Doanh nghiệp đuối sức



Tin thị trường

Đăng ngày 22/09/2021


Không chỉ các doanh nghiệp phải ngừng hoạt động khốn đốn, doanh nghiệp còn duy trì sản xuất “3 tại chỗ” hiện đã gần như kiệt sức vì chi phí sản xuất quá lớn.

Quá sức chịu đựng với sản xuất “3 tại chỗ”

Trong những tháng vừa qua, trong khi phần lớn doanh nghiệp (DN) phải ngừng hoạt động, thì mô hình “3 tại chỗ” đã giúp cho nhiều DN trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm ở Đông Nam Bộ và ĐBSCL vẫn còn duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian giãn cách xã hội. Tuy nhiên, các DN gần như đã kiệt sức với mô hình này do chi phí duy trì quá lớn.

Chế biến thủy sản thuộc nhóm ngành hàng chịu tổn thất nặng nề nhất trong những tháng qua do dịch bệnh Covid-19. L. Ảnh L.H.Vũ.

Chế biến thủy sản thuộc nhóm ngành hàng chịu tổn thất nặng nề nhất trong những tháng qua do dịch bệnh Covid-19. L. Ảnh L.H.Vũ.

Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, khảo sát thực tế tại một số DN thủy sản đang thực hiện “3 tại chỗ” trên địa bàn cho thấy, hầu hết các DN đã rất đuối do chi phí rất lớn. Bình quân mỗi tháng, mỗi DN thủy sản đang phải chi thêm từ 3 – 3,5 triệu đồng cho một nhân viên, công nhân thực hiện “3 tại chỗ”.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) Cần Thơ, do không đáp ứng được yêu cầu “3 tại chỗ” hoặc phải chi phí rất lớn nếu thực hiện giải pháp này nên trên địa bàn TP Cần Thơ, hầu hết các DN chế biến cá tra đã ngừng hoạt động. Tính trên toàn ĐBSCL, hiện có chưa đến 300 DN chế biến vẫn còn duy trì hoạt động.

Đáng lo ngại hơn là sau mấy tháng giãn cách xã hội, phần lớn DN không có nguồn thu. Những DN vẫn còn duy trì hoạt động thì chỉ xuất khẩu được khoảng 20% so với lúc bình thường, nên nguồn thu cũng rất thấp. Do đó, DN trong lĩnh vực nông nghiệp đang thiếu vốn trầm trọng để tiến hành thu mua nông sản cho nông dân, cả hiện tại lẫn sau khi hết giãn cách xã hội.

Ông Huỳnh Văn Bảo, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cho hay, nhiều nhà máy hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghiệp cao su và chế biến gỗ của Tập đoàn hiện đang cố gắng duy trì thực hiện “3 tại chỗ”, nhưng về lâu dài sẽ rất khó khăn vì tâm lý người lao động hoang mang, tinh thần không thoải mái do xa gia đình quá lâu. Đáng lo ngại nhất là chi phí tăng quá cao, vượt quá khả năng chịu đựng của các doanh nghiệp.

Công nhân khai thác cao su tại một đơn vị thành viên của VRG. Ảnh: Tr.Trung.

Công nhân khai thác cao su tại một đơn vị thành viên của VRG. Ảnh: Tr.Trung.

Còn ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An cho biết, tại các nông hộ cho đến các kho thanh long, khu nhà trọ, đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc Covid-19 khiến công tác sản xuất, thu hoạch bị gián đoạn.

Việc duy trì sản xuất “3 tại chỗ” khiến chi phí sản xuất tăng nhiều, trong khi đó, Trung Quốc (thị trường xuất khẩu chủ lực thanh long) đang siết chặt kiểm dịch, hoặc đóng biên tại một vài cửa khẩu trong một số thời gian nhất định, các hoạt động logistics có chi phí tăng cao đột biến khiến cho xuất khẩu thanh long khó chồng khó.

“Tiếp sức” ngay cho doanh nghiệp

Trước thực tế hiện nay của các DN trong ngành nông nghiệp, thực phẩm phía Nam, ông Nguyễn Phương Lam cho rằng, cần phải có cơ chế để “tiếp sức” khẩn cấp cho các DN thu mua, chế biến nông, thủy sản. Ngân hàng Nhà nước cần xem xét, có gói vay ưu đãi không lãi suất hoặc lãi suất thấp nhất để hỗ trợ kịp thời cho DN.

Hiệp hội Thanh long Long An kiến nghị các địa phương cần thống nhất quy định test nhanh cho lái xe để “cởi trói” cho việc lưu thông hàng hóa. Đối với việc sản xuất, thu hoạch nông sản, nhà nước cần ban hành nhiều phương án để doanh nghiệp lựa chọn phù hợp với hình thái sản xuất của từng đơn vị.

