Ngô sinh khối – Chọn giống phù hợp thị trường



Ứng dụng

Đăng ngày 28/09/2021


Làm sao chọn được giống ngô sinh khối chuyên biệt, đảm bảo tốt cả yếu tố năng suất và chất lượng cho chăn nuôi gia súc ăn cỏ vẫn là bài toán khó.

Từ đầu năm 2021, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, kéo theo giá của nhiều nguyên liệu sản xuất, trong đó có ngô tăng cao. Nhiều địa phương, người dân băn khoăn giữa việc phát triển ngô sinh khối hay tiếp tục canh tác ngô lấy hạt, bởi lợi nhuận trên mỗi ha/vụ cùng dao động quanh ngưỡng 40 triệu đồng.

Hiện nay, chưa có nhiều các giống ngô sinh khối chuyên biệt phục vụ sản xuất làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ, mà chủ yếu vẫn sử dụng các giống ngô lấy hạt, đồng thời có tiềm năng năng suất sinh khối lớn.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (thứ 3 từ trái sang) thăm một số giống ngô sinh khối triển vọng của Viện Nghiên cứu Ngô. Ảnh: Lê Bền.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (thứ 3 từ trái sang) thăm một số giống ngô sinh khối triển vọng của Viện Nghiên cứu Ngô. Ảnh: Lê Bền.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Xuân Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô chia sẻ, người trồng ngô sinh khối nhiều nơi hiện nay cũng chưa có những thông tin một cách bài bản về những yêu cầu đối với giống ngô chuyên biệt dành cho sản xuất sinh khối phục vụ chăn nuôi.

Vì vậy, nông dân chỉ chọn những giống ngô lấy hạt, đồng thời có năng suất sinh khối lớn, mà không quan tâm nhiều tới những yếu tố khác rất quan trọng của giống ngô chuyên cho sinh khối như hàm lượng vật chất khô, các chất dinh dưỡng, độ ngon miệng, khả năng dễ chuyển hóa thức ăn của vật nuôi… 

“Với ngô sinh khối, chưa chắc năng suất cao đã là tốt. Một giống có năng suất sinh khối lên tới 80 tấn/ha, chưa chắc đã tốt hơn một giống có năng suất chỉ 70 tấn/ha”, TS Nguyễn Xuân Thắng nêu vấn đề.

Trong chọn giống ngô sinh khối, Viện Nghiên cứu Ngô tập trung vào lựa chọn các tính trạng: Gân lá nâu do gen đột biến bm1bm3 quy định các enzyme đóng vai trò quan trọng trong việc tổng hợp lignin; tính trạng nhiều lá, đặc biệt các lá phía trên bắp (gen đột biến Leafy1 quy định), các giống này sẽ cho diện tích lá nhiều hơn, thời gian thu hoạch ngắn hơn, giai đoạn tích lũy hạt nhiều hơn so với các giống ngô thông thường, do đó tăng hiệu quả tổng hợp chất dinh dưỡng, giúp tăng năng suất và chất lượng hạt…

Khu khảo nghiệm đánh giá các giống ngô sinh khối triển vọng của Viện Nghiên cứu Ngô. Ảnh: Bảo Thắng.

Khu khảo nghiệm đánh giá các giống ngô sinh khối triển vọng của Viện Nghiên cứu Ngô. Ảnh: Bảo Thắng.

Bên cạnh đó, giống ngô với chất lượng protein cao (QPM), các vật liệu ngô nhiều nhánh (Teosinte) cũng đang được nghiên cứu… Giống ngô sinh khối không chỉ cần năng suất chất xanh cao mà cần cả chất lượng tốt.

Viện Nghiên cứu Ngô khẳng định, ngoài khâu giống, mật độ trồng và thời điểm thu hoạch là yếu tố quyết định trong kỹ thuật trồng ngô sinh khối. Nếu thu hoạch sớm, hàm lượng dinh dưỡng sẽ thấp. Ngược lại, nếu thu hoạch muộn, năng suất sẽ không đạt yêu cầu. Do vậy, để có năng suất và hiệu quả cao, nên chọn những giống phù hợp, có khả năng chống chịu, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng vùng.

