Chi cục Thủy sản Thừa Thiên Huế xác nhận, có hơn 14 tấn cá nuôi lồng tại xã Hải Dương bị chết đồng loạt gây nhiều thiệt hại kinh tế cho người dân. Hiện đơn vị đã tiến hành kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân.
Hải Dương là một xã biển thuộc thành phố Huế nên đời sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp với ngành nghề chủ lực là nuôi trồng, khai thác, đánh bắt thủy sản. Thời gian gần gần đây việc cá nuôi trong hàng chục lồng trị giá nhiều tỷ đồng chết đồng loạt chưa rõ nguyên nhân khiến người dân bất an, lo lắng.
Ông Phan Đức, một trong những hộ nuôi cá lồng ở xã Hải Dương có cá bị chết nhiều, cho biết gia đình ông đang gặp nhiều khó khăn do thiệt hại lớn. Mặc dù ông Đức đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa nhưng vẫn không cứu được số cá nuôi lồng. Lúc đầu cá chỉ chết rải rác, nhưng thời điểm nắng nóng gay gắt, xen kẽ những đợt mưa giông làm cá chết hàng loạt.
Ông Lê Xuân Hướng, Chủ tịch UBND xã Hải Dương cho biết, nuôi trồng thủy sản là sinh kế quan trọng người dân địa phương. Tính đến nay toàn xã có 19 hộ nuôi 75 lồng bè cá các loại như hồng mỹ, chẽm, vẫu, mú, ong căn… tập trung tại khu vực Cồn Đâu, Thái Dương Hạ Nam.
Tình trạng cá nuôi lồng chết rải rác từ đầu mùa nắng nóng kéo dài đến nay vẫn chưa chấm dứt. Trong đó, nặng nhất là từ ngày 14 – 19/7, có 21 lồng cá bị chết gần như hoàn toàn, ước trọng lượng khoảng 14 tấn, thiệt hại khoảng 1,9 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thừa Thiên Huế cho biết: Đối với hiện tượng cá lồng lồng chết hàng loạt xảy ra tại xã Hải Dương, Chi cục đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tiến hành kiểm tra để tìm nguyên nhận.
“Ngay sau khi nhận được thông tin cá chết, đơn vị phối hợp với các ban ngành chức năng tiến hành kiểm tra các yếu tố môi trường tại vùng nuôi cá chết. Kết quả đo nhanh tại hiện trường cho thấy, độ mặn có sự chênh lệch khá lớn giữa tầng mặt, tầng giữa và tầng đáy cũng như tại các điểm đo. Thời tiết thời gian qua nắng nóng, xen kẽ mưa giông nên môi trường có sự thay đổi khá bất thường, đột ngột”, ông Bình thông tin.
Chi cục Thủy sản tỉnh cũng kiểm tra, quan trắc môi trường tại một số vùng nuôi, kết quả cho thấy, nhiệt độ nước vùng nuôi thủy sản trên các sông, đầm phá và ven biển đều ở mức cao và quá cao như tại thị trấn Sịa, xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền), Giang Hải (Phú Lộc), Thủy Tân (thị xã Hương Thủy). Độ mặn vùng đầm phá không cao, một số nơi còn thấp, nhiều khả năng có lượng lớn nước ngọt từ thượng nguồn đổ về.
Một số chỉ tiêu tại điểm quan trắc có giá trị bằng hoặc vượt ngưỡng cho phép nuôi trồng thủy sản. Với sự biến động các chỉ tiêu môi trường nước theo khí hậu, thời tiết, sự tồn tại các chỉ tiêu môi trường nằm ngoài khoảng giới hạn thích hợp sẽ không thuận lợi cho các đối tượng thủy sản sinh trưởng và phát triển tốt.
Để hạn chế tình trạng cá chết, Chi cục Thủy sản khuyến cáo, các hộ nuôi phải tích cực theo dõi thường xuyên, thực hiện chế độ cho ăn và chăm sóc hợp lý để giảm lượng chất hữu cơ, giảm sự phú dưỡng nguồn nước. Giảm sự phân tầng của nước, ổn định các chỉ tiêu môi trường trong ngày và tăng sức đề kháng cho thủy sản trong điều kiện nắng nóng gay gắt, kéo dài.
Khi phát hiện cá chết, hoặc yếu cần vớt và xử lý đúng nơi quy định, loại bỏ ngay những con cá yếu, kết hợp di chuyển lồng nuôi đến nơi có nguồn nước thông thoáng và độ sâu trên hai mét.
Người dân cần thu tỉa số cá nuôi đạt trọng lượng thương phẩm, giảm mật độ cá trong lồng, kết hợp giảm chế độ cho cá ăn thức ăn tươi, thay vào đó cho cá ăn thức ăn chế biến công nghiệp, pha trộn thêm thức ăn có bổ sung vitamin, khoáng… nhằm tăng sức khỏe cho cá nuôi.
Lồng nuôi phải được vệ sinh sạch sẽ, sục khí và đảo nước để tăng cường ôxy, đồng thời giảm sự phân tầng của nước. Trên các lồng nuôi phải treo các túi vôi nhằm ổn định các chỉ tiêu môi trường nước và hạn chế sự phát triển của mầm bệnh…
Tình trạng cá lồng chết cũng xuất hiện tại một số địa phương của tỉnh Thừa Thiên Huế như tại xã Thủy Tân (thị xã Hương Thủy) vào tháng 4/2022 với khoảng 30 tấn gần đến kỳ thu hoạch bất ngờ chết đồng loạt khiến 35 hộ nuôi gây thiệt hại hơn 1,2 tỷ đồng. Cũng tại thị xã Hương Thủy, vào năm 2019, tại các xã Thủy Tân từng xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt, gây thiệt hại hơn 170 tấn cá nuôi.