Hai giải pháp sinh học hiệu quả ở vùng xoài Cam Lâm



Ứng dụng

Đăng ngày 13/04/2022


KHÁNH HÒA Giải pháp sử dụng dầu khoáng phòng trừ bọ trĩ và bón chế phẩm sinh học cho cây xoài đã phát huy hiệu quả cao tại vùng xoài Cam Lâm (Khánh Hòa).

Tại vùng xoài Cam Lâm (Khánh Hòa), những năm gần đây, tình hình sâu bệnh như bọ trĩ, rầy bông, bệnh thán thư, bồ hóng gây hại mạnh trên xoài, khiến năng suất, chất lượng giảm, nông dân thu hoạch bấp bênh. Bên cạnh đó, việc bón phân thiếu cân đối và khoa học, lạm dùng phân bón hóa học cũng khiến năng suất, chất lượng xoài giảm, sản xuất thiếu bền vững.

Sử dụng dầu khoáng phòng trừ bọ trĩ

Trước thực trạng trên, Kỹ sư Trần Quốc Khánh (Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Khánh Hòa) đã đề xuất giải pháp sử dụng dầu khoáng SK Enspray 99EC phòng trừ bọ trĩ hại xoài nhằm giúp nông dân huyện Cam Lâm – “thủ phủ” trồng xoài ở Khánh Hòa nâng cao năng suất, chất lượng quả xoài và tăng thu nhập.

Việc áp dụng giải pháp sử dụng dầu khoáng phòng trừ bọ trĩ hại xoài mang lại hiệu quả cao. Ảnh: KS.

Việc áp dụng giải pháp sử dụng dầu khoáng phòng trừ bọ trĩ hại xoài mang lại hiệu quả cao. Ảnh: KS.

Giải pháp trên đã được tác giả áp dụng tại vườn xoài cát Hòa Lộc với diện tích 0,2 ha của gia đình ông Nguyễn Thành Tài ở xã Cam Hòa (Cam Lâm). Theo đó, tác giả đã dùng hai loại thuốc để so sánh đó là dầu khoáng SK Enspray 99EC với nồng độ 1% và Radiant 60SC (loại thuốc trừ sâu sinh học) phun với nồng độ 0,1%; phun 7 lần, mỗi lần cách nhau 7 ngày, phun vào giai đoạn trước khi ra bông 2 tuần (không phun giai đoạn hoa nở).

Kết quả, sau 6 tháng áp dụng cho thấy, nếu nông dân sử dụng thuốc dầu khoáng SK Enspray 99EC, kết hợp bón phân cân đối giữa N-P-K và sử dụng biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp có thể đem lại hiệu quả cao về phòng trừ bọ trĩ và rầy bông, với chi phí thấp. Cụ thể, qua tính toán, mô hình sử dụng dầu khoáng giúp nông dân lãi cao hơn ngoài mô hình hơn 14,5 triệu đồng.

Huyện Cam Lâm là thủ phủ trồng xoài ở Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Huyện Cam Lâm là thủ phủ trồng xoài ở Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Kỹ sư Trần Quốc Khánh đánh giá, việc sử dụng dầu khoáng SK Enspray 99EC, bón phân cân đối và hợp lý không những mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân mà còn giảm áp lực sâu bệnh. Hơn nữa, phương pháp này sẽ giúp bà con hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và tuân thủ thời gian cách ly trên cây xoài để giảm thiểu ảnh hưởng của thuốc BVTV đối với môi trường cũng như con người. Đây là sáng kiến dễ áp dụng, chi phí thấp, cần được quan tâm nhân rộng để vừa bảo vệ vườn xoài, vừa bảo vệ sức khỏe cho con người, cho sản phẩm an toàn.

