Độ mặn thấp chưa dám thả tôm
Sau khi thu hoạch vụ lúa trên đất nuôi tôm, nông dân ở Bạc Liêu tranh thủ cải tạo vuông tôm để chuẩn bị thả nuôi vụ đầu năm. Tuy nhiên, những ngày qua độ mặn xuống thấp không đáp ứng được nhu cầu thả tôm, có nơi độ mặn xuống thấp bằng 0%0.
Anh Nguyễn Văn Te, ấp Ninh Chài, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu) cho biết: Sau khi thu hoạch vụ lúa trên đất nuôi tôm vào đầu tháng một, gia đình bắt đầu cải tạo vuông để chuẩn bị thả vụ nuôi đầu tiên trong năm. Lúc thu hoạch lúa anh kiểm tra độ mặn là 10%0 nên rất an tâm, dự kiến tuần thứ hai của tháng 3 sẽ bắt đầu thả tôm thẻ xuống ao. Tuy nhiên, từ đầu tháng 3 đến nay độ mặn tụt xuống 0%0. Những ngày qua bà con trong ấp Ninh Chài ai cũng lo lắng vì nước không đủ mặn.
Anh Nguyễn Văn Thòn, xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân lo lắng: Độ mặn hiện nay không đáp ứng nên không thả được tôm dẫn đến trễ lịch thời vụ. Qua theo dõi Đài khí tượng thủy văn dự báo sắp tới sẽ xuất hiện nhiều đợt mưa trái mùa vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4, lúc đó tôm chỉ mới thả được khoảng hơn một tháng tuổi sẽ dễ bị nhiễm bệnh.
“Nông dân ở đây thu hoạch lúa vào giữa tháng một. Ruộng lúa nào cắt trễ bơm nước ngọt vào dự trữ. Nếu nước mặn về diện tích lúa cũng không bị ảnh hưởng. Sau khi thu hoạch lúa bà con bơm nước mặn vào nuôi tôm, lúa cũng không bị ảnh hưởng gì. Chúng tôi rất mong ngành nông nghiệp hai tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Sóc Trăng chủ động phối hợp với đơn vị vận hành cống âu thuyền Ninh Quới đóng mở cống hợp lý để con tôm đủ nước mặn và cây lúa đủ nước ngọt”, ông Thòn đề nghị.
Ông Võ Văn Thum, Chủ tịch UBND xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân, cho biết: Sau khi thu hoạch vụ lúa, nông dân trong xã Lộc Ninh cải tạo ao nuôi chuẩn bị thả vụ tôm đầu năm. Tuy nhiên, đến nay độ mặn chỉ đạt khoảng 4 – 5%0, một số nơi còn 1 – 2%0 vì cống âu thuyền Ninh Qưới mở liên tục mấy ngày nay nên độ mặn giảm xuống.
Nếu mở hai cống Hộ Phòng và Láng Trâm liên tục khoảng vài ngày sẽ đẩy được nước mặn theo sông Phụng Hiệp về phục vụ cho bà con trong vùng nuôi tôm của huyện Hồng Dân. Hiện nay, diện tích thả tôm nuôi của xã Lộc Ninh khoảng 4.300ha. Từ đầu tháng 3 đến ngày 8/3 nông dân đã thả nuôi hơn 1.000 ha. Do độ mặn không đáp ứng nên nhiều hộ phải chờ nước mặn về mới thả tôm.
Ông Võ Minh Huy, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hồng Dân cho biết: Hiện nay đã đến thời điểm thả nuôi tôm vụ đầu, tuy nhiên tại một một số vùng chưa đảm bảo độ mặn để người dân thả tôm. Trong đó có một phần diện tích của xã Vĩnh Lộc, Vĩnh Lộc A, Lộc Ninh, Ninh Hòa. Bà con nuôi tôm trong vùng lo lắng và ngành nông nghiệp huyện đã kiến nghị lên Ban Điều tiết nước của tỉnh Bạc Liêu để hỗ trợ. Theo kế hoạch vụ tôm đầu năm nay huyện Hồng Dân sẽ xuống giống hơn 26.000 ha, đến nay đã thả được hơn 20.000ha.
Vận hành cống âu thuyền Ninh Qưới hợp lý
Lý giải về việc đóng mở cống âu thuyền Ninh Quới trong những ngày qua, ông Phan Văn Hùng, Phụ trách vận hành cống âu thuyền Ninh Quới nói: Những ngày qua độ mặn bên trong cống âu thuyền ở mức cao.
Từ ngày 21/2 đến nay nước mặn đã xâm nhập sâu vào vùng ngọt thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) khoảng từ 5 – 6 km theo kênh Quản lộ Phụng Hiệp nên Ban vận hành cống âu thuyền Ninh Quới đã mở cống liên tục nhằm đẩy nước mặn từ Ngã Năm ngược trở ra.
Nhiệm vụ chính của cống âu thuyền Ninh Quới chủ yếu là ngăn mặn không cho xâm nhập vào vùng ngọt hóa của thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Qua việc ngăn mặn vào vùng ngọt hóa thị xã Ngã Năm cũng là đẩy nước mặn lên vùng nuôi trồng thủy sản của huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu.
