Tìm mọi cách tồn tại
Theo bà Lưu Vũ Ngọc Ngân, Phó Giám đốc Công ty Kim Minh International (doanh nghiệp chuyên xuất khẩu rau củ quả tươi, đông lạnh và nước ép trái cây), dịch Covid-19 khiến cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn.
Đơn cử như tình trạng khan hiếm container lạnh do nhu cầu xuất khẩu tăng cao làm cho giá cước tăng đột biến. Nếu vào tháng 6/2021, giá cước đi Shanghai (Trung Quốc) tầm khoảng 800 USD/container 40 feet, thì giá hiện tại vào đã khoảng 1.800 USD/container 40 feet. Ngoài ra, cước biển đi Hà Lan tăng từ 6.000 USD/container 40 feet, nay tăng lên 10.000 USD/container 40 feet.
Ngoài việc cước vận chuyển tăng vọt, tình hình lịch trình tàu hàng không ổn định, thường xuyên chậm trễ nên đối với một số mặt hàng trái cây tươi, tạm thời ngưng cung cấp dịch vụ.
“Trái thanh long xuất khẩu đi Ấn Độ giảm mạnh, do các hãng tàu từ chối cung cấp dịch vụ cho mặt hàng trái cây tươi vận chuyển bằng đường biển đến nước này”, bà Ngân cho hay.
Trong khi đó, hiện nay, cảng Cát Lái (TP. HCM) tạm thời ngưng tiếp nhận đóng hàng lạnh tại bãi, nên doanh nghiệp phải phát sinh chi phí kéo container về đóng hàng tại kho riêng, chi phí kéo container lạnh cao hơn nhiều so với chi phí vận chuyển bằng xe tải lạnh.
Một trong những khó khăn hiện nay, theo bà Ngân là một số nhà máy không thể lo được vấn đề “3 tại chỗ” cho toàn bộ công nhân, nên thu hẹp sản xuất, tiến độ giao hàng bị chậm trễ. Một số nhà máy đóng cửa tạm thời do nằm trong vùng phong tỏa nên nguồn cung hoàn toàn đứt gãy. Tình trạng trái cây đến mùa thu hoạch nhưng thiếu hụt nhân công để sơ chế đóng gói…
Để khắc phục những khó khăn, nhằm không bị đứt gãy chuỗi cung ứng hàng xuất khẩu, bà Lưu Vũ Ngọc Ngân cho biết, công ty đã đào tạo đội ngũ nhân viên kinh doanh khai thác triệt để các sàn giao dịch thương mại điện tử để tìm kiếm và tiếp cận nhanh chóng các nhà nhập khẩu trên toàn thế giới.
Đây là một trong những phương thức phù hợp mà các doanh nghiệp nói chung và đặc biệt doanh nghiệp xuất khẩu lựa chọn trong thời điểm hiện nay.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp trực tiếp đàm phán với khách hàng nhập khẩu để họ chấp nhận chia sẻ rủi ro về giá cước tăng cao, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng và bảo đảm được lợi nhuận bền vững.
“Chúng tôi cũng đa dạng hóa sản phẩm để tiếp cận được nhiều khách hàng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Hợp tác chặt chẽ và kịp thời với nhà cung cấp trong nước để nắm rõ tiến độ sản xuất và thời gian giao hàng nhằm giảm phát sinh chi phí lưu kho, chạy điện… Đồng thời, kết hợp chặt chẽ với nhà cung cấp trong nước để nắm rõ mùa vụ thu hoạch, từ đó có phương án tập trung chào bán xuất khẩu sản phẩm phù hợp”, bà Ngân cho hay.
Sẽ sớm hỗ trợ doanh nghiệp
Theo Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính liên tục làm việc với các hiệp hội, các doanh nghiệp để có những quyết sách chuẩn bị cho việc phục hồi kinh tế.
“Thành phố luôn xác định, sức mạnh của doanh nghiệp là sức mạnh của Thành phố. Doanh nghiệp là lực lượng quan trọng trong sự phát triển của Thành phố. Do đó, trong quá trình phục hồi, bên cạnh việc chăm lo đảm bảo an toàn phòng chống dịch thì việc hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố trong thời gian sắp tới, để cùng doanh nghiệp phục hồi và phát triển”, ông Mãi nói.
