Do thời tiết diễn biến thất thường, đầm tôm 0,6ha của ông Nguyễn Tiến Hùng cũng như nhiều hộ nuôi tại thôn Sao Vàng, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa cuối tháng 3 vẫn chưa thể xuống giống. Theo ông Hùng, hộ có đầm tôm được che nhà bạt vẫn còn dè dặt, những hộ nuôi tôm ngoài trời càng phải cẩn trọng trong việc thả giống hơn.
Ông Hùng cho biết, hầu hết các hộ nuôi ở đây đều mua giống tôm của các doanh nghiệp từ miền Nam đưa ra. Do thời gian vận chuyển dài, tôm giống khi về đến địa phương chưa thích nghi kịp với thời tiết nên khi thả xuống đầm, đạt tỷ lệ sống thấp và dịch bệnh dễ phát sinh. Nếu Thanh Hóa chủ động được nguồn giống người nuôi tôm sẽ đỡ vất vả.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trạm trưởng Trạm thủy sản Thanh Hóa cho biết: “Hiện chúng tôi có 1.500m2 sản xuất các loại giống. Mỗi năm trạm sản xuất được khoảng vài chục triệu bốt tôm sú, tôm thẻ chân trắng và 2 triệu con cua xanh. Lượng con giống này chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu hiện tại của ngành nuôi trồng thủy sản tại Thanh Hóa’, ông Tuấn cho hay.
Ông Tuấn cho rằng, đây là một thiệt thòi rất lớn đối với ngành nuôi trồng thủy sản ở Thanh Hóa. Bởi muốn nuôi trồng thủy sản bền vững, con giống phải thật sự khỏe mạnh trước lúc thả xuống đầm. Tuy nhiên, con giống lấy từ địa phương về sẽ gặp nhiều yếu tố bất lợi.
Do điều kiện thời tiết nên việc sản xuất con giống tại Thanh Hóa gặp rất nhiều khó khăn. Nếu con giống được sản xuất tại chỗ người nuôi sẽ giảm chi phí vận chuyển, thích nghi tốt hơn với điều kiện thủy, lý hóa địa phương. Còn khi mua từ các tỉnh khác về, quá trình vận chuyển dài sẽ khiến con giống bị yếu đi, thích nghi với môi trường khó khăn hơn. Từ đó, việc nuôi trồng sẽ kém hiệu quả.
Ông Tuấn cho biết thêm, nghề nuôi tôm ở đây không mấy suôn sẻ. Rất nhiều hộ đã phải cắm hết nhà cửa, ruộng vườn, vay ngân hàng lao vào con tôm như con thiêu thân nhưng tỷ lệ thất bại rất lớn. Một trong những nguyên nhân thất bại chính là vấn đề con giống.
Thanh Hóa là địa phương có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn rất lớn với 5.240ha, tổng sản lượng hàng năm đạt gần 31.000 tấn. Các đối tượng nuôi chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, tôm sú, ngao, cá vược, các mú…
Theo thông tin từ Chi cục Thủy sản Thanh Hóa, mỗi năm địa phương cần khoảng 4,5 – 5,5 tỷ con giống mặn lợ các loại. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất giống tôm sú tại địa phương hàng năm sản xuất chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu nên giống tôm thẻ chân trắng, cá giống các loại phải di nhập từ các tỉnh, thành khác về là chính.
Đại diện Chi cục Thủy sản Thanh Hóa cho biết, để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản bền vững, thời gian tới, địa phương sẽ xã hội hóa hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong sản xuất giống. Các cơ quan nghiên cứu Nhà nước thực hiện nghiên cứu cơ bản, doanh nghiệp nghiên cứu ứng dụng nhằm từng bước nâng cao tính tự chủ về con giống thủy hải sản cho địa phương.