Doanh nghiệp than phiền trước quy định giấy đi đường của Hà Nội



Doanh nghiệp

Đăng ngày 06/09/2021


Nhiều doanh nghiệp ở Hà Nội bất ngờ, không biết thời gian được xét duyệt và không hiểu mục đích của bước thẩm định qua công an khu vực để cấp giấy đi đường.

Hà Nội tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19 tới ngày 21/9. Ảnh: Tùng Đinh.

Hà Nội tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19 tới ngày 21/9. Ảnh: Tùng Đinh.

Hà Nội áp dụng chống dịch theo 3 phân vùng từ 6/9 đến 21/9, siết chặt giãn cách xã hội tại “vùng đỏ” (vùng 1). Mẫu giấy đi đường mới do Công an TP Hà Nội cấp cho các doanh nghiệp, thay thế mẫu giấy cũ hết hiệu lực ngày 5/9, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó và bối rối trước quy định này.

Xét theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu được phép hoạt động trong thời kỳ giãn cách để phục vụ cho công tác sản xuất, kinh doanh.

Ông H., đại diện một doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Hà Nội cho biết, theo quy định mới, giấy đi đường, mã QR sẽ do công an phường thẩm định và quản lý.

Tuy nhiên, vị này cho rằng từ trước đến nay, khu vực không trực tiếp quản lý doanh nghiệp thường xuyên mà các công việc này trực tiếp do Sở Kế hoạch – Đầu tư (KH-ĐT) là đơn vị cấp phép thành lập và cơ quan thuế là đơn vị quản lý hoạt động của doanh nghiệp.

Cụ thể, Sở KH-ĐT là nơi thẩm định địa điểm hoạt động để cấp Đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp. Sau đó, khi đi vào hoạt động, cơ quan thuế sẽ dựa trên mã số thuế để quản lý, nắm được tình trạng hoạt động của doanh nghiệp một cách thường xuyên (theo các báo cáo tháng/quý)

“Hai đơn vị này mới liên quan trực tiếp và hiểu được rằng doanh nghiệp có hoạt động hay không, còn công an phường và cảnh sát khu vực không thể nắm rõ điều này”, đại diện doanh nghiệp phân tích và khẳng định công an phường không thể nắm được hoạt động của công ty vì từ trước đến nay không có tương tác.

“Tôi chưa hiểu công an phường sẽ xác minh gì ở các doanh nghiệp, chưa kể hiện nay có nhiều đơn vị hoạt động với hình thức văn phòng ảo thì việc thẩm định trụ sở sẽ không hiệu quả”, ông H. thắc mắc thêm.

Bên cạnh đó, phía doanh nghiệp cũng tỏ ra lo lắng trước nguy cơ quá tải do số lượng doanh nghiệp nhiều và thời gian thẩm định lâu.

“Hiện nay, chúng tôi và nhiều công ty khác chưa xin được giấy đi đường”, đại diện doanh nghiệp xuất nhập khẩu chia sẻ.

Khi được hỏi về phương án gửi hồ sơ lên Sở Công thương để xin giấy đi đường thì ông H. cho biết nếu làm vậy thì Sở Công thương vẫn phải gửi hồ sơ lại về Công an Thành phố để xác minh cấp xác nhận theo quy định nên sẽ không thể nhanh hơn được.

Trong trường hợp đã nộp được hồ sơ lên Công an phường, thì quy định hiện nay chưa nói rõ trong thời gian bao lâu doanh nghiệp sẽ được cấp giấy đi đường: “8 tiếng, 1 ngày, hay 10 ngày? Không có deadline như vậy thì doanh nghiệp phải chờ đến khi nào mới có giấy?”, ông H. đặt thêm câu hỏi.

Quy trình cấp giấy đi đường cho các đối tượng được ra ngoài có thay đổi khiến nhiều doanh nghiệp kêu khó. Ảnh: Tùng Đinh.

Quy trình cấp giấy đi đường cho các đối tượng được ra ngoài có thay đổi khiến nhiều doanh nghiệp kêu khó. Ảnh: Tùng Đinh.

Chỗ thoáng, nơi tắc

“Có quan hệ tốt với địa phương thì nhanh, cái này chắc doanh nghiệp nào cũng biết. Nhưng xét quy mô, tính chất kinh doanh, thì không ai có thể quan hệ tốt với tất cả các phường ở Hà Nội được”, bà H., chủ doanh nghiệp phân phối thực phẩm tại Thủ đô, cho biết.

