Methanol trong rượu là một chất cực độc. Khi được đưa vào cơ thể, methanol sẽ chuyển hóa thành các chất gây tổn thương tế bào, đặc biệt là mắt, não, gây mù và thậm chí là tử vong. Vì sao lại như vậy, làm cách nào để nhận diện và xử lý khi bị ngộ độc methanol? Hóa Chất Đại Việt sẽ thông tin đến bạn ngay bây giờ!
Methanol là gì?
Methanol là một dung môi công nghiệp, còn có tên gọi khác là carbinol, methyl alcohol, alcohol gỗ, methyl hydrate, methyl hydroxide, methyl alcohol,… Methanol tức rượu methyl là một chất cồn, có công thức hóa học là CH3OH, là loại rượu đơn giản nhất, nhẹ, không màu, dễ bay hơi, dễ cháy, dễ tan trong nước. Rượu methanol là một chất lỏng với mùi đặc trưng, hơi ngọt hơn ethanol (rượu uống).
Ở nhiệt độ phòng, methanol là một chất lỏng phân cực, được dùng làm chất chống đông, dung môi, nhiên liệu và chất làm biến tính cho ethanol. Methanol cũng được sử dụng để sản xuất diesel sinh học thông qua phản ứng xuyên este hóa. Trong đời sống, methanol thường được sử dụng trong công nghiệp để làm chất chống đông lạnh, làm dung môi trong chất tẩy rửa sơn, nước rửa kính xe, mực in máy photo và làm nhiên liệu cho các loại bếp lò nhỏ,…
Rượu methanol là gì?
Thành phần chính của rượu dùng để uống là ethanol, công thức hóa học là C2H5OH, trong khi methanol có công thức hóa học là CH3OH. Cả 2 loại rượu này đều được sản xuất bằng cách lên men và chưng cất. Rượu Ethanol được lên men từ tinh bột như ngũ cốc, các loại củ có chứa tinh bột hoặc đường. Trong khi đó, methanol được lên men từ nguyên liệu có chứa cellulose (gỗ). Không giống rượu ethanol, methanol nguyên chất có độc tính cao, không thích hợp để uống.
Tại sao methanol độc mà lại làm rượu từ methanol? Câu trả lời là vì lợi nhuận, người sản xuất ra rượu với chi phí rẻ, tạo ra các loại rượu có hàm lượng methanol trong rượu rất cao, dễ gây ngộ độc.
Khi methanol đi vào cơ thể, nó được hấp thu qua ruột, da vào phổi và đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương sau 30 – 60 phút. Hóa chất này được chuyển hóa chậm ở gan. Khoảng 3% lượng methanol đưa vào cơ thể được đào thải qua phổi hoặc đào thải nguyên vẹn không thay đổi qua nước tiểu.
Methanol là một chất có độc tính thấp. Tuy nhiên, sau khi được đưa vào cơ thể, methanol sẽ bị oxy hóa tạo thành formaldehyde. Chất này sau đó tiếp tục bị oxy hóa tạo thành acid formic – acid kiến, thành phần chính của nọc kiến. Chính acid formic được xem là thủ phạm gây độc trong các trường hợp ngộ độc rượu methanol. Cuối cùng, acid formic được chuyển hóa thành CO2 và nước. Hai chất này được đào thải qua phổi và thận.
Quá trình oxy hóa xảy ra nhanh chóng khiến acid formic tích tụ trong huyết thanh và gây độc. Sự tích tụ của acid formic trong huyết thanh gây nên tình trạng toan chuyển hóa. Sự chuyển hóa methanol và tích tụ acid formic trong võng mạc gây tổn thương võng mạc, tổn thương thần kinh thị giác, dẫn đến mù lòa. Acid formic còn gây tổn thương não bộ, có thể dẫn đến tử vong.