Tăng tốc chuyển đổi số… nhờ dịch Covid-19!
Tập đoàn Lộc Trời là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp với 5 ngành: Giống cây trồng; sản xuất, phân phối vật tư nông nghiệp; tổ chức sản xuất và cung cấp dịch vụ nông nghiệp; sản xuất lương thực và xuất khẩu gạo; kho vận. Để có thể vận hành một cách trơn tru các hoạt động trong bối cảnh giãn cách xã hội hồi bùng phát đại dịch Covid-19, Lộc Trời buộc phải “chuyển mình”, có những bước đột phá ngay những ngày đầu đại dịch Covid-19 diễn ra.
Như lời ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời nói: “Tốc độ chuyển đổi số trước và sau dịch Covid-19 của Lộc Trời tăng 100%. Nếu đại dịch không xảy ra, chắc phải 10 năm hoặc 20 năm nữa mới chuyển đổi đến mức này. Chỉ sau 2 năm đại dịch, mức độ chuyển đổi số của Lộc Trời đã tăng tới mức mà ngay cả chúng tôi cũng không hình dung ra được”.
Với 3.600 nhân sự, 1.200 kỹ sư nông nghiệp, có viện nghiên cứu nông nghiệp, 4 nhà máy phân, thuốc, bao bì, 24 nhà máy lương thực trải rộng khắp ĐBSCL; 150 đại lý cấp 1 và hơn 2.000 đại lý cấp 2 thuộc hệ thống phân phối vật tư nông nghiệp trên khắp cả nước, cùng kết nối hợp tác với 1 triệu hộ nông dân trên diện tích 1 triệu ha lúa, việc Lộc Trời đầu tư ứng dụng KH-CN vào sản xuất nông nghiệp là yêu cầu cấp thiết phải làm.
Ông Thuận cho biết, năm 2019, tỷ lệ nông dân ở ĐBSCL tiếp cận công nghệ số và sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) còn rất thấp. Để tăng cường ứng dụng công nghệ trong kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ, đặc biệt nhờ có nền tảng trên thị trường quốc tế, Lộc Trời đã tặng smartphone cho bà con nông dân.
“Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, tất cả mọi người bị phong tỏa, con người không được đi lại, nhưng hàng thì vẫn “đi”, cây trồng vẫn mọc, người mua vẫn mua, người ăn thì vẫn ăn. Dòng chảy và dòng vận động của thị trường, sản xuất không dừng lại thì cách duy nhất là phải chuyển đổi số. “Trong nguy có cơ”, nó thúc đẩy công tác chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp”, Tổng Giám đốc Lộc Trời đánh giá.
Tiết kiệm hàng loạt chi phí sản xuất
Hoạt động tổ chức sản xuất nông nghiệp có đặc thù trải rộng, diễn ra liên tục mỗi ngày và liên quan đến hàng triệu hộ nông dân cũng như các nghiệp vụ quản lý phát sinh trên nhiều lĩnh vực như quản lý nước, quản lý đất, quản lý sâu bệnh hại, quản lý nguồn tiền, quản lý năng suất, quản lý công nợ… Hiện nay, số lượng tác vụ phải thực hiện trên tổng diện tích lúa tại Việt Nam ước tính lên đến 300 triệu tỷ tác vụ mỗi năm.
Thách thức lớn nhất của gạo nói riêng và lương thực nói chung là sự kết nối giữa người mua cuối cùng (người tiêu dùng) và người sản xuất (nông dân) có thể bị ngắt quãng bởi một trong 8 điểm: Siêu thị, cảng, người nhập khẩu, người xuất khẩu, ngân hàng, chế biến, nông dân, người tổ chức.
Chính vì vậy, việc kết nối tất cả trong một chương trình tổng thể có thể kết nối toàn bộ chuỗi sản xuất bằng số hóa, thì toàn bộ 8 điểm trên, cũng như quản lý nhà nước, người tiêu dùng đều có thể tiếp cận thông tin một cách đầy đủ nhất, minh bạch nhất từ đơn hàng cho tới mã số vùng trồng, loại thuốc BVTV được phun, thời gian gieo trồng, đơn hàng, tài chính…
“Số hóa là điều kiện đầu tiên và bắt buộc cần có để có thể quản lý được tổng thể việc sản xuất lúa trên quy mô lớn. Ý thức được điều này, Lộc Trời đã đầu tư một cách có hệ thống vào việc chuyển đổi số, từ đó ứng dụng công nghệ quản lý trên nền tảng số. Cụ thể, năm 2020, Lộc Trời bắt đầu quản lý công ty bằng hệ thống quản trị tổng thể ERP (Enterprise Resource Planning) và là đơn vị đầu tiên trong ngành nông nghiệp triển khai hệ thống ERP có tích hợp chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS tại Việt Nam”, ông Thuận cho hay.
Theo ông Thuận, với việc quản lý bằng ERP giúp quản lý chặt chẽ, phối hợp hoạt động hiệu quả giữa các nguồn lực về tài chính, nhân sự, cơ sở hạ tầng doanh nghiệp. Đồng thời, tăng tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp và chỉ riêng trong hoạt động kho vận năm 2021 đã tiết kiệm 0,3% chi phí vận hành (khoảng 9 tỷ đồng).