Ông Mãi cho biết, trong thời gian vừa qua, khi chuẩn bị kế hoạch phục hồi sản xuất sau tháng 9, TP. HCM nhận được sự quan tâm hưởng ứng của các hiệp hội, doanh nghiệp. Về việc hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn trong dịch Covid-19, Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết, hỗ trợ người lao động cũng là hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo ông Mãi, khi bàn kế hoạch phụ hồi sản xuất, trong thời gian qua, một số doanh nghiệp đã thu hẹp quy mô, nhưng vẫn sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” hoặc “2 điểm đến – 1 cung đường”. Thành phố đã hỗ trợ nhất định về xét nghiệm, nơi ở và các hỗ trợ khác cần thiết.
Trong thời gian tới, để cho các doanh nghiệp phục hồi lại, TP. HCM đang tập hợp các kiến nghị của doanh nghiệp để đề xuất với Trung ương (như chính sách về thuế, phí, tín dụng, lãi suất, bảo hiểm). Bên cạnh đó, Thành phố sẽ có các gói kích cầu để phục hồi sản xuất, hỗ trợ trong tổ chức sản xuất như thuê mặt bằng, hỗ trợ trong tổ chức sản xuất an toàn, hỗ trợ người lao động, hỗ trợ đào tạo lại người lao động, hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ để chuyển đổi trong điều kiện mới…
“Chính sách nào của Thành phố thì sẽ sớm nghiên cứu, ban hành và tổ chức thực hiện sớm cho các doanh nghiệp. Những chính sách nào phải kiến nghị với Quốc hội, Trung ương sẽ được tập hợp sớm”, ông Mãi khẳng định.
Kiến nghị Trung ương bốn vấn đề
Để sớm hồi phục kinh tế sau khi nới lỏng giãn cách, lãnh đạo TP. HCM đã kiến nghị bốn vấn đề quan trọng, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu với Chính phủ:
Thứ nhất, đề nghị Chính phủ thành lập tổ công tác đặc biệt về phục hồi kinh tế sau đại dịch để đề ra những quyết sách tổng hợp mang tầm quốc gia. Quá trình phục hồi cần nguồn lực rất lớn, từng địa phương sẽ không thể tự làm, ước tính riêng TP. HCM cần khoảng 8 tỷ USD và cần 6 đến 9 tháng để phục hồi kinh tế.
Thứ hai, kiến nghị Chính phủ sớm thông qua đề án điều tiết ngân sách cho TP. HCM ở mức 23%.
Thứ ba, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư trong y tế, giáo dục…, cho phép TP. HCM thí điểm việc đấu giá cho đất công đã có quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội để có thêm nguồn lực đầu tư cho công tác phòng chống dịch.
Thứ tư, ưu tiên bố trí vốn Trung ương cho 3 dự án trọng điểm.
Xác định nhiệm vụ trọng tâm của TP. HCM trong năm 2022 là triển khai hiệu quả phòng chống, dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế, Thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế nhằm xây dựng các kịch bản và giải pháp cho công tác phòng chống dịch, công tác an sinh xã hội, giải pháp phục hồi kinh tế và thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư.
Trong các nhóm giải pháp, TP. HCM xác định nguyên tắc quan trọng nhất là mở cửa an toàn từng bước tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh kế của người dân TP. HCM trên nguyên tắc “đảm bảo an toàn mới cho mở lại và cho mở lại phải đảm bảo an toàn”.
Quá trình phục hồi kinh tế theo hướng dần thích nghi với trạng thái dịch bệnh với thông điệp “sống khỏe trong môi trường có dịch”.
TP. HCM nên điều hành theo cách thức “bóc hành”
Tiến sĩ kinh tế Huỳnh Thế Du cho rằng: Đối với TP. HCM, ở thời điểm hiện tại, nên điều hành theo cách thức “bóc hành” (tiệm tiến), mở từng thứ một từ những hoạt động thiết yết nhất. Nếu không ổn là điều chỉnh ngay chứ không nên mở nhiều thứ một lúc, rất dễ rối và khó kiểm soát.
Theo TS Du, lúc bình thường, để trở nên thịnh vượng, một quốc gia cần sử dụng một cách hiệu quả nhất nguồn lực của mình. Muốn vậy, cần phải phát huy một cách tốt nhất vai trò của ba trụ cột: Thị trường – nhà nước – cộng đồng. Trong bối cảnh dịch bệnh, các nỗ lực cần phải cao hơn nữa và vai trò của ba trụ cột này cần được phát huy cao độ hơn.
Trong lúc cấp bách, 80 – 20 là nguyên tắc đơn giản mà những người ra quyết định có thể áp dụng để đảm bảo các trục trặc ít xảy ra và tránh tình trạng “đẽo cày giữa đường” như thời gian qua.
Lê Thiếu Nhơn (ghi)