Biến chất thải thành tiền
Năm 2016, trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa tỉnh Nam Định và tỉnh Miyazaki (Nhật Bản), các chuyên gia nông nghiệp của tỉnh Miyazaki đã hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ cho tỉnh Nam Định thông qua dự án “Xây dựng hệ thống sản xuất, chế biến phân bón hữu cơ từ nguồn phế phẩm nông nghiệp”. Xã Yên Cường (Ý Yên, Nam Định), địa phương có truyền thống chuyên canh rau an toàn và cây lạc được chọn tiên phong để triển khai.
UBND xã đã giao cho hợp tác xã (HTX) Sản xuất kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Bắc Cường (HTX Bắc Cường) thực hiện sản xuất phân hữu cơ theo phương pháp của các chuyên gia Nhật Bản; HTX động viên người dân tích tụ ruộng đất, trồng rau an toàn theo hướng dẫn của các chuyên gia.
Toàn bộ thành viên của HTX Bắc Cường được các chuyên gia Nhật Bản, cán bộ Sở NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông tỉnh… hướng dẫn kỹ thuật sản xuất phân bón hữu cơ từ nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp; cách thức cải tạo đất bạc màu, thiếu dinh dưỡng bằng phân hữu cơ, kỹ thuật canh tác nông nghiệp an toàn.
Ông Ngô Minh Đức, Giám đốc HTX Bắc Cường chia sẻ: Việc sản xuất phân bón hữu cơ theo phương pháp mà các chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn không hề phức tạp. Công thức trộn ủ bao gồm 70% nguyên liệu phân chuồng nguyên chất (phân trâu, bò, lợn…), 30% phế phụ phẩm nông nghiệp (vỏ lạc, trấu…). Sau khi trộn đều hỗn hợp trên, tiến hành đánh đống, tưới nước đảm bảo độ ẩm, ủ lên men tự nhiên. Theo dõi nhiệt độ đống ủ khi đạt 75 – 80 độ C thì tiến hành trộn đảo, lặp lại việc trộn đảo (trung bình 7 ngày/lần) cho tới khi nhiệt độ đống ủ xuống 40 – 45 độ C là đạt yêu cầu.
Theo ông Đức, từ khi triển khai phương pháp sản xuất phân hữu cơ này, thay vì thải phân gia súc gia cầm, phế phụ phẩm nông nghiệp ra môi trường gây ô nhiễm, trung bình mỗi năm HTX đã tự sản xuất được 90 – 100 tấn phân hữu cơ từ các phế phụ phẩm nông nghiệp, cung cấp cho hầu hết các doanh nghiệp, trang trại, HTX sản xuất rau an toàn trên địa bàn huyện với giá 2.000 đồng/kg.
Giảm 60 – 70% lượng rác phải chôn lấp
Theo chân ông Đức ra cánh đồng canh tác lạc của xã Yên Cường, dễ dàng nhận thấy không còn tình trạng người dân sử dụng thiếu khoa học, lạm dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Chất thải chăn nuôi được thu gom; rơm rạ, cỏ dại không đốt hoặc thải bừa ra môi trường cho tự phân hủy mà được tập hợp, đánh đống ủ phân ngay tại đầu bờ…
Ông Đức cho biết thêm: Từ việc tận mắt chứng kiến quy trình, hiệu quả của mô hình tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ mà các chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn, phong trào tự sản xuất phân bón và trồng rau, củ, quả an toàn trên địa bàn xã Yên Cường phát triển khá nhanh. Bên cạnh đó, việc tăng cường tái sử dụng chất thải hữu ích trong sinh hoạt của người dân địa phương cũng được nâng lên, lượng rác thải phải chôn lấp, xử lý tại các thôn, xóm đã giảm tới 60 – 70% so với trước đây.
Giảm chi phí phân bón, lợi nhuận tăng 10 – 15%
Khi sử dụng phân bón hữu cơ thay thế một phần phân bón vô cơ, chất lượng các loại rau, củ, quả của người dân Yên Cường được nâng lên. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất giảm nên sản phẩm khi đưa tới bạn hàng có giá bán hợp lý, sức cạnh tranh trên thị trường cũng được nâng lên.
“Nhờ tận dụng này có chi phí đầu tư thấp, giải quyết đồng thời được nhiều bài toán như giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người,.. tiết kiệm chi phí sản xuất. Lợi nhuận sản xuất trung bình tăng lên từ 10 – 15% so với sản xuất đại trà”, ông Ngô Minh Đức, Giám đốc HTX Bắc Cường cho hay.
Đang cần mẫn chăm sóc 9 sào lạc vụ xuân của gia đình, bà Ngô Thị Thắm, thôn Đọ Xá, xã Yên Cường chia sẻ: Ngoài 9 sào lạc, hàng năm gia đình bà trồng thêm 2,3 mẫu lúa, 1,5 mẫu khoai tây, chăn nuôi gà, thỏ nên lượng chất thải nông nghiệp rất lớn. Trước đây, toàn bộ rơm rạ, thân cây lạc, khoai tây… sau khi thu hoạch đều được đốt bỏ. Tuy nhiên, từ khi gia đình bà được tiếp cận với phương pháp sản xuất phân bón hữu cơ, những loại phế phẩm này đều được tận dụng hết để làm nguyên liệu sản xuất phân bón.
