều giải pháp để nuôi cá hiệu quả hơn. Một số ao nuôi cỏ dại mọc nhiều xung quanh bờ, các đội đã giúp dọn dẹp và làm sạch ao. Với những ao cá có hàm lượng tảo thấp, đội còn giúp bà con làm phân xanh từ cây cộng sản để tăng lượng thức ăn tự nhiên cho cá.
Ngoài những hoạt động chuyên môn, đoàn còn tham gia cùng với đoàn thể địa phương để tăng cường sự gắn kết và giúp đỡ. Nhân dịp 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, đoàn sinh viên tình nguyện đã phối hợp với Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ xã Ea Kao tổ chức dọn dẹp, vệ sinh và phát quang cây cỏ xung quanh Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của xã Ea Kao. Đoàn cũng tham gia cắt cỏ, dọn vệ sinh đường xung quanh khu vực buôn Tăng Jú và giao lưu văn nghệ cùng đoàn và đội thanh niên buôn.
Hoạt động tình nguyện như làn gió mới thổi vào các buôn thôn. Người dân thân thiện, yêu quý đội tình nguyện nên thường cho rau, trái cây và đôi khi là ít cá để cải thiện bữa ăn. Đoàn không có xe di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc, người dân đã không ngần ngại cho mượn xe hoặc cho đi nhờ xe. Sinh viên tình nguyện không những đã giúp đỡ được bà con mà còn học được nhiều bài học từ thực tế.
Em Chung Văn Nhì, Bí thư Chi đoàn Viện Nuôi trồng thủy sản (Đại học Nha Trang) cho rằng: Đây là chuyến đi tình nguyện vô cùng ý nghĩa, cho em và các bạn có cơ hội được giúp đỡ người khác, đồng thời được học hỏi và trao đổi kiến thức với người nuôi cá.