Tận dụng khe nước tự nhiên
Do diện tích mặt nước ở Bắc Kạn không nhiều, người dân tận dụng nguồn nước từ các khe đồi để đắp ao hay dành một phần ruộng làm ao… Nắm được nhu cầu thị trường hiện nay rất ưa chuộng cá sạch, nhiều người đã đầu tư thả các loại cá như: Trắm, chép, trôi, rô phi đơn tính…, thức ăn chủ yếu bằng lá, thân cây chuối, cám ngô, gạo,… nên chất lượng cá luôn vượt trội. Sau mỗi vụ thu hoạch đều tiêu thụ thuận lợi tại địa phương hoặc được các thương lái đến tận nơi mua buôn.
Ông Phùng Văn Kiếu ở thôn Nà Rầy, xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới là một trong những hộ có thu nhập cao ở địa phương. Năm 1987, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, ông Kiếu đã biết đào ao thả cá cải thiện đời sống.
Thời điểm đó, chỉ bằng sức người, ông Kiếu đắp được vài trăm m2 khe đồi làm ao nuôi cá, với mục đích phục vụ gia đình, còn thừa thì bán ra ngoài. Đầu năm 2.000, nhận thấy việc giao thương thuận lợi, ông Kiếu mạnh dạn thuê máy móc về mở rộng ao cá lên tới hơn 4.000m2 như hiện nay để nuôi cá thương mại, đồng thời mua thêm ao cá hơn 3.000m2 nữa để làm nơi ương cá giống.
Để nuôi cá hiệu quả cao, ông Kiếu nuôi ương cá giống 1 năm ở ao nhỏ rồi chuyển lên ao lớn khi cá đạt trọng lượng khoảng 1kg. Xung quanh ao trồng một số cây ăn quả, nhiều nhất là cây trứng cá, vừa có tác dụng mát ao, đến khi quả chín rụng xuống thành thức ăn cho cá. Gia đình ông Kiếu cũng dành ra hơn 6.000m2 trồng xen cỏ voi, sắn để làm thức ăn cho cá để tránh phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp.
Vì vậy, đến lúc được thu hoạch, những con cá của ông Kiếu đạt trọng lượng 8 – 10kg là chuyện bình thường. Nhờ chất lượng cá ngon nên tư thương tranh nhau mua với giá lên tới 60.000 – 70.000 đồng/kg. Giá này luôn cao hơn cá nuôi công nghiệp dưới xuôi chuyển lên Bắc Kạn tới vài chục ngàn đồng/kg.
Theo lãnh đạo UBND xã Thanh Vận, người dân thấy ông Kiểu nuôi cá cho thu nhập cao nên nhiều người hộ đã học hỏi và làm theo. Ngay tại thôn Nà Rầy, hiện có hàng chục hộ tập trung phát triển nghề nuôi cá với rất nhiều ao rộng hàng nghìn mét vuông. Một điều mà từ trước tới nay, ít người nghĩ tới việc nuôi cá có thể trở thành phong trào như hiện nay ở xã vùng cao như Thanh Vận.
Khơi dậy tiềm năng thủy sản chất lượng
Hiện nay, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn là hơn 1.300ha, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2021 đạt khoảng 2.500 tấn, năng suất gần 18 tạ/ha. Phần lớn thủy sản được nuôi theo phương thức quảng canh và bán thâm canh, nuôi ghép các loài truyền thống, một số diện tích nuôi đơn loài nhưng quy mô nhỏ, nguồn vốn đầu tư thấp.
Từ chỗ chỉ nuôi để cung cấp thêm thực phẩm cho gia đình, nay nhiều nông dân ở Bắc Kạn đã mở rộng quy mô nuôi trồng thủy sản thành hàng hóa số lượng lớn. Cùng với việc đảm bảo nguồn giống, thức ăn, các hộ dân đã chú trọng việc chăm sóc, phòng bệnh cho cá theo mùa nên sản lượng cá thả nuôi của bà con hiện nay khá lớn.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT Bắc Kạn, sản lượng nuôi trồng thủy sản ở ao, hồ, ruộng năm 2020 của tỉnh đạt 2.283 tấn, bằng 263% so với năm 2011, năng suất đạt 17,1 tạ/ha, cao gấp 2,1 lần so với năm 2011.
