LTS: Trong suốt 50 năm hình thành và phát triển, ThaiBinh Seed luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo ngành nông nghiệp, đặc biệt là các Bộ trưởng. Đó là điều hiếm khi Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo chia sẻ. Tôi từng có ý định chia sẻ câu chuyện về những lần 6 Bộ trưởng Bộ NN-PTNT thăm ThaiBinh Seed, nhưng lần lữa vì chưa có dịp thích hợp. Được sự quan tâm của các Bộ trưởng vừa là vinh dự, nhưng cũng vừa đặt ra yêu cầu, trách nhiệm cho công ty.
Cụ Nguyễn Ngọc Trìu và lời hứa với Bác Hồ
Đầu tiên là cố Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Trìu. Có thể nói, cụ là một người có nhìn xa trông rộng, nhiều thứ đi trước thời đại. Chính những nét đặc biệt ấy đã giúp cụ được đông đảo người dân Thái Bình quý mến.
Ấn tượng nhất của tôi về cụ là lời hứa với Bác Hồ. Trong lần Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ năm, vào ngày 31/12/1966. Lúc ấy là thời chiến, sức khỏe của Bác không được như trước, nhưng Bác vẫn nghỉ một đêm tại đây. Sáng 1/1/1967, trong một buổi nói chuyện với hơn 100 cán bộ đại biểu đại diện cho hơn 40.000 đảng viên và trên 1 triệu người dân, Bác nhắc nhở cán bộ và nhân dân Thái Bình phải cố gắng hơn nữa. Bác nói: “Thái Bình có tiến bộ nhiều, Bác mong các đồng chí và đồng bào đều cố gắng hơn nữa để làm cho Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt”.
Ngày hôm ấy, tôi nhớ nhất là những câu Bác nói về sản xuất nông nghiệp. Bác bảo, 5 tấn/ha là một kỳ tích, nhưng muốn năng suất cao hơn nữa thì phải tập trung làm thủy lợi, sản xuất nhiều phân bón. Bác gợi ý, muốn có nhiều phân bón thì phải nuôi nhiều lợn. Đồng thời, cán bộ ngành nông nghiệp phải chọn lựa được những giống lúa tốt cho người dân.
Lời Bác dặn lúc ấy, nhưng không thể một sớm một chiều làm được. Tuy nhiên, với riêng Thái Bình, tỉnh quyết tâm biến những mong ước của Bác thành hiện thực. Trong năm 1967, tỉnh đã thành lập hệ thống cung cấp hạt giống. Đến năm 1978, tỉnh thành lập thêm hai trại sản xuất lúa giống. Khi ấy, cụ Trìu là Chủ tịch UBND Thái Bình. Rõ ràng, phải có tầm nhìn như thế nào thì cụ mới quyết tâm như vậy, để những thành quả cụ để lại đến giờ chúng ta vẫn thừa hưởng.
Khi thống nhất miền Nam năm 1975, cụ Trìu làm Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình. Hai năm sau, cụ giữ chức Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và từ 23/2/1979 giữ chức Bộ trưởng. Trong suốt khoảng thời gian ấy, chưa khi nào cụ quên thực hiện lời hứa với Bác cách đó chục năm. Năng suất lúa của tỉnh tăng dần, từ 5 tấn/ha lên 7 tấn/ha.
Với riêng ThaiBinh Seed, kỷ niệm với cụ Trìu còn là tình cảm. Thông qua nhiều người, tôi biết cụ là người thành lập Công ty tiền thân của ThaiBinh Seed ngày nay và nhiều lần tôi muốn gặp để cảm ơn. Trong một lần cụ xuống thăm huyện Tiền Hải cùng với ông Chu Văn Rỵ (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình), cụ mời và chờ đến khi tôi xuống mới dùng cơm. Mỗi lần về thăm Thái Bình, cụ đều tranh thủ ghé qua thăm hỏi và động viên tôi cùng ThaiBinh Seed.
Tôi vẫn nhớ có một lần về chơi, cụ hỏi xin tôi mấy cân gạo cho lái xe, bởi vợ của anh ấy rất thích gạo của ThaiBinh Seed. Chính sự chân thật, gần gũi của lãnh đạo như cụ đã tiếp thêm cho tôi động lực. Dịp kỷ niệm 40 năm thành lập ThaiBinh Seed, cụ về thăm và tận tình tư vấn cách thức tổ chức như thế nào cho long trọng.
Lần nào gặp, cụ cũng bày tỏ tâm niệm về lời Bác dặn năm xưa. Cụ bảo, Bác Hồ về thăm tỉnh là một vinh dự, và những người con Thái Bình phải lấy đó làm động lực. Động lực ấy giúp cụ cùng lãnh đạo tỉnh, và những người làm nông nghiệp vượt qua sóng gió như khi mâu thuẫn tư tưởng làm lúa chiêm với lúa xuân.
