Thấu hiểu khó khăn của nông dân ĐBSCL bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 kéo dài cùng giá vật tư nông nghiệp tăng cao, Công ty Cổ phần GFA cùng các đối tác trong và ngoài nước là Công ty Nông nghiệp xanh Matsuda Việt Nam, Nhà máy Best Partner Nhật Bản, Công ty TNHH Thuận Phát (Sóc Trăng), Ngài Yoshi Matsuda, GS.TS Trần Đăng Xuân, Đại học Hiroshima, Đại sứ Viêt Nam tại Nhật Bản đã dành tặng 1.500 nông dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng 320 tấn phân bón hữu cơ Matsuda Organic trị giá 1,5 tỷ đồng.
Là một trong hàng trăm hộ dân ở vựa hành tím Vĩnh Châu, Sóc Trăng được nhận hỗ trợ phân bón hữu cơ lần này, ông Thạch Thành, ở ấp Cà Sết, xã Vĩnh Hải chia sẻ, hiện gia đình ông có 5 người sống chủ yếu nhờ vào hai công hành tím. Vụ hành năm nay gia đình đầu tư vốn liếng hết gần 40 triệu đồng, nhưng khi thu hoạch chỉ đạt 3,6 tấn, giảm 500kg so với cùng kỳ.
Đã mất mùa mà giá hành tím năm nay do ảnh hưởng bởi Covid-19 nên giá rất thấp cộng giãn cách xã hội nên thương lái không đi thu mua đước khiến giá càng giảm sâu hơn nên gia đình ông Thạch Thành cuối cùng phải chấp nhận bán lỗ gần 20 triệu đồng.
Sau đó, ông Thạch Thành phải vay mượn tiền người bà con trong xóm hơn 10 triệu đồng để xuống giống hành vụ hành mới đón dịp Tết Nguyên đán. Và thật may mắn đúng thời điểm khó khăn nhất ông được Công ty Cổ phần GFA tặng phân bón hữu cơ để về bón cho hành. Nhờ vậy, ông tiết giảm được phần chi phí lớn nhất nên ông trần đầy hy vọng sẽ thu hồi được cả vốn lẫn lãi ở vụ hành tới.
Ông Lê Văn Đáng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng cho biết: Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hướng đi tất yếu hiện nay giúp giảm chi phí trong thời điểm giá phân bón, thuốc BVTV tăng cao. Sản xuất theo hướng hữu cơ còn giúp đất tơi xốp, tăng độ màu mỡ, giảm chi phí, tăng chất lượng, giá trị nông sản nhằm hướng tới sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.
Còn tại vùng trồng lúa và cây ăn trái thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, khi nghe được nhà tài trợ mang phân đến tặng ai nấy đều phấn khởi dậy sớm đến điểm trao nhận.
Ông Phạm Ngọc Em, ở xã Hỏa Tiến, TP. Vị Thanh tâm sự: 10 năm qua chưa khi nào sản xuất nông nghiệp lại gặp khó như năm nay. Gia đình anh có 5 công ruộng và 5 công khóm đều bị thua lỗ nặng phải mang sổ đỏ thế chấp ngân hàng để có tiền thanh toán cho chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp.
Nguyên nhân do lúa và khóm thu hoạch đúng đợt cao điểm dịch bùng phát, thực hiện giãn cách xã hội nên đầu ra nông sản bấp bênh, giá thấp, trong khi phân bón, thuốc BVTV tăng giá gấp đôi, gấp ba so với trung bình nhiều năm.
Hiện gia đình anh Ngọc Em đang xuống giống vụ đông xuân và lứa khóm mới nên rất mừng khi được Công ty GFA cùng các nhà tài trợ đến tận nơi hỗ trợ hàng trăm kg phân hữu cơ mỗi hộ. Qua đó, giúp người dân giảm ớn gánh nặng chi phí đầu tư ở vụ này.
Theo ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Gian, dịch bệnh đã gây khó khăn rất lớn đến phát triển nông nghiệp của địa phương. Trước tình hình trên, Hậu Giang đưa ra nhiều kịch bản nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững như: giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón, thuốc hóa học, áp dụng “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” và đặc biệt là tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ để giảm giá thành.
“Vụ đông xuân 2021-2022 này, bà con nông dân Hậu Giang nhận được trên 200 tấn phân bón hữu cơ Nhật Bản do Công ty GFA và các nhà tài trợ trao tặng. Đây là chương trình vô cùng nhân văn, ý nghĩa giúp nông dân Hậu Giang vượt qua khó khăn của dịch bệnh. Hơn nữa, đây cũng chính là dịp để ngành nông nghiệp địa phương nghiên cứu, sử dụng phân bón hữu cơ thay thế một phần phân cô cơ vào sản xuất nông nghiệp bền vững theo lời kêu gọi của Bộ NN-PTNT”. Ông Đặng Ngọc Giao nhấn mạnh..
Ông Trần Văn Thắng, Giám đốc Công ty Cổ phần GFA cho biết: Ngoài việc hỗ trợ phân bón hữu cơ nông dân có hoàn cảnh khó khăn hai tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng, chương trình cũng là dịp để tuyên truyền nông dân tiếp cận, làm quen với phân bón hữu cơ, đưa phân hữu cơ vào quy trình canh tác nông nghiệp, góp phần phát triển nông nghiệp nước nhà theo hướng hiện đại, bền vững, trách nhiệm, thân thiện môi trường.