Chế phẩm sinh học bổ sung trung, vi lượng

Ngoài việc sâu bệnh hại xoài, việc nông dân canh tác cây trồng theo lối truyền thống thường lạm dụng nhiều hóa chất, phân hóa học nhưng các thành phần trung, vi lượng lại thiếu, từ đó dẫn đến xoài dễ nhiễm bệnh, chất lượng giảm, năng suất thấp.

Để khắc phục tình trạng trên, Kỹ sư Tô Thái Nê (Hội Nông dân TP. Cam Ranh) và cộng sự đã nghiên cứu và đề xuất giải pháp bổ sung sản phẩm tổ hợp trung, vi lượng 3 tăng LE – CR tự phối trộn vào quy trình thâm canh cây xoài nhằm tăng năng suất, chất lượng và đạt hiệu quả kinh tế.

Giống xoài Úc được trồng ở huyện Cam Lâm. Ảnh: KS.

Giống xoài Úc được trồng ở huyện Cam Lâm. Ảnh: KS.

Để thử nghiệm giải pháp này, nhóm nghiên cứu đã chọn vườn xoài Úc 6 năm tuổi của ông Lê Đình Viễn ở thôn Quảng Đức, xã Cam Hiệp Nam (huyện Cam Lâm) để triển khai. Từ đó tiến hành thử nghiệm chăm sóc 2 lô xoài để so sánh: Lô đối chứng thực hiện theo lối truyền thống 7.000m2; lô thử nghiệm theo giải pháp mới 2.000m2.

Việc thí nghiệm trên 2 mô hình không có sự khác biệt về chủng loại phân bón, bao gồm các loại phân NPK, lân, urê, đạm SA (chứa lưu huỳnh) theo tỷ lệ tương ứng với diện tích. Tuy nhiên, lô thử nghiệm giải pháp mới có bổ sung sản phẩm tổ hợp trung, vi lượng 3 tăng LE – CR. Đây là một chế phẩm sinh học được tác giả nghiên cứu những năm trước. Ngoài ra, mô hình thử nghiệm giải pháp mới hoàn toàn không sử dụng chất hóa học mà áp dụng phương pháp sinh học…

Kết quả, qua thời gian theo dõi, vườn xoài thực hiện theo giải pháp mới có tổng chi phí đầu tư 122 triệu đồng/ha, năng suất 25,5 tấn/ha (giá bán trung bình 15.000 đồng/kg), tổng thu hơn 382 triệu đồng, lãi ròng hơn 260 triệu đồng.

Trong khi đó, vườn xoài đối chứng thực hiện theo cách truyền thống đầu tư 52 triệu đồng/ha, năng suất 24,5 tấn/ha (giá bán trung bình 14.500 đồng/kg), tổng thu 355 triệu đồng, lãi ròng 203 triệu đồng. Vườn giải pháp mới cho lãi ròng cao hơn vườn đối chứng 57 triệu đồng/ha, tăng 28,8%. Đây cũng là giải pháp mới dễ làm, dễ đầu tư, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần bảo vệ và quảng bá thương hiệu cho cây xoài Cam Lâm.

Được biết, huyện Cam Lâm hiện có trên 6.000 ha xoài với các loại giống như Cát Hòa Lộc, Tứ Quý, Đài Loan, Canh Nông và đặc biệt là giống xoài Úc.

Hai giải pháp gồm: Bổ sung phân bón trung, vi lượng LE – CR của Kỹ sư Tô Thái Nê (Hội Nông dân TP. Cam Ranh) và sử dụng dầu khoáng SK phòng trừ bọ trĩ hại xoài của Kỹ sư Trần Quốc Khánh (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) đều đạt giải khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa lần thứ IX (2020 – 2021).

Nguồn tin: https%3A%2F%2Fnongnghiep.vn%2Fhai-giai-phap-sinh-hoc-hieu-qua-o-vung-xoai-cam-lam-d320516.html

+
Gọi lại
Hai giải pháp sinh học hiệu quả ở vùng xoài Cam Lâm
blank
blank

đặt hàng thành công

    Báo giá mới nhất?