Kiến nghị giảm lãi suất cho vay với nguồn vốn phục vụ thu mua lúa gạo



Doanh nghiệp

Đăng ngày 13/09/2021


Nhằm đảm bảo chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam kêu gọi sự hỗ trợ từ các Bộ, ban, ngành.

Việc thu hoạch và lưu thông, vận chuyển gạo tại khu vực ĐBSCL bị đứt gãy thời gian qua, do ảnh hưởng của Covid-19.

Việc thu hoạch và lưu thông, vận chuyển gạo tại khu vực ĐBSCL bị đứt gãy thời gian qua, do ảnh hưởng của Covid-19.

Sáng 13/9, Hiệp hội Lương thực Việt Nam trình bày báo cáo tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, hiệp hội này đặc biệt chú trọng đến thị trường Trung Quốc, và đề nghị Bộ Công Thương kịp thời cập nhật các thông tin mới từ nước này qua kênh chính thống.

“Hiệp hội sẽ phổ biến cho các Hội viên, đặc biệt là 22 thương nhân xuất khẩu gạo đi Trung Quốc. Đây cũng là cơ sở để Hiệp hội xin tham vấn ý kiến từ các thương nhân xuất khẩu gạo và phản ánh những thuận lợi, khó khăn cũng như các giải pháp đề xuất phù hợp với tình hình thực tế đến các Bộ ngành liên quan, góp phần hỗ trợ các thương nhân củng cố thị trường truyền thống này”, báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam có đoạn.

Theo Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn thứ nhì của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021, với tổng kim ngạch hơn 6,17 tỷ USD, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, từ tháng 7/2021, khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư tại Việt Nam, nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam xuất sang Trung Quốc, trong đó có gạo, gặp điểm nghẽn. Nguyên do bởi, lúa tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thu hoạch chậm, vận chuyển khó khăn.

Gạo là một trong số những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Trung Quốc, với kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2021 là 308 triệu USD. Để bảo đảm chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu lúa gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam còn gửi thêm 4 kiến nghị nữa.

Một, là kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ giảm tiền điện đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Hai, là kiến nghị Bộ Y tế đẩy nhanh tiêm vacxin phòng Covid-19, và ưu tiên người lưu thông hàng hóa như bộ phận thu mua, tài xế, lực lượng xếp dỡ tại cảng… nhằm tạo miễn dịch cộng đồng, rộng đường cho doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất.

Ba, là kiến nghị Bộ Tài chính miễn, giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp trong năm 2021 và giảm thuế thu nhập cá nhân năm 2021 để hỗ trợ người lao động.

Bốn, là kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo khối ngân hàng thương mại gia hạn các khoản vay đến hạn, giảm lãi suất cho vay với nguồn vốn phục vụ thu mua lúa gạo, cho vay thêm theo hình thức tín chấp hoặc tăng hạn mức, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay.

Với các Bộ, ban, ngành liên quan khác, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đề xuất giải quyết 3 vấn đề: (1) Giải quyết ùn ứ tại các cảng khu vực TP. HCM, mở luồng xanh cho vận tải thủy nội địa liên tỉnh, tạo điều kiện cho thương lái đi thu mua. (2) Đảm bảo dịch vụ logistic thông suốt, ổn định giá cước hàng container và giá cước hàng tàu, tránh tăng giá tự phát như thời gian qua. (3) Nghiên cứu các phương án tổ chức sản xuất giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời giúp người lao động có tinh thần thoải mái làm việc.

Cùng với Malaysia và Philippines, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam. Do tồn kho mang sang năm 2021 nhiều, và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động thương mại gạo giữa hai nước trong 8 tháng đầu năm 2021 không sôi động như thường lệ.

Những giống như: tấm nếp, nếp và gạo thơm Việt Nam (đặc biệt là các loại giống ST) là mặt hàng được Trung Quốc quan tâm. Khối lượng xuất sang thị trường này vào thời điểm chính vụ đông xuân 2020-2021 vượt mức 100.000 tấn/ tháng.

Hiện nay, các chính sách nhập khẩu của Trung Quốc đối với gạo Việt Nam vẫn chưa thay đổi và 22 thương nhân Việt Nam xuất khẩu gạo sang Trung Quốc vẫn tuân theo các quy định tại Nghị định thư về “Yêu cầu Kiểm dịch thực vật đối với việc xuất khẩu gạo từ Việt Nam sang Trung Quốc”, được ký giữa Bộ NN-PTNT và Tổng cục Giám sát Chất lượng, Kiểm nghiệm & Kiểm dịch Trung Quốc vào ngày 30/5/2016.

Từ ngày 15/9 tới, nhiều tỉnh tại ĐBSCL có thể áp dụng những chính sách theo tình hình bình thường mới. Các biện pháp này có thể áp dụng ngay cho vụ thu đông, hiện xuống giống được 484.000 ha, đạt 69,14% kế hoạch.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nếu giữ được kết quả sản xuất như các tháng đầu năm, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 6 – 6,2 triệu tấn gạo các loại, với kim ngạch đạt hơn 3,3 tỷ USD.

Nguồn tin: https%3A%2F%2Fnongnghiep.vn%2Fkien-nghi-giam-lai-suat-cho-vay-voi-nguon-von-phuc-vu-thu-mua-lua-gao-d302479.html

+
Gọi lại
Kiến nghị giảm lãi suất cho vay với nguồn vốn phục vu…
blank
blank

đặt hàng thành công

    Báo giá mới nhất?