Đối với diện tích mặt nước lớn, người dân địa phương đã phát triển nuôi cá lồng. Mặc dù không nhiều, nhưng tính đến nay, toàn tỉnh đã có 46 lồng nuôi cá, sản lượng đạt 74 tấn. Đa phần các lồng cá được làm bằng khung kẽm chắc chắn có thể tích 50m3 trở lên, thay thế dần cho các lồng làm bằng tre, gỗ trước đây. Các loài cá nuôi lồng chủ yếu như: Cá rô phi đơn tính, cá diêu hồng, cá trắm cỏ, cá trắm đen, cá chép…
Ba Bể là địa phương phát triển nghề nuôi cá lồng nhiều nhất trong tỉnh. Khai thác tiềm năng, lợi thế mặt nước của sông Năng, nhiều hộ dân trên địa bàn đã và đang nuôi cá lồng, mở ra hướng phát triển kinh tế mới, góp phần nâng cao thu nhập.
Dọc các xã Thượng Giáo, Bành Trạch, Khang Ninh, thị trấn Chợ Rã, người dân đã khai thác lợi thế mặt nước của dòng sông Năng chảy qua phát triển với khoảng 30 lồng cá như: Trắm, chép, diêu hồng. Nhờ có dòng nước lưu thông trên sông Năng nên người nuôi không phải lo lượng thức ăn thừa gây ô nhiễm như nuôi trong ao. Cách chăn nuôi này cũng giảm được khâu xử lý môi trường ao nuôi và thời gian nghỉ của ao sau mỗi vụ, từ đó giảm nhiều chi phí, nâng cao thu nhập.
Áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng
Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, trong giai đoạn 2011 – 2020, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã triển khai một số dự án khoa học, trong đó có mô hình nuôi cá diêu hồng trong lồng bè, mô hình tận dụng tiềm năng mặt nước trên sông và hồ chứa nuôi cá trong lồng bè….
Kết quả, nhiều mô hình được nhân rộng, duy trì và phát huy hiệu quả, nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản tập trung được hình thành với hình thức bán thâm canh và sản xuất theo hướng hàng hóa. Nhờ thực hiện tốt khâu phòng trừ nên dịch bệnh được khống chế, giảm thiểu thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản. Từ đó, thu nhập của người dân từ các hoạt động nuôi trồng thủy sản được tăng lên, đời sống từng bước được cải thiện.
Song song với phương pháp nuôi truyền thống, tận dụng nguồn tài nguyên nước lạnh, những năm gần đây đã có một số doanh nghiệp đầu tư vào nuôi cá hồi, cá tầm, góp phần phát triển kinh tế và tăng thêm cơ cấu giống loài nuôi mới. Hiện tỉnh có 2 cơ sở nuôi cá nước lạnh, tổng diện tích 1,1ha, sản lượng đạt 7,2 tấn, năng suất đạt 6,5 tạ/ha.
Đỉnh Pù Lầu thuộc thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể nằm dưới chân núi Phja Bjoóc là nơi rất mát mẻ, yên tĩnh, nước đầu nguồn sạch, quanh năm mát lạnh, sườn núi có độ dốc cao, nước chảy mạnh rất thích hợp để nuôi cá tầm, cá hồi. Nhận thấy lợi thế này, anh Đặng Hành Dũng đã đầu tư 4 bể cá, thời điểm nuôi nhiều có đến 4.000 con cá tầm, cá hồi các loại.
Còn tại xã Bằng Phúc, với diện tích nuôi lớn hơn, người dân đã tận dụng thượng nguồn sông Cầu được bắt nguồn từ dãy núi Tam Tao, nơi có dòng nước quanh năm mát lạnh để lấy nước nuôi cá. Đầu tư khá bài bản từ hệ thống bể cá với mái lợp và xử lý nước, quy trình chăm sóc nghiêm ngặt nên chất lượng cá đảm bảo đã mang lại thu nhập cao từ việc nuôi cá tầm, cá hồi.
Trong 2 năm vừa qua, Sở NN-PTNT Bắc Kạn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y triển khai tổ chức lấy 180 mẫu nước ao nuôi trồng thủy sản tại 30 hộ, tập trung vào đối tượng ao nuôi cá rô phi, cá chép, cá trắm cỏ tại huyện Chợ Đồn và huyện Bạch Thông. Nhìn chung, môi trường nước nuôi trồng thủy sản trong ao tương đối sạch, các chỉ số nằm trong giới hạn cho phép.
Theo Sở NN-PTNT Bắc Kạn, để khai thác tiềm năng sẵn có về diện tích, phát triển thủy sản, đáp ứng một phần nhu cầu thực phẩm của người dân địa phương, nâng cao đời sống người nuôi trồng thủy sản, gắn với du lịch sinh thái ở khu vực nuôi cá nước lạnh, địa phương đang hướng tới phát triển sản phẩm thủy sản an toàn, phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác thủy sản, liên kết trong tiêu thụ.