Chủ doanh nghiệp với hơn 500 lao động cho biết, trước mắt, đơn vị của bà đã lo xong phần thủ tục cho khối nhân viên hành chính, văn phòng. Tuy nhiên, do kết nối với các siêu thị, nên việc vận chuyển là điều họ “chưa biết bám vào đâu”.

Bởi ngay tại cuộc họp với Sở Công thương Hà Nội, nhiều doanh nghiệp đã nêu ý kiến: Liệu bộ phận giao, nhận hàng, bộ phận shipper có được đi từ vùng này qua vùng kia hay không? Tuy nhiên, Sở Công thương nói việc này phải hỏi cơ quan công an, theo lời bà H.

“Đến hôm nay, ngày 6/9, chúng tôi vẫn chưa biết chắc liệu bộ phận kinh doanh trực tiếp sẽ đi lại như thế nào. Tôi nghĩ điều bất cập ở đây là cảnh sát khu vực không thể có chuyên môn nắm hết được các hạng mục kinh doanh. Mặt khác, bản thân cảnh sát cũng rất bận. Quá tải là điều chắc chắn”, bà H. nói.

Bà H. còn cho biết điều khiến nhiều doanh nghiệp “lo bạc cả tóc” là hàng hóa thì nhiều, song khâu vận chuyển “đây đó còn nhiêu khê”.

“Hàng nhiều lắm, giá cả cũng bình ổn chứ không có chuyện lợi dụng dịch dã để tăng giá. Song thực trạng là mỗi chốt hiểu chỉ thị của thành phố theo một kiểu. Có lẽ họ cũng sợ nếu có vấn đề, họ phải chịu trách nhiệm, nên thà rằng “cứ làm thật chặt, bắt quay đầu còn hơn bỏ sót” nên nhiều khi xe chở thực phẩm, chở nông sản bị ùn ứ”.

Đại diện một doanh nghiệp khác, cũng phân phối thực phẩm, thì than phiền hàng bị đội giá do chi phí xét nghiệm cho đội ngũ giao hàng, phí xăng xe, kho bãi do hàng không thể 100% vận chuyển thông suốt.

“Lái xe họ cũng phàn nàn vì bị test quá nhiều, căng thẳng tâm lý, phải có chế độ cho họ chứ chúng tôi đâu thể động viên suông. Một tiếng chậm ngoài đường, kéo theo nhiều chi phí phát sinh. Rồi đội ngũ shipper cũng tăng giá vận chuyển do họ cũng phải test Covid. Mong người dân thông cảm cho chúng tôi, đây là những chi phí phát sinh bất khả kháng. Doanh nghiệp chúng tôi cũng không đủ sức “gánh” phần tăng giá này dài kỳ được”, đại diện doanh nghiệp nói.

Nhiều bất cập

TS.LS. Nguyễn Thanh Bình – nguyên Trưởng Khoa đào tạo Thẩm phán, Luật sư và các chức danh tư pháp, Học viện Tư pháp, cho biết: “Nhiều khi, vì muốn được việc, người dân có thể hối lộ, chạy chọt hoặc bằng cách nào đó để nhanh chóng có giấy đi đường. Khi có cơ chế xin cho thì bao giờ cũng dẫn tới tình trạng tiêu cực nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ, kiểm tra và giám sát cụ thể”, luật sư Bình nói.

Ông Bình cho rằng công dân Việt Nam đã được cấp đầy đủ chứng minh nhân dân khi đến tuổi quy định. Việt Nam đã có căn cước công dân gắn chíp điện tử. Việc công dân có nhu cầu đi lại sử dụng và xuất trình giấy tờ tùy thân này là ưu việt nhất, và các nước trên thế giới đều áp dụng. Cơ quan chức năng truy cập vào hệ thống dữ liệu là có thể nắm bắt được toàn bộ thông tin về công dân đang di chuyển.

“Tôi cho rằng việc quản lý công dân hiện nay không khó như trước đây, nên việc cấp giấy đi đường này rõ ràng là không cần thiết”.

Tại TP. Hà Nội có đến hàng triệu cán bộ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động. Để đảm bảo hoạt động trong bối cảnh COVID-19, các tổ chức này có thể hạn chế di chuyển nhưng muốn hay không muốn họ thì vẫn có những nhu cầu cấp bách, bức thiết cần phải thực hiện. Khi đó, di chuyển trở thành nhu cầu chính đáng, bức thiết.