Theo bà Thắm, nếu tính toán chi li sẽ thấy việc đem đốt bỏ rơm rạ, thân cây… như trước đây không hề “nhàn” như suy nghĩ vì phải bỏ công phơi khô mới có thể đốt được, nếu gặp thời tiết mưa thì vừa tốn công hơn vừa không sạch ruộng. Trong khi với phương pháp ủ phân bón, sau khi thu hoạch xong, thân cây tươi được gom lại ở đầu ruộng, thêm phụ gia, men vi sinh trộn ủ, dùng bạt che chắn là có phân bón sử dụng cho cây trồng ở vụ tiếp theo.
“Phương pháp này không khó để thực hiện, nguồn nguyên liệu mình sẵn có, chỉ cần chú ý một chút là làm được ngay. Việc tận dụng được nguồn rác thải, phế phụ phẩm nông nghiệp vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa có thêm nguồn phân bón chất lượng cho cây trồng”, bà Thắm vui vẻ.
Cũng theo bà Thắm, qua nhiều vụ sản xuất, gia đình bà sử dụng phân bón hữu cơ do mình tự trộn ủ, cây rau, màu sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, ít sâu bệnh, đất tơi xốp hơn.
Bà Thắm tính toán, với 9 sào lạc, trung bình mỗi vụ trước đây bà mất 300.000 – 400.000 đồng/sào tiền phân bón vô cơ; với khoai tây vụ đông bà mất 2 – 3 triệu đồng tiền mua trấu, phân; trong bối cảnh giá phân bón đang tăng cao như hiện nay thì chi phí này sẽ còn tăng cao hơn nữa. Tuy nhiên, từ khi tự phối trộn, sản xuất được phân hữu cơ, gia đình bà tiết kiệm được rất nhiều chi phí sản xuất.
“Hiện tại, cứ 3 sào thân cây lạc là có thể ủ đủ phân bón cho 1 sào khoai tây vụ sau. Đến vụ khoai tây, sau khi thu hoạch, thân cây, củ hỏng… kết hợp với phân thỏ, gà gia đình nuôi, thêm cám gạo và men vi sinh đánh đống tiến hành ủ phân. Lặp lại quy trình như vậy trong năm, gia đình giảm được rất nhiều gánh nặng chi phí sản xuất”, bà Thắm bộc bạch.
Còn nhiều khó khăn để nhân rộng
Theo ông Ngô Minh Đức, Giám đốc HTX Bắc Cường, hiệu quả, lợi ích của việc sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, để có thể thúc đẩy phát triển mạnh mẽ việc sản xuất, sử dụng phân bón hữu, còn rất nhiều nút thắt cần phải tháo gỡ.
Về phía hộ sản xuất, phải mua được chế phẩm sinh học chất lượng, có diện tích chuồng trại, đất canh tác đủ lớn để tích trữ, xử lý nguyên liệu. Bên cạnh đó, việc sản xuất phân bón hữu cơ mất nhiều thời gian để thu gom, xử lý, đợi nguyên liệu phân hủy. Thời gian để nhận thấy hiệu quả khi sử dụng dài nên không phải hộ nào cũng kiên trì áp dụng.
Mặt khác, không phải hộ sản xuất nào cũng đảm bảo thực hiện đúng kỹ thuật trộn ủ nên số lượng, chất lượng phân bón sản xuất ra không đồng đều, sử dụng không mang lại hiệu quả, gây tâm lý hoài nghi, không mặn mà khi đưa vào sản xuất…
Về phía các đơn vị sản xuất, kinh doanh với số lượng lớn, để sản xuất ra phân hữu cơ chất lượng cần có nguồn nguyên liệu là phân nguyên chất (phân trâu, bò, lợn..) với khối lượng lớn, trong khi việc chủ động giảm đàn, thậm chí dừng chăn nuôi ở nhiều hộ dân đang xảy ra do lo ngại dịch bệnh, chi phí đầu vào tăng cao trong khi giá bán ở mức thấp…
Bên cạnh đó, các trang trại chăn nuôi tập trung không phải đơn vị nào cũng chú ý đến thu gom phân khô mà sử dụng phương pháp xịt rửa, đưa phân, nước thải xuống bể chứa. Những điều này vô hình trung ảnh hưởng không nhỏ tới việc ổn định nguồn nguyên liệu.
“Khi kinh doanh sản phẩm phân bón hữu cơ thực sự trên thị trường phải có cơ sở sản xuất, bao bì, nhãn mác, giấy phép lưu hành đúng theo quy định của các cơ quan quản lý chất lượng… Tuy nhiên, khi doanh nghiệp hay HTX mất nhiều công sức, chi phí để đầu tư bài bản mà nguồn nguyên liệu, thị trường không ổn định sẽ là rào cản rất lớn…”, ông Ngô Minh Đức, Giám đốc HTX Bắc Cường cho biết.