Cụ dặn: “Người làm giống lúa sẽ phải trải qua những thời khắc như vậy, nên lúc nào cũng phải vững tâm, bền chí”. Một con người tận tâm, tận chí như thế đã để trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp, sâu sắc, và là nguồn cổ vũ vô bờ bến trong những định hướng công việc sau này.
Say mê làm nông nghiệp như Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn
Với cố Phó thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Công Tạn, cụ là người gốc Thái Bình, nhưng thời gian sống và làm việc của cụ chủ yếu tại Hà Nội. Tuy nhiên, lần nào về thăm tỉnh, về thăm ThaiBinh Seed, cụ đều tỏ ra gần gũi, và quan tâm đặc biệt tới công tác sản xuất giống, từ lúa cho tới ngô, khoai, sắn.
Tôi ấn tượng nhất là sự say mê làm nông nghiệp của cụ Tạn, say mê tới mức nhiệt huyết. Có cảm giác, rằng cứ thấy cái gì mới, cái gì hay, hoặc bất cứ sản phẩm nào mà cụ tin là có hiệu quả cho tỉnh, cho người dân là cụ lập tức gọi tôi để đi xem, nghiên cứu. Bằng cách ấy, cụ đã đưa về quê hương, từ giống khoai, măng tây, cho tới giống ngỗng trời.
Điểm đột phá nhất của nông nghiệp thời Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn là biến Việt Nam từ một nước quanh năm nhập khẩu lương thực chuyển thành nước xuất khẩu lúa gạo nổi tiếng thế giới. Đó là điều không ai ngờ được lúc đó, nhưng nếu tiếp xúc nhiều với cụ, ít người thấy ngạc nhiên. Cụ Tạn là một người năng động, chẳng mấy khi ngồi yên trừ phi ngồi họp.
Cho tới giờ, tôi vẫn nhớ là cụ đi rất nhanh. Khi chúng tôi ngồi nói chuyện ở bàn nước, cụ vẫn đi vòng quanh cơ sở sản xuất để kiểm tra từng sản phẩm một. Vừa đi cụ vừa tấm tắc, là “không ngờ tôi làm được giống như này”.
Quãng những năm 2.000, trên đường về thăm công ty, cụ đi qua quốc lộ và thấy biển quảng cáo của ThaiBinh Seed. Lập tức, cụ gọi cho tôi ngay trong đêm và hóm hỉnh đùa, là tưởng ThaiBinh Seed “chết” (công ty phá sản) rồi, nhưng “không ngờ là công ty phát triển được như này”. Tôi báo cáo, là tất cả đều nhờ nông dân mới có được như ngày hôm nay.
Gần gũi, chân thành như Bộ trưởng Lê Huy Ngọ
Đến thời ông Lê Huy Ngọ, tác phong gần gũi, chân thành của các đời Bộ trưởng trước vẫn được gìn giữ. Thời của ông, ngành nông nghiệp xuất hiện những thách thức mới từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiên tai, dịch bệnh, tình trạng phá rừng, khai thác tài nguyên biển, sinh học.
Nhưng nhờ tinh thần sát dân, gần dân, hiểu và thông cảm cho người dân, ông từng bước chèo chống, tháo gỡ, xây dựng nền móng, đưa ra phương châm “bốn tại chỗ”, đặc biệt là trong việc xử lý vấn đề lụt bão, thiên tai.
Vấp phải nhiều vấn đề mới, chưa từng có tiền lệ, nên tinh thần của ông Ngọ cấp tiến, tuyệt đối bỏ tư duy bảo thủ. Năm 2002 trở về trước, Việt Nam chưa có chiến lược phát triển giống cây trồng cụ thể nào. Khi tôi đề xuất Bộ NN-PTNT phải xây dựng chiến lược giống cây trồng, đó là một ý tưởng mới, nhiều khía cạnh gai góc, nhưng ông vẫn chăm chú lắng nghe, và khen ý tưởng ấy là đúng.
Tôi báo cáo, là giờ Việt Nam chuyển sang kinh tế thị trường, cần một cách làm bài bản, căn cơ, bắt đầu từ gốc rễ vấn đề – chính là giống lúa. Những nghiên cứu cũ hiện không phù hợp, trong bối cảnh hệ thống thương mại đang dần hình thành. Hệ thống cung cấp giống cần được hình thành từ nghiên cứu toàn diện, hướng tới phát triển, chuyển giao công nghệ để tiếp cận với xu thế mới của thế giới. Trên cơ sở đó, tất cả các viện nghiên cứu nông sản như lúa, ngô, khoai đều phải hình thành.
