Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền (Công ty Bình Điền) và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa tổ chức tổng kết mô hình Canh tác lúa thông minh tại ĐBSCL vụ hè thu (HT) năm 2021 bằng hình thức livestream. Đây là buổi đầu tiên trong tổng số 4 buổi tổng kết dành cho 13 tỉnh.
Cách làm thông minh
Đó là nhận xét của ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Theo ông Thanh, chương trình Canh tác lúa thông minh vụ hè thu năm 2021 được triển khai trong tình trạng dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến rất phức tạp, nhưng chương trình vẫn được diễn ra.
Công ty Bình Điền và ban tổ chức vẫn quyết tâm đồng hành bà con nông dân bằng những cách làm mới, rất chủ động, sáng tạo để bảo đảm được đầy đủ các gói kỹ thuật đến tận tay nông dân trong mô hình và yêu cầu của chương trình.
Thay vì xuống tận ruộng, tổ chức hội nghị đầu bờ, cầm tay chỉ việc cho từng nông dân, ban cố vấn đã có sáng kiến tổ chức các buổi tư vấn trực tuyến để chuyển giao kỹ thuật canh tác rất cụ thể, rất kịp thời tới bà con nông dân, góp phần giúp nông dân dần trở thành như là chuyên gia trên đồng ruộng nhà mình.
“Việc tổ chức hội nghị tổng kết bằng hình thức livestream là thể hiện rất rõ sự chủ động, quyết tâm cao của ban tổ chức chương trình”, ông Lê Quốc Thanh nói.
Kết quả rất rõ ràng
Mô hình Canh tác lúa thông minh giúp nông dân thay đổi nhận thức nhanh về canh tác lúa. Ảnh: Ngọc Vân.
Dù toàn vùng chưa thu hoạch xong vụ lúa hè thu, nhưng chỉ điểm qua một số mô hình đã thấy kết quả vượt trội. Tại Cần Thơ, lượng giống gieo sạ là 71 kg/ha, so với 112,5 kg/ha ruộng đối chứng. Phân bón 92,5 kg đạm, 62 kg lân, 52,5 kg kali, trong khi đối chứng là 112,5, 126,5 và 30,5 kg/ha. Tổng chi phí sản xuất 21.695.000 đồng, so với đối chứng là: 23.093.000 đồng. Lợi nhuận 27.215.000 đồng, so với đối chứng: 23.807.000 đồng (hơn 3.408.000 đồng).
Ông Ngân Văn Phi, ở xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An chia sẻ: Đây là vùng đất phèn nặng, dễ gây ngộ độc hữu cơ cho cây lúa. Nông dân cũng chưa được tiếp thu nhiều kỹ thuật sản xuất và phân bón phù hợp.
Tham gia chương trình, bà con được tiếp cận các nhà khoa học, như thầy Vệ, thầy Chiến… Qua đó mới thấy cung cách làm ăn xưa cũ của bà con đã lỗi thời, phải làm đúng theo tư vấn của các thầy mới đạt hiệu quả cao.
“Bên cạnh đó, các nhà khoa học còn hướng dẫn bón phân đúng với từng thời kỳ sinh trưởng của cây lúa, nhất là phân bón lót Đầu Trâu Mặn Phèn giúp cải tạo đất rất tốt, cây lúa dễ bén rễ và bốc lên được ngay. Chúng tôi rất cảm ơn chương trình”, ông Phi phấn khởi.
Ông Trần Văn Út, ở xã Hiếu Phụng, Vũng Liêm, Vĩnh Long rất tâm đắc với việc giảm giống gieo sạ. Do sạ thưa, cây lúa to, khỏe, nên bông lúa to, hạt thóc to và nhiều. Cây lúa khỏe nên ít đổ ngã, ít sâu bệnh, giảm được lượng phân bón và thuốc xịt…
GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, Trưởng ban cố vấn chương trình, nhận xét: Chương trình đã rất thông minh, thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19. Thực tế, đã vạch ra con đường để các nhà khoa học đến được với nhà nông. Qua đó, trang bị cho nông dân những dụng cụ khoa học để đo độ mặn, phèn, cơ giới hóa khâu gieo sạ, bón phân, phun thuốc… chứ không chỉ làm ruộng phải “trông trời, trông đất, trông mây” như các cụ ta xưa.
Người nông dân đã tự biết điều chỉnh giống gieo sạ cho phù hợp; biết chọn và bón phân theo từng thời kỳ sinh trưởng của cây lúa; cũng như phun xịt thuốc trừ sâu đúng lúc, quản lý nước ướt khô xen kẽ… vừa tiết kiệm chi phí, vừa góp phần bảo vệ môi trường, đó là thông minh.
TS Hồ Văn Chiến, cố vấn chương trình khẳng định nông dân rất ham học hỏi, nên thay đổi nhận thức nhanh. Nông dân dần trở thành như là chuyên gia trên đồng ruộng của mình.
Mô hình Canh tác lúa thông minh đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Ảnh: Ngọc Vân.
Cần nhân rộng
Ông Lê Quốc Thanh khẳng định, đây là chương trình có ý nghĩa, rất đáng được biểu dương. Chúng ta đang tiến tới một nền sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, thoát khỏi thực trạng chi phí sản xuất cao, chất lượng kém.
Chương trình đạt được tiêu chí đề ra là vừa có hiệu quả kinh tế cao, vừa bảo vệ môi trường, một nền nông nghiệp chuyển đổi số, cả không gian và thời gian. Chương trình vừa được chọn báo cáo tại hội nghị ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL mới đây. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cam kết đồng hành cùng các tỉnh và Công ty Bình Điền để nhân rộng mô hình ra toàn vùng.
Ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền biểu thị tâm huyết của doanh nghiệp tiếp tục thực hiện chương trình bằng những phương pháp nhạy bén, sáng tạo, hiệu quả hơn, vượt qua những khó khăn do dịch bệnh, góp phần giúp bà con nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa, đạt được hiệu quả cao nhất trong những mùa vụ tới. Ông mong các cấp, các ngành, các doanh nghiệp cùng vào cuộc, nhà nước doanh nghiệp và nhân dân cùng làm, tất cả vì nông dân, vì sự phát triển hiệu quả và bền vững của nền nông nghiệp nước nhà.