Ứng dụng bản đồ số để tổ chức cánh đồng lớn
Trong hoạt động tổ chức sản xuất nông nghiệp, Lộc Trời xây dựng hệ thống quản lý sản xuất, quản lý sâu bệnh dịch hại, quản lý nguồn cho nông dân tạm ứng… trên quy mô lớn một cách đồng bộ trên nền tảng số. Cụ thể, ứng dụng bản đồ số trong tổ chức cánh đồng lớn; ứng dụng thiết bị bay không người lái (drone) trong hoạt động canh tác; ứng dụng công nghệ số của vệ tinh, chẩn đoán bằng dữ liệu lớn (data machine learning) thông qua việc thu thập dữ liệu liên tục để hình thành nguồn dữ liệu lớn (big data) tạo nền tảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI, machine learning) trong dự báo tình hình sâu bệnh, dịch hại, năng suất và hiệu quả.
Lộc Trời xây dựng một hệ thống kết nối tất cả các thông tin liên quan đến sản xuất và kinh doanh lúa, gồm có bản đồ số của địa phương cấp cho từng hộ nông dân; mã số vùng trồng cấp cho từng đơn vị diện tích; thử nghiệm hệ thống xác nhận theo thời gian thực ứng dụng công nghệ chuỗi khối (block chain) để xác thực hoạt động canh tác, hỗ trợ mục tiêu truy xuất nguồn gốc nông sản; phần mềm quản lý sâu bệnh hại trên cây lúa và cây ăn trái (đặt tên là Bệnh viện cây lúa và Bệnh viện cây ăn trái online); nhật ký đồng ruộng điện tử dùng để quản lý sản xuất trên quy mô đơn vị diện tích theo hộ nông dân hoặc theo quy mô HTX, nông trường…; phần mềm quản trị hệ thống cung cấp vật tư nông nghiệp nRMS.
“Với việc ứng dụng quy trình quản lý, chúng tôi nhận đơn đặt hàng tùy theo giống lúa, giống lúa dài nhất nhận đơn trước 17 tháng, giống lúa trung bình nhận đơn hàng trước 6 tháng. Khi có đơn hàng, lúc đó mới kết nối toàn bộ chuỗi sản xuất lại trong một hệ thống thông tin nông nghiệp. Thông tin đó sẽ được gửi cho ngân hàng xác minh toàn bộ hoạt động này, cả người mua và nông dân sản xuất, giúp công tác điều phối container, tàu hàng trở nên dễ dàng hơn. Chuyển đổi số giúp kết nối giữa người tiêu thụ nông sản cuối cùng và người trồng lúa dễ dàng hơn rất nhiều”, ông Thuận phân tích.
Đối với khối văn phòng, Lộc Trời áp dụng mô hình “văn phòng không giấy”, tất cả các hoạt động xử lý, quản lý hồ sơ, chứng từ, báo cáo đều ứng dụng trên các phần mềm văn phòng (E-office…) để có thể xây dựng hệ thống dữ liệu doanh nghiệp. Qua đó, giúp tăng tính minh bạch và trách nhiệm cá nhân của đội ngũ. “Việc đầu tiên trong những ngày giãn cách xã hội là đảm bảo kết nối xuyên suốt, kịp thời giữa các văn phòng tại các vùng miền trên khắp cả nước bằng các nền tảng Teams, Zoom… giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc, di chuyển, giảm thiểu rủi ro”, ông Thuận cho hay.
Nói về hiệu quả trong việc ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp thời điểm Covid-19, Tổng giám đốc Lộc Trời, ông Nguyễn Duy Thuận cho rằng, chính khi bị phong tỏa, cách duy nhất để bà con nông dân tương tác là thông qua điện thoại, các xác minh bằng kỹ thuật số. Từ đó, giúp cho các hoạt động nông nghiệp lại được kết nối trên cùng một nền tảng. Đó là cơ sở để Lộc Trời phát triển mạnh các app của mình, từ dịch bệnh cho tới diễn biến sản xuất.
Mỗi ngày, Tập đoàn này chụp 10.000 bức hình về một loại sâu, như vậy trong thời gian liên tục sau 3 vụ sẽ có khoảng vài chục triệu tấm hình để có thể giúp cho máy lọc, từ đó tính được cụ thể, với mật độ sâu bệnh như thế có cần hay không cần dùng thuốc BVTV.
Hiện số lượng thông tin cần xử lý một cách đồng bộ rất lớn và việc không có nền tảng số dẫn đến không có điều kiện ứng dụng công nghệ quản lý hiện đại, từ đó năng suất lao động giảm, chi phí hao hụt từ việc không đồng bộ tăng lên, dẫn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông sản không cạnh tranh được với các hoạt động kinh tế khác. Chuyển đổi số do đó giải pháp tất yếu để ra biển lớn.
Năm 2021, Lộc Trời đầu tư trên 6 triệu đô-la cho chuyển đổi số và dự kiến năm 2022 là 3 triệu đô-la. Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Lộc Trời, đây là con số nhỏ vì nếu như kết nối được với các đơn vị khác cùng thực hiện trong quá trình chuyển đổi đồng bộ, việc đầu tư vào chuyển đổi số kết hợp với việc triển khai lớn với bà con nông dân sẽ đem lại hiệu quả hơn rất nhiều.
Thực tế, ứng dụng trong quy mô hoạt động hiện nay tại Lộc Trời cho thấy, hiệu quả rõ rệt của ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất nông nghiệp giúp tăng năng suất, giảm chi phí. Giải pháp hiện nay để phát triển nông nghiệp bền vững với quy mô cánh đồng lớn, cần có quy định yêu cầu tất cả các đơn vị cùng hợp tác với nhau một cách đồng bộ trong chuyển đổi số.