Từ trước đến nay, Việt Nam chủ yếu thực hiện các chính sách, chủ trương, đường lối theo kiểu kế hoạch hóa. Nay đất nước mở cửa, nhiều công ty nước ngoài vào nước ta, nên cần một cách làm, một hướng đi mới. Tôi trình bày tất cả những điều ấy và được ông tán thành. Ít lâu sau đó, khoảng năm 2004, pháp lệnh về giống cây trồng ra đời.
Cách đây vài năm, tôi trò chuyện với ông Ngọ, và được biết ông đang làm cố vấn cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Ông bảo có rất nhiều bài học kinh nghiệm, từ các vấn đề kỹ thuật liên quan tới lúa lai, cho tới mô hình “4 nhà”, nhưng vẫn khen mô hình của ThaiBinh Seed là bền vững và có tính phát triển lâu dài. Sau đó, cụ dành vài ngày thăm ThaiBinh Seed, để tìm hiểu cặn kẽ cách làm của chúng tôi. Cho tới giờ, tôi vẫn tâm niệm rằng nhìn thấy ông Ngọ như nhìn thấy con người của nông nghiệp.
Bộ trưởng Cao Đức Phát – Công trình sư thiết kế cơ chế thị trường
Nguyên Bộ trưởng Cao Đức Phát lại giống như một công trình sư, thiết kế nên cơ chế thị trường trong ngành nông nghiệp. Tôi biết ông từ khi ông còn làm việc ở An Giang. Ở Bộ trưởng Phát có một tư duy rất sâu, có tầm nhìn.
Ông không chỉ đạo bằng các biện pháp chính sách can thiệp, các điều chỉnh về tổ chức hay đầu tư công lớn, mà công lớn của ông là đưa cơ chế thị trường vào từng ngõ ngách của cuộc sống, từng khía cạnh của nông nghiệp để tạo nên sự chủ động, sáng tạo cho từng người nông dân, từng người cán bộ. Nhờ đó, nền nông nghiệp Việt Nam có sức cạnh tranh mới, từng bước mạnh mẽ, vững bền, cả về môi trường, kinh tế lẫn xã hội.
Ngành nông nghiệp liên tục đạt mức tăng trưởng cao những năm qua, tổng kim ngạch xuất khẩu cán mức kỷ lục 48,6 tỷ USD có một phần công từ nền móng được củng cố thời Bộ trưởng Phát trong việc tái cơ cấu nông nghiệp. Cách làm của Bộ trưởng Phát giống như tính cách của ông, hiền lành, trung thực, nhưng sâu sắc, bài bản, tốt cho Việt Nam. Ở ông còn toát lên khả năng hùng biện, thuyết phục đi vào lòng ngưới.
ThaiBinh Seed vinh dự đón Bộ trưởng Phát nhiều lần, cả trong dịp 40 năm thành lập. Gần 20 năm, tôi vẫn không quên lần ông bảo vệ giống BC15 (có gen kháng đạo ôn) của ThaiBinh Seed trước Quốc hội. Bộ trưởng cho rằng sản lượng lúa không đảm bảo là do nhiệt độ xuống thấp, vốn là hệ quả của biến đổi khí hậu toàn cầu, và không có nguyên nhân từ giống. Những lời ấy khiến tôi cảm động bởi vấn đề ấy ông chưa từng trao đổi trực tiếp với tôi.
Qua sự việc ấy, tôi đã viết một báo cáo dài hơn chục trang gửi Bộ trưởng Phát, và được khen là báo cáo có hàm lượng kỹ thuật, giải quyết vấn đề gọn gẽ. Rõ ràng, nếu muốn có những vụ lúa bội thu, chúng ta cần có những cán bộ nghiên cứu giống từ hàng chục năm trước, đã đổ biết bao mồ hôi nước mắt trên những cánh đồng. Ngọn lửa làm việc ấy đến giờ chúng tôi vẫn không thể nào quên.
Khi xây dựng nông thôn mới vào khoảng năm 2010, Bộ trưởng Phát về Thái Bình để phát động toàn dân xây dựng nông thôn mới. Tôi nhớ lúc đó vừa từ Nam Định về gặp Bộ trưởng Phát, và chúng tôi cùng đi thăm một trung tâm nghiên cứu. Vừa xuống ruộng, Bộ trưởng Phát lấy một bông lúa DH18 và nói: “Khi tôi còn bé, mẹ tôi ra đồng ngắt bông lúa to, buộc thành túm, treo lên dây thép làm giống. Nhưng giờ ra ruộng, thấy cả ruộng như một hàng dây thép”. Sau đó, ông còn xin một bông lúa tại ruộng để báo cáo với Thủ tướng.
