Phân khúc cao cấp và thị trường châu Âu
Công ty CP Tập đoàn An Phước Viramie (Tập đoàn An Phước Viramie) vừa tổ chức lễ công bố Chiến lược phát triển giai đoạn 2022 – 2026, trong đó nhấn mạnh chiến lược kinh doanh là dẫn đầu sản phẩm khác biệt đối với phân khúc thị trường cao cấp, tập trung khai thác thị trường châu Âu.
Ngoài ra, trong lĩnh vực nghiên cứu sẽ lai tạo ra nhiều giống chất lượng cao, ổn định và đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa trong quá trình sản xuất và trồng nguyên liệu. Theo ông Trần Ngọc Dương, Giám đốc điều hành của Tập đoàn An Phước Viramie, mục tiêu đến năm 2023, Viramie sẽ trở thành công ty đại chúng và đến năm 2026 sẽ được niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Khi đánh giá và dự báo về nhu cầu của thị trường gai trên thế giới, ông Trần Ngọc Dương cho rằng đây là cơ hội để An Phước Viramie đẩy mạnh diện tích trồng cây gai xanh, nâng cao năng suất và hiệu suất sản xuất sợi gai để đáp ứng nhu cầu của thế giới.
“Nhu cầu thị trường thế giới vẫn tiếp tục tăng theo dự báo từ 2020 – 2027 trong khi Trung Quốc đã giảm quy mô, sản lượng do thiết bị công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường”, ông Dương cho biết trong lễ công bố chiến lược phát triển.
Để hoàn thành được chiến lược nói trên, mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu An Phước Viramie đưa ra trong năm 2022 là 3.820ha, tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ. Trong đó nhiều nhất là Sơn La với 1.344ha, Thanh Hóa, 1.100ha, Hòa Bình 530ha… Từ đó, năng lực sản xuất sẽ đạt được 1.660 tấn/năm, tương đương với sản lượng xơ ngắn chải kỹ là 1.145 tấn/năm.
Ông Trần Ngọc Dương cũng cho biết thêm, mục tiêu phấn đấu mở rộng vùng nguyên liệu của An Phước Viramie đến năm 2032 là 20.000ha. Cùng với đó là đầu tư 3 nhà máy tách keo tại những vùng nguyên liệu lớn, 1 nhà máy dệt nhuộm với công suất 3,6 triệu mét vải/năm và 1 nhà máy kéo sợi hỗn hợp công suất 5.200 tấn/năm.
Cơ sở để thực hiện được những mục tiêu chiến lược nói trên là do An Phước Viramie là đơn vị tiên phong trong trồng cây gai xanh và sản xuất sợi gai tại Việt Nam. Bên cạnh đó, công ty đã có nhà máy sản xuất quy mô lớn cùng diện tích vùng nguyên liệu đảm bảo tại Thanh Hóa và một số địa phương lân cận.
“Chúng tôi xác định sẽ không ngừng đổi mới sáng tạo để kiến tạo hệ sinh thái các sản phẩm chất lượng cao phục vụ cho ngành dệt may trong nước và thị trường quốc tế dựa trên nền tảng phát triển bền vững chuỗi giá trị cây gai xanh tại Việt Nam”, ông Trần Văn Tuấn khẳng định.
Đầu tư, ứng dụng công nghệ
Chia sẻ về những điều đã làm được, ông Trần Văn Tuấn, Giám đốc Nhà máy sản xuất sợi gai nói, qua 5 năm, mô hình sản xuất khép kín đã tạo chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ, có hiệu quả kinh tế lâu dài, mang đến việc làm thường xuyên, ổn định đời sống cho người nông dân.
“Cây gai xanh không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn tăng độ phì nhiêu cho đất, giúp chống xói mòn, cùng với định hướng canh tác thân thiện, giảm việc phải sử dụng thuốc BVTV, trồng cây gai xanh góp phần thực hiện sứ mệnh cộng đồng bảo vệ môi trường của Tập đoàn An Phước Viramie”, ông Tuấn nói.
Lãnh đạo nhà máy cũng cho biết An Phước Viramie sẽ tiếp tục đầu tư cho Trung tâm nghiên cứu giống, ứng dụng khoa học công nghệ và xử lí sinh học để phát huy hơn nữa hiệu quả kinh tế gắn với giá trị bền vững.
Theo ông Tuấn, từ khi đi vào hoạt động năm 2020, Nhà máy sản xuất sợi gai An Phước Viramie tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa đã tạo ra những sản phẩm sợi chất lượng cao cho thị trường trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, nhà máy đã góp phần hiện thực hóa chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm tại các huyện miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa.
“Hiện nay, sợi gai khô đang được nhà máy bao tiêu toàn bộ với giá từ 39.000 – 45.000 đồng/kg tùy theo phẩm cấp, chất lượng. Hiện nay nhà máy đang sản xuất, cho ra đời các lô sản phẩm đạt tiêu chuẩn và được kiểm định chất lượng”, ông Trần Văn Tuấn cho biết thêm.
Trong 5 năm qua, An Phước Viramie đã cung cấp cho thị trường 1.700 tấn sợi gai mỗi năm, tạo việc làm cho gần 500 công nhân và sinh kế cho hàng nghìn lao động tại các vùng nguyên liệu.
Mặc dù Tập đoàn An Phước – Viramie hiện tại còn phải đối mặt với không ít khó khăn khi phát triển vùng nguyên liệu do vùng nguyên liệu tập trung chủ yếu ở các vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng ông Tuấn khẳng định An Phước Viramie vẫn định hướng trong giai đoạn tiếp theo tiếp tục phát triển thành tập đoàn hàng đầu về nghiên cứu, sản xuất sợi gai, sản phẩm may mặc chất lượng cao từ cây gai xanh.