Xây dựng hệ thống thủy lợi nuôi trồng thủy sản nghìn tỷ tại Bạc Liêu



Ứng dụng

Đăng ngày 16/07/2022


Đó là hệ Thống thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản phía Nam QL 1A, tỉnh Bạc Liêu, với nguồn vốn 1.500 tỷ đồng được Bộ NN-PTNN phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 7/2021.

 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cùng đoàn công tác làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu về các dự án đầu tư công. Ảnh: Trọng Linh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cùng đoàn công tác làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu về các dự án đầu tư công. Ảnh: Trọng Linh.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp làm Trưởng đoàn có buổi làm việc cùng với Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, ông Phạm Văn Thiều trao đổi về Dự án “Hệ thống công trình điều tiết, bổ sung nước phục vụ nuôi trồng thuỷ sản vùng phía nam Quốc lộ 1A, tỉnh Bạc Liêu” đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt chủ trương đầu tư, với tổng vốn trên 1.500 tỷ đồng.

Đây là được xem là dự án rất quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050. Vùng hưởng lợi của dự án, gồm: một phần diện tích thành phố Bạc Liêu, huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Đông Hải và thị xã Giá Rai.

Tổng diện tích hơn 63.000 ha, trong đó có hơn 43.000 ha nuôi trồng thủy sản. Các giải pháp công trình được đưa ra là chuyển nước tự chảy kết hợp bơm + khép kính vùng dự án bằng các cống kiểm soát triều.

Theo đó, sẽ xây dựng 2 cống âu Vàm Lẽo, Hộ Phòng và xây dựng 9 cống hở trên tuyến bờ Đông kênh Hộ Phòng – Gành Hào; Sửa chữa, nâng cấp cống Cầu Sập; Xây dựng trạm bơm Cầu Sập. Nhiệm vụ của dự án là chuyển nước ngọt từ vùng Bắc QL1A về vùng hưởng lợi Nam QL1A nhằm pha loãng nguồn nước đảm bảo phục vụ nuôi trồng thủy sản cho diện tích 46.300ha. Hỗ trợ rửa mặn trước thời điểm gieo xạ phục vụ canh tác lúa cho vùng chuyển đổi mô hình lúa – tôm vùng ven kênh Cà Mau – Bạc Liêu, định hướng khoảng 15.000ha. 

Bên cạnh đó, công trình giúp tăng cường khả năng trao đổi nguồn nước, chủ động tháo nước ô nhiễm, cấp nguồn nước biển có chất lượng tốt góp phần giảm ô nhiễm môi trường nước trong hệ thống sông kênh cho nuôi trồng thủy sản vùng dự án. Kết hợp chống ngập úng, bảo vệ cơ sở hạ tầng trước tác động tiêu cực của tự nhiên, giảm khai thác nước ngầm, lún sụt đất, nước biển dâng… và hỗ trợ tiêu nước giảm ngập úng cho vùng Bắc QL1A thuộc tỉnh Bạc Liêu với diện tích khoảng 42.000ha.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp và Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều khảo thực các địa phương. Ảnh: Trọng Linh.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp và Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều khảo thực các địa phương. Ảnh: Trọng Linh.

Theo ý kiến các cơ quan chuyên môn của Bộ NN-PTNT cũng như các nhà khoa học, mô hình lúa tôm là mô hình thích hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu và ở khu vực phía Nam tỉnh Bạc Liêu còn nhiều tiềm năng để phát triển mô hình này.

Tuy nhiêu, nếu không có dự án thủy lợi chuyển nước từ phía Bắc Quốc lộ 1A sang hoàn toàn không thể áp dụng sản xuất lúa – tôm ở phía Nam được. Khi xây dựng các âu thuyền trên sông Bạc Liêu – Cà Mau thì giao thông đường thủy sẽ có ảnh hưởng, tuy nhiên sẽ không nhiều.

Vấn đề làm ngay là phải thực hiện tuyên truyền để người dân hiểu và biết rõ về dự án, nhiệm vụ của dự án. Một số ý kiến còn băn khoăn là chất lượng nước khi đưa sang khu vực phía Nam Quốc lộ 1A bởi khu vực này có một số đô thị, trong đó có thành phố Bạc Liêu và thị xã Giá Rai vẫn xả nước thảy ra; nguồn nước ngọt có đủ để cấp cho khu vực phía Nam hay không khi mà vẫn còn phải phục vụ cho diện tích sản xuất lúa phía Bắc Quốc lộ 1A. Bên cạnh đó, thì hiệu quả chống ngập như thế nào?

Vùng dự án theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư gồm hai khu vực riêng biệt, có hệ sinh thái khác nhau được phân tách bằng kênh Bạc Liêu – Cà Mau: Vùng phía Bắc Quốc lộ 1A có diện tích tự nhiên khoảng 157 ngàn ha, với hiện trạng sản xuất theo hệ sinh thái ngọt. Nguồn nước ngọt cấp cho vùng chủ yếu từ sông Hậu qua kênh Quản Lộ – Phụng Hiệp và hệ thống kênh cấp 2, 3.

Đoàn công tác thăm các hộ nuôi tôm ở xã Vĩnh Mỹ A và Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu. Ảnh: Trọng Linh.

Đoàn công tác thăm các hộ nuôi tôm ở xã Vĩnh Mỹ A và Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu. Ảnh: Trọng Linh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết: Hiện nay đối với vùng này là thiếu các công trình điều tiết, cấp thoát nước phục vụ sản xuất dẫn đến thiếu nước trong thời kỳ mùa khô ở các vùng giáp ranh với vùng sinh thái lợ ở thị xã Giá Rai.