Đặc biệt, các bộ ngành cần phối hợp với các tỉnh biên giới Trung Quốc điều tiết hợp lý lượng hàng hóa nhằm tránh ùn ứ, ép giá, hư hỏng… Cần có cơ chế điều tiết phân luồng xuất khẩu nông sản qua kênh phân phối của Trung Quốc thông qua hình thức trực tuyến từ xa trong bối cảnh dịch Covid-19 chắc chắn kéo dài.

Cơ sở đóng gói thanh long xuất khẩu tại huyện Châu Thành. Ảnh: Tr.Trung.

Cơ sở đóng gói thanh long xuất khẩu tại huyện Châu Thành. Ảnh: Tr.Trung.

Còn Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, trong một văn bản mới đây gửi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, VRG kiến nghị một số giải pháp nhằm giúp DN có khả năng phục hồi sản xuất ngay sau dịch.

Theo đó, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn có nguồn tái sản xuất, mở rộng lại sản xuất kinh doanh sau khi dịch bệnh được kiểm soát, VRG kiến nghị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 116/2020/QH14 ngày 16/6/2021 của Quốc hội được hướng dẫn tại Nghị định 114/2020/NĐ-CP ngày 29/9/2020 của Chính phủ về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với người nộp thuế TNDN là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế.

Cụ thể, tăng mức giảm từ 30% lên 50% số thuế TNDN phải nộp của kỳ tính thuế TNDN năm 2021 mà không giới hạn về tổng doanh thu trong năm và giảm 30% thuế TNDN 3 năm liền kể từ khi công bố hết dịch bệnh Covid-19, không phân biệt quy mô doanh thu trong kỳ tính thuế TNDN.

Về hỗ trợ DN vay vốn ưu đãi để trả lương ngừng việc, trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất, VRG kiến nghị tăng mức vay vốn trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất với mức cho vay tối đa bằng 2 lần mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động. Thời gian hưởng chính sách hỗ trợ tối đa 6 tháng.

Các doanh nghiệp cao su cũng đang kiệt quệ sau thời gian dài chống chọi với khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: TL.

Các doanh nghiệp cao su cũng đang kiệt quệ sau thời gian dài chống chọi với khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: TL.

VRG cũng đề nghị hỗ trợ gói ưu đãi lãi suất cho các DN thuộc Tập đoàn từ ngày 1/8/2021 đến 12 tháng sau công bố hết dịch; cho phép thực hiện chính sách khoanh nợ, giãn nợ (cả gốc và lãi) đối với các đơn vị thuộc Tập đoàn phải tạm ngừng hoạt động và gặp khó khăn không có khả năng thanh toán do đại dịch kéo dài; miễn giảm các khoản chi phí phát sinh trong việc tái cơ cấu nợ vay cho doanh nghiệp đến hết ngày 30/6/2022; các đơn vị khác cho phép khoanh nợ gốc và xem xét giảm lãi suất từ 2-3% kể từ 1/8/2021 đến hết 6 tháng sau khi Chính phủ công bố hết dịch.

Thay đổi tư duy tiếp cận khi dịch Covid-19 kéo dài

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Thanh long Long An, trong 3 tháng dịch Covid-19 vừa qua, mỗi tháng Long An xuất khẩu được khoảng 15.000 tấn thanh long, chỉ đạt gần 60% sản lượng xuất khẩu so với cùng kỳ, với giá dao động ở mức 18.000 – 20.000 đồng/kg.

Chủ tịch Hiệp hội Thanh Long Long An Nguyễn Quốc Trịnh dự báo, thị trường xuất khẩu sau nới lỏng giãn cách vì dịch Covid-19 của thanh long nói riêng và các mặt hàng nông lâm thủy sản nói chung sẽ tăng mạnh trở lại vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022 vì tất cả thị trường đều thiếu hụt nguồn hàng.

Ông Trịnh cho biết, Hiệp hội sẽ chủ động nắm bắt thông tin, thị hiếu và nhu cầu thị trường, các quy định về tiêu chuẩn chất lượng và khuyến cáo của cơ quan chức năng để thay đổi một cách cơ bản tư duy tiếp cận trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài.

Từ đó, Hiệp hội sẽ xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh lâu dài, mạng lưới phân phối, thương hiệu, mẫu mã, bao bì dành riêng và đăng ký bảo hộ tại các thị trường xuất khẩu; nâng cao trình độ nghiệp vụ thương mại, hiểu biết vế ngôn ngữ văn hóa của thị trường, trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh sẽ phải sống chung với dịch Covid-19.

Nguồn tin: https%3A%2F%2Fnongnghiep.vn%2Fdoanh-nghiep-duoi-suc-d303088.html

+
Gọi lại
Doanh nghiệp đuối sức
blank
blank

đặt hàng thành công

    Báo giá mới nhất?