Cũng trong thời Bộ trưởng Phát làm tư lệnh ngành nông nghiệp, ThaiBinh Seed còn vinh dự được giao chương trình cải tiến giống. Tôi còn nhớ, là Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) lúc đó đòi kinh phí khoảng 3 triệu USD (tương đương 60 tỷ đồng), nhưng ThaiBinh Seed và Viện Nghiên cứu giống cây trồng vẫn được lãnh đạo Bộ NN-PTNT tin tưởng giao việc ngay trong trưa.
Năng động, quyết liệt như Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường
Giai đoạn gần đây là của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. So với các Bộ trưởng khác, thời gian để ông Cường phát huy sở trường ngắn hơn – chỉ 5 năm. Đó cũng là 5 năm đầy biến động, và toát lên khí chất năng động, quyết liệt của ông.
Bộ trưởng là người nắm bắt tình hình rất nhanh, yêu nghề. Khi còn làm việc ở Hà Tây, ông xuống thăm ThaiBinh Seed và theo tôi tận ra ruộng để tham quan máy gặt. Từ đó, ông bày tỏ mong muốn mang những giống này về để thay đổi giống lúa cho Hà Tây.
Khi chuyển sang công tác tại Bắc Kạn, ông mời cả Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe tôi giới thiệu về giống của ThaiBinh Seed. Đến giờ, trên đấy vẫn cấy rất nhiều giống của chúng tôi. Hễ nghe thấy ThaiBinh Seed có giống lúa nào năng suất, chất lượng là Bộ trưởng Cường quyết tìm tới bằng được. Đến tận giờ, tôi vẫn trăn trở để giúp đỡ người dân trên đó.
Trong thời Bộ trưởng Cường, ThaiBinh Seed được Bộ NN-PTNT giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó có việc giúp đồng bằng sông Cửu Long cải tiến giống lúa. Chính nhờ sự vào cuộc của chúng tôi, lúa tại khu vực này ngày một phát triển. Còn công ty có thêm thị trường mới, tiếp tục Nam tiến, và hiện sản xuất ra một số giống có chất lượng rất tốt, ngang ngửa với ST25, hướng tới xuất khẩu.
Phải nói Bộ trưởng Cường rất có tài trong việc thuyết phục các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đây là giai đoạn có nhiều đại gia tiến vào nông nghiệp, tạo ra bước đột phá mới, trong đó có ThaiBinh Seed. Những lần làm việc với địa phương, ông cũng rất lôi cuốn, kích cầu thu hút đầu tư, và thay đổi cơ cấu nông nghiệp một cách mạnh mẽ.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan – Người đồng hành đến cùng với nông dân
Bộ trưởng Lê Minh Hoan mới nhậm chức khoảng một năm, nhưng thú thực là tôi hiếm thấy chính khách nào thân mật, giản dị đến vậy. Ông là người có tư duy rất khác và đổi mới, tiếp bước những thế hệ lãnh đạo Bộ NN-PTNT trước đó. Trong đó, tôi đặc biệt ấn tượng với khẩu hiệu “Không thể đồng hành chung chung” của ông.
Với Bộ trưởng, tôi gặp ông lần đầu từ hồi ông làm việc tại Đồng Tháp, lúc vào công tác và tìm hiểu vị trí đặt chi nhánh. Khi đó, ông tận tình mời tôi đi ăn sáng, dù vừa biết tôi lúc phát biểu trên diễn đàn. Gặp ông Bí thư Tỉnh ủy, tôi ngỡ ngàng bởi ông đi xe máy cà tàng đến tận nhà ăn Tỉnh ủy. Tôi không thể ngờ lãnh đạo của một tỉnh lại có thể như vậy.
Sau đó, tôi và ông gặp nhau nhiều lần và thường gọi điện, hỏi thăm lẫn nhau. Ông tặng tôi rất nhiều sách, và thỉnh thoảng hỏi tôi đã đọc hết sách nghiên cứu, chính trị, lý luận hay chưa.
Một lần về thăm Thái Bình, Bộ trưởng Hoan tình cờ biết công ty có những cựu chiến binh từng chiến đấu tại mặt trận Đồng Tháp. Ông tận tình hỏi thăm danh tính từng người. Sau khi quen thuộc, ông thậm chí mời cả đoàn đại biểu Đồng Tháp ra Thái Bình học hỏi mô hình phát triển nông nghiệp. Chuyến đi ấy được ông tổng hợp lại và viết bài đăng báo, rồi gửi email cho tôi.
Nông nghiệp đang bước sang giai đoạn đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, và ngành sản xuất, cung cấp giống cũng không thể nằm ngoài dòng chảy ấy. Chúng ta cần những bước đi chiến lược, một tầm nhìn xa hơn mới mong có thể đồng hành cùng những người nông dân thế hệ mới.