Ngập úng do mưa kéo dài và triều cường nên sản xuất gặp nhiều khó khăn ở huyện Hòa Bình và huyện Phước Long. Vùng phía Nam Quốc lộ 1A có diện tích tự nhiên khoảng 110.000 ha, bao gồm 4.000 ha rừng phòng hộ ngoài đê.

Sản xuất trong vùng theo hệ sinh thái mặn, hiện nay chưa có công trình cấp nguồn nước ngọt cho vùng này trong mùa khô, nguồn nước ngọt từ sông Hậu không thể cấp trực tiếp được cho vùng, nước ngọt chủ yếu là trong mùa mưa.

Đến nay có khoảng 64.000 ha đã chuyển đổi sản xuất từ lúa, cây trồng khác sang nuôi thuỷ sản mặn lợ đang thiếu nguồn nước ngọt bổ sung cho nuôi thuỷ sản, cải thiện chất lượng môi trường nước. Từ tháng 12 hàng năm đến tháng 6 năm sau, thiếu khoảng 473 triệu m³ đến 546 triệu m³.

Việc thiếu nguồn nước ngọt trong mùa khô làm ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản trong khu vực, ô nhiễm nguồn nước ao nuôi, dịch bệnh xuất hiện từ 13 đến 27% diện tích thả nuôi.

Những năm gần đây, tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư nhiều công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh: Trọng Linh.

Những năm gần đây, tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư nhiều công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh: Trọng Linh.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: Bạc Liêu đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh xây dựng trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước. Tuy nhiên, muốn làm đươc thì phải có hạ tầng thủy lợi tốt. Trong thời gian qua, Bộ cũng đã đầu tư nhiều dự án thủy lợi trên địa bàn tỉnh như: dự án Âu thuyền Ninh Quới, dự án cảng cá Gành Hào, dự án khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, trong đó dự án Âu thuyền Ninh Quới phát huy hiệu quả trong việc ngăn mặn, giữ ngọt.

Với dự án Hệ thống công trình điều tiết, bổ sung nước phục vụ nuôi trồng thuỷ sản vùng phía nam Quốc lộ 1A, tỉnh Bạc Liêu sắp được triển khai sẽ giúp cho tỉnh Bạc Liêu chủ động được nguồn nước cho sản xuất của cả 2 vùng Bắc và Nam Quốc lộ 1A. Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến khác nhau cho nên Bộ phải khảo sát thực tế, nghe thêm ý kiến địa phương, các cơ quan chuyên môn và các nhà khoa học.

Trước đó, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều và nhiều sở, ban, ngành; cơ quan chuyên môn của Bộ NN-PTNT đi khảo sát thực tế ở các địa điểm nằm trong vùng dự án, như: cống Cầu Sập, xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi; khu vực nuôi tôm siêu thâm canh đang cần nước ngọt để pha loãng để giảm độ mặn và thực tế người dân đang sử dụng giếng khoan để rút nước ngầm phục vụ cho pha nước để nuôi tôm ở xã Vĩnh Mỹ A và Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình.

5 đề xuất của UBND tỉnh Bạc Liêu với Bộ NN-PTNT

Thứ nhất, Dự án đầu tư các cống phía bờ Tây kênh trục Cầu Sập – Ninh Quới (21 cống) để kiểm soát nguồn nước, tổng mức đầu tư khoảng 283 tỷ đồng, với mục tiêu chính là thoát nước khi mưa lớn ngập úng ở vùng chuyên lúa 2-3 vụ và rút nước từ thượng nguồn về để chuyển nước ngọt cho vùng Nam trong mùa khô để giảm độ mặn.

Thứ hai, Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vùng sản xuất tôm – lúa cho khu vực Giá Rai, Phước Long và Hồng Dân để sớm nhân rộng mô hình này trong thời gian tới, diện tích vùng dự án khoảng 6.000 ha và tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 260 tỷ đồng.

Thứ ba, ủng hộ tỉnh Bạc Liêu xin Thủ tướng Chính phủ, và các Bộ ngành Trung ương hỗ trợ thêm vốn trung ương để tỉnh Bạc Liêu thực hiện dự án xây dựng kè Nhà Mát đoạn từ cầu Út Đen đến cống Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu trong giai đoạn 2022 – 2025, với tổng mức đầu tư 614 tỷ đồng.

Thứ tư, quan tâm đầu tư hệ thống ô đê bao khép kín cho từng tiểu vùng sản xuất phừ hợp với từng mô hình: Siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh; quảng canh cải tiến kết hợp, đặc biệt là đối với mô hình tôm – lúa.

Thứ năm, xem xét hỗ trợ kinh phí xây dựng các trạm quan trắc, cảnh báo môi trường nước tự động để đại bộ phận người dân kịp thời phát hiện các chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép giúp chủ động trong sản xuất.

Giúp địa phương nghiên cứu, chuyển giao những công nghệ xử lý nước thải, chất thải trong nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên diện rộng.

Nguồn tin: https%3A%2F%2Fnongnghiep.vn%2Fxay-dung-he-thong-thuy-loi-nuoi-trong-thuy-san-nghin-ty-tai-bac-lieu-d321249.html

+
Gọi lại
Xây dựng hệ thống thủy lợi nuôi trồng thủy sản nghìn t…
blank
blank

đặt hàng thành công

    Báo giá mới nhất?