Quyết định vừa ký hôm 2-8 của Bộ Y tế yêu cầu các địa phương không phun hóa chất diệt khuẩn vào người, ngoài đường đã gây sự chú ý lớn từ người dân.
Ông Nguyễn Huy Nga – nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, người đã có ý kiến từ rất sớm phản đối việc phun khử khuẩn ngoài đường phố để diệt virus SARS-CoV-2 – giải thích:
– Virus SARS-CoV-2 nằm ở trong họng, tỵ hầu người mắc, khi người đó ho khạc, hắt hơi thì virus mới bắn ra ngoài. Trong buồng kín giọt bắn lơ lửng trong không khí một thời gian; còn khi rơi ra môi trường, nắng, gió sẽ làm virus chết rất nhanh, nó rơi xuống đất sẽ có con vi khuẩn trong đất chộp xơi ngay.
Vì lý do này, hầu như không có virus trên đường phố, virus cũng rất nhỏ, giọt phun khó trúng.
Hóa chất nào được dùng để khử khuẩn?
* Hóa chất sử dụng để phun thông thường là thuốc gì, thưa ông?
– Hóa chất sử dụng phun là cloramin B, là chất diệt khuẩn đã được Bộ Y tế cấp phép. Nhưng trong khảo nghiệm cấp phép thì không có kỹ thuật phun, chỉ có sử dụng để lau bề mặt, khử trùng nước, phun trong khu vực kín, cơ sở y tế…
Mặt trái của việc phun hóa chất này, như Bộ Y tế đã nói trong công văn ngày 2-8, là ảnh hưởng đến sức khỏe. Người hít phải nhiều hóa chất này cũng có nguy cơ tổn thương hệ hô hấp.
Tôi đã phản ảnh nhiều (từ tháng 3-2020) về những bất hợp lý của việc phun hóa chất ngoài đường phố, phun vào người, sử dụng buồng khử khuẩn… Tôi cho là không nên phun diện rộng. Loại hóa chất này rất tốn kém, phải 300.000 – 400.000 đồng/kg, mỗi địa phương phun diện rộng cần đến hàng tấn.
Cách phòng bệnh trong mùa dịch
* Nếu không phun xịt như biện pháp trước đây, theo ông, phòng bệnh như thế nào cho hợp lý?
– Một số nghiên cứu cũng cho rằng chất này vào môi trường kết hợp với các chất hữu cơ tạo ra chất gây ung thư, nếu tiếp xúc thời gian dài.
Để phòng chống bệnh, tôi cho rằng cần đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, ở trong môi trường kín thì không nên đóng cửa, sử dụng dung dịch thông thường để lau sàn, dùng cồn etanol trên 70 độ để lau các bề mặt vật dụng.
* Tôi ở khu phong tỏa thuộc quận 6, TP.HCM. Có nên tiếp tục sử dụng hóa chất diệt khuẩn trong khu phong tỏa?
– Đại diện Trung tâm Y tế quận 6 (TP.HCM): Quận hạn chế việc phun hóa chất diệt khuẩn khi có quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, quận vẫn thực hiện việc phun hóa chất ở những khu vực như hẻm, khu phong tỏa, nơi có ca nhiễm F0 nhằm đảm bảo an toàn, sẽ không phun hóa chất phía ngoài trời hoặc lên người.
Đối với người có cơ địa dị ứng khi phun trực tiếp hóa chất khử khuẩn như cloramin B lên người sẽ dễ dẫn tới dị ứng, nguy hiểm cho sức khỏe.
Nhân viên y tế hướng dẫn cho người dân cách tự vệ sinh khu vực nhà ở của mình, dùng các dung dịch sát khuẩn để vệ sinh các bề mặt tiếp xúc như bàn, ghế, các lối đi, thiết bị điện tử…
Nguồn: TTO
>>> Xem thêm: Yêu cầu không phun khử khuẩn ngoài trời, vào người