Năm 2021 là năm thứ 2 Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Cà Mau và Trung tâm giống nông nghiệp phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện U Minh triển khai mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực xen canh trong ruộng lúa theo tiêu chuẩn VietGap cho bà con nông dân ở ấp 9 và ấp 11 xã Khánh Thuận thực hiện. Do được tập huấn kỹ thuật, cũng như có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nên mô hình mang lại hiệu quả cao.
Theo đó, mô hình được triển khai cho 73 hộ dân thuộc ấp 9 và ấp 11 của xã với diện tích khoảng 100 héc ta. Mỗi 1 héc ta người dân sẽ được hỗ trợ 15.000 con tôm càng xanh giống toàn đực, 40kg lúa ST24 và một số chế phẩm sinh học, phân bón khác. Sau hơn 5 tháng triển khai thực hiện đến nay, mô hình đã bước vào giai đoạn thu hoạch.
Nhờ có sự hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật của các kỹ sư thuộc Sở khoa học Công Nghệ, và Trung tâm giống nông nghiệp, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, sự đồng lòng của người dân trong suốt quá trình thực hiện, cũng như những kinh nghiệm mà nông dân đúc kết được ở vụ mùa trước nên vụ mùa năm nay năng suất đạt khá cao.
Gia đình bà Hồng Thị Nhanh, ở ấp 9, xã Khánh Thuận, huyện U MInh, vừa tiến hành thu hoạch xong vụ tôm càng xanh toàn đực xen canh trong ruộng lúa trên diện tích 1,2 héc ta. Do được hướng dẫn kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi, cũng như tuân thủ nghiêm ngặt các khuyến cao của ngành chuyên môn nên năng suất tôm nuôi, lẫn năng suất lúa của gia đình bà Nhanh đạt khá cao.
Bà Hồng Thị Nhanh, ở ấp 9, xã Khánh Thuận phấn khởi nói: “Nhà nước hỗ trợ được 15.000 con tôm càng xanh giống, tôi mua thêm 10.000 con nữa, có 20 mấy ngàn con mà bán cũng được gần 40 triệu. Riêng lúa năm nay cũng trúng mùa, tôi bán tính ra 01 công cũng được 30 giạ, mỗi giạ 130 ngàn đồng nên cũng có nguồn thu nhập khá nên phấn khởi lắm”.
Gia đình bà Đào Trúc Ly, ở ấp 9, xã Khánh Thuận cũng thả nuôi khoảng 30.000 con tôm giống trên diện tích 1,2 héc ta. Do được hỗ trợ xử lý tốt nguồn nước, cũng như có được nguồn tôm giống chất lượng, đặc biệt là cho tôm ăn đúng liều lượng nên diện tích tôm càng của gia đình bà Ly lớn nhanh và đạt số đầu con cao hơn so với các hộ nuôi khác.
Bà Đào Trúc Ly, vui mừng cho biết: “ Năm nay, tôm giá rẻ hơn mọi năm, tôi bán được giá 90 ngàn đồng/kg, thấp hơn năm rồi 20 ngàn đồng/kg, mặc dù giá tôm thấp nhưng năng suất đạt cao nên nguồn thu cũng khá, vừa rồi tôi lên bán được cũng hơn 40 triệu, trừ chi phí rồi chắc cũng còn khoảng 30 triệu, có tiền năm nay đón tết sẽ vui vẻ hơn”.
Ông Tôn Trung Kháng, Trưởng ấp 9, xã Khánh Thuận cho biết: “ Nói chung mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh trong ruộng lúa do Sở khoa học Công Nghệ và Trung tâm giống nông nghiệp tỉnh hỗ trợ cho bà con thực hiện trong 02 năm qua là hết sức hiệu quả, năng suất tôm nuôi trung bình đặt từ 300 -400 kg/ha, có hộ trúng đậm đạt từ 450 -500kg/ha, lúa cũng đạt từ 20 -30 giạ/công. Từ những kết quả đạt được, thời gian tới tôi sẽ vận động bà con nhân rộng mô hình để phát triển kinh tế gia đình”.
Có thể nói, mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực xen canh trong ruộng lúa theo tiêu chuẩn VietGap là một mô hình kinh tế hiệu quả, không chỉ giúp người dân cải tạo tốt môi trường nước trong vuông tôm, thích ứng tốt với điều kiện thời tiết khắc nghiệt và có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay mà còn giúp người dân tăng thu nhập trên cùng một diện tích. Không chỉ vậy khi thực hiện mô hình còn để lại nguồn thức ăn dồi dào trong vuông nuôi cho vụ tôm tiếp theo.
Thành công của vụ tôm càng xanh toàn đực xen canh trong ruộng lúa theo tiêu chuẩn VietGap năm nay, đã mang đến nhiều niềm vui, niềm phấn khởi cho người dân, giúp họ có điều kiện để tái sản xuất ở những vụ mùa tiếp theo, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.