17 cơ sở sản xuất tôm đạt an toàn dịch bệnh
Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) tại Hội nghị trực tuyến về phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 vừa qua, trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại khoảng 16.253 ha, giảm 58,8% so với cùng kỳ năm 2020 (39.438 ha).
Tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại 15.698 ha, chiếm khoảng 2,2% tổng diện tích nuôi tôm của cả nước và chiếm 96,6% trong tổng diện tích thủy sản nuôi bị thiệt hại, giảm gần 58% so với cùng kỳ năm 2020 (có tổng diện tích tôm bị thiệt hại là 37.272 ha). Dịch bệnh trên tôm chủ yếu vẫn là bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính, bệnh EHP cũng xuất hiện ở một số địa phương.
Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều tỉnh áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để phòng chống dịch, đặc biệt là các tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên việc tổ chức kiểm tra thực địa, giám sát chủ động, chẩn đoán xét nghiệm, tổng hợp, báo cáo số liệu không được thực hiện liên tục và đầy đủ.
Cục Thú y nhận định, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lưu hành, lây lan và gây thiệt hại cho người nuôi tôm trong thời gian tới là rất cao nếu không áp dụng các biện pháp chủ động để kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là con giống và khâu chuẩn bị ao nuôi.
Trong 8 tháng đầu năm, để chủ động giám sát dịch bệnh trên tôm giống, Cục Thú y đã xây dựng kế hoạch giám sát các bệnh AHPND, WSD, IHHNV, EHP và bệnh do virus DIV1 tại các địa phương Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Tuy nhiên do dịch bệnh Covid-19, hiện mới chỉ tổ chức giám sát tại tỉnh Phú Yên (Công ty Đắc Lộc) và tỉnh Bình Định (Tập đoàn Việt Úc). Theo đó kết quả đã thu 27 mẫu để xét nghiệm, kết quả 100% mẫu âm tính với các bệnh.
Đối với giám sát dịch bệnh trên tôm thương phẩm, Cục Thú y đã xây dựng kế hoạch giám sát các bệnh AHPND, WSD, IHHNV, EHP và bệnh do virus DIV1 tại các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang.
Thời gian qua, Cục Thú y đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh và các doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh thủy sản theo quy định của Việt Nam và Tổ chức Thú y Thế giới (
OIE) để phục vụ xuất khẩu. Kết quả đến nay, cả nước đã có 17 cơ sở sản xuất tôm đạt an toàn dịch bệnh, trong đó có 16 cơ sở sản xuất tôm giống, 1 cơ sở nuôi tôm thương phẩm.
Người nuôi cần chủ động khai báo dịch bệnh
Trước tình hình dịch bệnh Covid 19, từ nay đến cuối năm 2021, đầu năm 2022, Cục Thú y đề nghị cơ quan thú y thủy sản các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người nuôi chủ động khai báo tình hình dịch bệnh, diện tích thiệt hại hoặc dịch bệnh kết hợp với hỗ trợ hóa chất phòng chống dịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc báo cáo dịch bệnh nhằm giảm đầu mối báo cáo qua cấp trung gian từ xã đến huyện và tỉnh.
Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, cập nhật số liệu về diện tích thủy sản thiệt hại và số liệu về diện tích tôm bị mắc bệnh, bảo đảm các số liệu chính xác, nhất quán; các thông tin, số liệu về thủy sản nhiễm bệnh cần phải gắn với kết quả xét nghiệm để bảo đảm tính chính xác…
Các địa phương, đặc biệt là tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi tôm quảng canh lớn nhất với khoảng 270.000 ha, người nuôi tôm cần phải tổ chức lấy mẫu và xét nghiệm đối với tôm nuôi bị chết, bị thiệt hại để xác định nguyên nhân và có biện pháp xử lý triệt để.
Một số địa phương trọng điểm nuôi tôm, có diện tích tôm bị mắc bệnh nhiều như tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Cà Mau… cần tiếp tục tăng cường công tác giám sát chủ động dịch bệnh, kết hợp với kết quả quan trắc môi trường, dữ liệu dự báo thời tiết, thủy văn… để cảnh báo nguy cơ dịch bệnh kịp thời và hướng dẫn người nuôi áp dụng biện pháp phòng bệnh chủ động.
Tăng cường tuyên truyền để người nuôi áp dụng các biện pháp phòng bệnh chủ động theo quy định tại Thông tư 04/2016/TT-BNNPTNT và hướng dẫn của cơ quan thú y.
Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh đối với một số doanh nghiệp như Tập đoàn Việt Úc, Công ty Cổ phần Thực phẩm Trung Sơn (xây dựng chuỗi sản xuất tôm an toàn dịch bệnh), Công ty TNHH Moana Ninh Thuận (xây dựng cơ sở sản xuất tôm giống an toàn dịch bệnh), các doanh nghiệp sản xuất tôm giống tại một số địa phương.
Cục Thú y đề xuất UBND các tỉnh, thành phố ưu tiên bố trí tiêm vacxin Covid-19 cho lực lượng thú y các cấp, nhất là lực lượng thú y phải tham gia tổ chức phòng, chống dịch bệnh động vật; tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia triển khai pháp phòng, chống dịch, điều trị bệnh động vật theo quy định của Luật Thú y.