Để không thiếu mặn cho vùng nuôi tôm của huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, ngoài việc đóng công âu thuyền Ninh Quới cần phải vận hành các hệ thống cống quanh Quốc lộ 1A từ cống Giá Rai cho đến cống Láng Trâm. Nhất là hai cống Giá Rai và Hộ Phòng nếu khi vận hành vẫn thấy thiếu mặn về huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu thì cần phải linh hoạt mở trùng ngày để đẩy nước mặn về.
Ông Nguyễn Kỳ Phòng, cán bộ Trung tâm Quản lý khai thác Công trình Thủy lợi tỉnh Bạc Liêu – phụ trách địa bàn liên huyện Phước Long và Hồng Dân cho biết: Đợt điều tiết mặn ngọt bắt đầu từ ngày 5 đến 8/3. Chi cục Thủy lợi tỉnh Bạc Liêu đã cho mở hai cống Hộ Phòng và Giá Rai để tiếp mặn cho vùng chuyển đổi nuôi tôm của huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu.
Tuy nhiên, như thường lệ trước khi lấy nước mặn vào khoảng từ 2 – 3 ngày cần phải xử lý lượng nước mặn lấy vô trước đó (đợt trước lấy nước mặn từ ngày 18 – 23/2) để bảo đảm cho nguồn nước không bị ô nhiễm do các hộ dân, bơm vào dùng để cải tạo vuông và thải ra ngoài.
Sáng 8/3, độ mặn đo được tại ngã tư Ninh Quới là 9.5%0, nhưng vài tiếng sau thì chỉ còn khoảng 4,5%0. Nguyên nhân là cống âu thuyền Ninh Quới mở đến chiều cùng ngày để xả mặn ra khỏi khu vực thị xã Ngã Năm. Do đó, đơn vị đã đề nghị tỉnh cho vận hành cống Giá Rai và Hộ Phòng liên tục vài ngày để đẩy nước mặn sâu về vùng nuôi tôm các xã Lộc Ninh, Vĩnh Lộc, Vĩnh Lộc A, Ninh Hòa… của huyện Hồng Dân đáp ứng nhu cầu nước mặn từ 7 – 10%0 cho bà con nuôi tôm.
Sau khi đi khảo sát thực tế, ông Lai Thanh Ẩn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bạc Liêu cho biết: Trong tháng 3 tỉnh Bạc Liêu cho vận hành mở các cống 4 ngày liên tục (từ ngày 5 – 8/3). Độ mặn tại ngã tư Ninh Quới có lúc đạt đỉnh lên 10 – 11%0. Tuy nhiên, tại trục Quản lộ Phụng Hiệp nước sông Mê Kông về tỉnh Bạc Liêu vẫn còn cao.
Qua quan sát tại vị trí ngã năm nước ngọt + 0,4 – 0,5, tại trong âu thuyền Ninh Quới đo được có lúc +0,4. So với cùng kỳ mùa khô năm 2020 – 2021 mực nước ngọt cao hơn khoảng 0,3 – 0,4 m. Do lượng nước ngọt khá cao nên Ban quản lý cống âu thuyền Ninh Quới mở cống nhiều hơn dẫn đến nước mặn không thể theo trục Ngan Dừa đi sâu vào vùng nuôi tôm huyện Hồng Dân. Tuy nhiên, nước mặn cũng đã đi vào huyện Hồng Dân theo hướng kênh Cộng Hòa, kênh Ninh Thạnh Lợi, kênh Vĩnh Lộc…Nên độ mặn đầu tháng 3 so với cuối tháng 2 có tăng lên đạt từ 4 – 5%0, có nơi đạt 7%0.
Để đáp ứng đủ nước mặn cho bà con khắc phục tình trạng nước ngọt đổ về, Chi cục Thủy lợi tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp mở thêm hai cống Giá Rai và Hộ Phòng thêm vài ngày. Đồng thời đóng hết hệ thống cống mặn từ Giá Rai xuống Cà Mau khoảng 2 ngày để tạo sức ép đưa nước mặn về hướng Bắc Quốc lộ 1A của huyện Hồng Dân được tốt hơn.
Bên cạnh đó, sẽ yêu cầu phía Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa, đơn vị vận hành công âu thuyền Ninh Quới cố gắng đóng mở cống 7 lần/ngày theo đúng chu kỳ vận hành. Không tạo dòng ngọt từ vị trí cống ấu thuyền Ninh Quới đổ về theo hướng kênh Cộng Hòa từ đó sẽ giúp nước mặn đi sâu vào phía Bắc huyện Hồng Dân.
“Vừa qua, tại khu vực phía Bắc huyện Hồng Dân nước mặn đưa lên gặp khó khăn. Lý do là công trình hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé vận hành vẫn chưa đáp ứng hoàn toàn, trong số 11 cống chỉ vận hành 9 cửa cống. Do đó, áp lực triều cường biển Tây còn ảnh hưởng đến khu vực phía Bắc huyện Hồng Dân dẫn đến đoạn cuối phía Bắc huyện Hồng Dân còn trữ ngọt dâng cao ảnh hưởng đến việc đưa nước mặn vào nuôi tôm. Trong chu kỳ 15 ngày cuối tháng 3 Chi cục Thủy lợi tỉnh Bạc Liêu sẽ tận dụng đưa nước mặn vào ngay thời kỳ đỉnh triều cao nhất. Dự báo khoảng 15 – 16/2 âm lịch là thời điểm đỉnh triều của biển Đông.” Ông Lai Thanh Ẩn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bạc Liêu.