Tuy nhiên, thực hiện quy định về giấy đi đường, các cơ quan, tổ chức này buộc phải liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền và cảnh sát khu vực. Nhu cầu lớn như vậy, với lực lượng cảnh sát khu vực ở các xã, phường, thị trấn hiện nay như vậy thì chắc chắn dẫn tới tình trạng quá tải hoặc cấp giấy rất chậm chạp.

Điều đó dẫn tới việc hạn chế quyền tự do đi, lại tự do cư trú của người dân. Còn nếu muốn làm đúng thì phải tăng cường lực lượng cảnh sát khu vực và dồn một lực lượng như vậy trong thời điểm này không phải chuyện đơn giản, có thể gây nên các điểm nghẽn nhất định.

Luật sư cho rằng việc quản lý công dân hiện nay không khó như trước đây, nên việc cấp giấy đi đường này rõ ràng là không cần thiết. Ảnh: Tùng Đinh.

Luật sư cho rằng việc quản lý công dân hiện nay không khó như trước đây, nên việc cấp giấy đi đường này rõ ràng là không cần thiết. Ảnh: Tùng Đinh.

Thiếu cơ sở pháp lý

Nguyên Trưởng Khoa đào tạo Thẩm phán, Luật sư và các chức danh tư pháp, Học viện Tư pháp, cho rằng công an cấp giấy đi đường, giấy thông hành cho công dân là không có căn cứ về cơ sở căn cứ pháp lý. Hiện luật pháp không có điều khoản nào quy định về việc hạn chế quyền tự do đi lại của công dân.

Việc cấp giấy đi đường của công dân và các loại giấy tờ thủ tục hành chính khác, phải trên cơ sở tôn trọng quyền của công dân mà Hiến pháp quy định cụ thể. Quyền tự do đi lại được ghi nhận với tư cách là quyền cơ bản của con người, của công dân tại điều 23 Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, quyền này có thể bị hạn chế (theo khoản 2 điều 14 của Hiến pháp) theo quy định của luật.

Nghĩa là, nếu muốn hạn chế quyền của công dân thì phải ban hành luật và căn cứ vào luật để ban hành các văn bản dưới luật, trong đó có các biện pháp triển khai cụ thể để thực hiện. Hiện nay, chưa có luật liên quan nên việc này không có cơ sở pháp lý và rõ ràng quyết định này là vi hiến.

Thứ hai, việc cấp giấy đi đường nhằm để bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, thì phải theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Chính quyền cần nghiên cứu để thực hiện cho khoa học, nghiêm túc thì sẽ đảm bảo tốt việc thực hiện Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Còn nếu tự đặt ra các loại giấy tờ này thì rõ ràng đang tạo ra sự chồng chéo với các luật đó và việc này không cần thiết.

Việc cấp giấy đi đường không thuộc chức năng của cơ quan nhà nước. Việc này thuộc về cơ quan chủ quản thực hiện, nhằm đảm bảo chức năng, nhiệm vụ, hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức, đơn vị.

“Và đặc biệt nếu việc này không làm nghiêm sẽ dễ gây ra tình trạng tụ tập đông người, gây ra nạn phiền nhiễu, không đảm bảo cho thực hiện phòng, chống lây lan COVID-19. Thực tế sáng 6/9 đã có ùn tắc, tập trung quá đông người ở một số điểm chốt tại Hà Nội”, luật sư Bình nói.

Mua vở học sinh, phải nhận ở cửa hàng pizza

Ông Dũng, phụ huynh học sinh sống tại quận Cầu Giấy, than phiền về việc đặt mua vở cho con nhưng hai ngày chưa nhận được.

“Họ bảo nhiều đơn hàng, mà chỉ có 2 shipper, nên không chuyển kịp. Đến khi tôi đánh liều ra tận nơi mua, thì họ không bán trực tiếp. Họ bảo tôi ra cửa một cửa hàng pizza để nhận, vì sợ bị phạt. Họ còn dặn ai hỏi thì bảo đi mua pizza”, ông Dũng nói.

Vị phụ huynh này nói sau khi về nhà, ông cảm thấy “may mắn” vì khu chung cư nơi gia đình ông đang ở, có nhiều học sinh đến ngày 6/9 vẫn chưa đủ vở, sách để học.

Nguồn tin: https%3A%2F%2Fnongnghiep.vn%2Fdoanh-nghiep-than-phien-truoc-quy-dinh-giay-di-duong-cua-ha-noi-d301900.html

+
Gọi lại
Doanh nghiệp than phiền trước quy định giấy đi đường của…
blank
blank

đặt hàng thành công

    Báo giá mới nhất?