“Tập quán của người dân trước đây, là trồng những giống ngô đa mục đích, vừa có thể sinh khối, vừa có thể lấy hạt. Tuy nhiên, hai mục tiêu ấy thường mâu thuẫn. Chẳng hạn, ngô lấy hạt rất quan trọng về năng suất và chất lượng hạt, nhưng ngô sinh khối tập trung vào những yếu tố như thân lá phát triển, tỷ lệ hạt/bắp hay hàm lượng tinh bột…”, TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Bước đầu, Viện Nghiên cứu Ngô hiện đã tạo ra các giống đặc thù phục vụ cho thức ăn xanh, có những đặc tính chuyên biệt so với ngô lấy hạt. Trong thời gian tới, Viện sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, hạ giá thành hạt giống, giúp người dân yên tâm gieo trồng những giống ngô chất lượng, cho lợi ích kinh tế lâu dài.

Hiện nay, quỹ đất vụ đông ở phía Bắc còn dư địa rất lớn để sản xuất ngô sinh khối. Ảnh: Lê Bền.

Hiện nay, quỹ đất vụ đông ở phía Bắc còn dư địa rất lớn để sản xuất ngô sinh khối. Ảnh: Lê Bền.

“Phát triển ngô sinh khối là một chương trình lớn của Bộ NN-PTNT. Viện Nghiên cứu Ngô đã nghiên cứu ra những bộ giống tốt, cho năng suất sinh khối cao và chuyển giao cho nhiều vùng trên cả nước. Tuy nhiên, để phát triển mạnh ngô sinh khối, cần sự vào cuộc quyết liệt của nhiều cơ quan, ban, ngành. Giá bán ngô sinh khối hiện nay từ 850 – 1.000 đồng/kg, trong khi chi phí vận chuyển đường dài có thể tăng thêm 100 – 200 đồng/kg, nếu quy hoạch không tốt, người dân sẽ băn khoăn về hiệu quả đầu tư”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô bày tỏ.

TS Nguyễn Xuân Thắng cũng đánh giá: Trong 3 khâu chính trong quá trình phát triển ngô sinh khối hiện nay là chọn tạo giống, tổ chức sản xuất, và bao tiêu đầu ra thì Viện Nghiên cứu Ngô và một số đơn vị chọn tạo giống khác đã giải quyết được khâu giống ban đầu.

Tuy nhiên, để sản xuất ngô sinh khối thực sự trở thành hàng hóa, cần quy hoạch được vùng sản xuất đủ lớn, chuyên canh để có thể áp dụng cơ giới trong hầu hết các khâu của sản xuất. Ngoài ra, vùng nguyên liệu cần phải gần các trang traị chăn nuôi, gần các nhà máy chế biến hoặc ở các khu vực có khả năng kết nối, vận chuyển dễ dàng, nhằm hạ giá thành, chi phí. 

Trong tương lai, ngô sinh khối sẽ được sản xuất thành thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gia súc ăn cỏ, và có thể trở thành chuỗi sản xuất, chế biến thức ăn thô xanh chuyên nghiệp, hiện đại.

Với những hướng phát triển này, ngô sinh khối có thể coi là giải pháp quan trọng nhằm phát triển bền vững ngành chăn nuôi trong bối cảnh dịch bệnh và giá thức ăn còn bấp bênh.

Nguồn tin: https%3A%2F%2Fnongnghiep.vn%2Fdi-tim-giong-ngo-sinh-khoi-cho-chan-nuoi-d303712.html

+
Gọi lại
Ngô sinh khối – Chọn giống phù hợp thị trường
blank
blank

đặt hàng thành công

    Báo giá mới nhất?