Triển khai app bán hàng đã được 3 năm nay, theo anh Đỗ Hoàng Thạch – Giám đốc điều hành Công ty CP Ubofood lúc đầu mở sàn thương mại điện tử không mấy đơn vị chọn lĩnh vực kinh doanh là thực phẩm như Ubofood với phạm vi phục vụ chỉ gói gọn trong 12 quận nội thành Hà Nội.
Cách vận hành bán hàng của đơn vị như sau, qua 2 kênh app và web khách đặt hàng trước 20h mỗi ngày, Ubofood xử lý đơn, giao hàng tới điểm giao dịch (Pos) hoặc giao tận nhà từ 9h-11h ngày hôm sau.
Giai đoạn đầu đơn vị hoạt động rất khó khăn bởi người dân ngại chuyện phải tải app, thứ nữa là thói quen tiêu dùng thích tự tay đi chợ, chọn lựa mớ rau, con cá, cân thịt.
Từ khi có dịch Covid 19 thói quen tiêu dùng của dân thay đổi hẳn, nhiều người đã tự tìm hiểu rồi tải app. Thêm vào đó, công ty đã chủ động chạy các chương trình quảng cáo trên facebook, page hay tuyên truyền qua các cộng tác viên nên tổng lượng người tải app đã đạt con số vài chục ngàn.
Nhờ đó, trong gần 1 tháng Hà Nội giãn cách xã hội lượng đặt hàng tăng gấp 10 – 15 lần, doanh thu tăng 10 lần so với những tháng trước đó.
Để đảm bảo được nguồn gốc và chất lượng, toàn bộ sản phẩm khi đưa lên app để cung ứng đều được xử lý qua các khâu kiểm duyệt về giấy tờ chứng nhận.
Hàng hóa trước khi cung ứng đều được lưu mẫu hàng ngày, sơ chế đóng gói đảm bảo điều kiện tiêu chuẩn, vận chuyển bằng xe chuyên dụng đồng thời có bộ phận chăm sóc khách hàng để thu phản hồi và xử lý hàng hóa cho khách khi có lỗi.
Để đảm bảo an toàn cho nhân viên giao hàng và khách hàng, công ty đã tuân thủ chặt chẽ những quy định phòng chống dịch.
Toàn bộ đội ngũ shiper đều là nhân viên giao hàng của công ty, được tiêm phòng vacxin Covid và cứ 3 ngày lại tiến hành test nhanh 1 lần. Nhiều điểm bà con sản xuất không chủ động giao được hàng công ty phải tăng cường xe chuyên chở trực tiếp xuống tận nơi để tránh tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng.
Trong tổng số trên 1.500 sản phẩm của Ubofood đang phân phối của 200 nhà cung cấp trên 30 tỉnh thành có gần 100 sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Thực tế đó vốn là những sản phẩm mang tính đặc thù vùng miền, trước đây dù có thể chúng đạt chất lượng tốt nhưng bao bì, nhãn mác, giấy tờ chưa bài bản nên công tác khớp nối để tiêu thụ rất khó khăn.
Nhưng từ khi công nhận OCOP các công đoạn từ bao bì, nhãn mác, giấy tờ được chuẩn hóa rất nhiều, nhờ đó mà đưa lên sàn thương mại điện tử khá thuận lợi.
Hiện Hà Nội có gần 50 sản phẩm mà Ubofood đang phân phối, điển hình như thịt lợn sinh học A-Z của HTX Hoàng Long đạt OCOP 4 sao, mỳ miến của Công ty Thực phẩm Minh Dương đạt OCOP 4 sao, xạ đen của Công ty CP MD Queens đạt OCOP 4 sao…
Những thuận lợi của cách bán hàng qua sàn điện tử của Ubofood là dễ sử dụng, chủ động đặt hàng mọi lúc, mọi nơi, giá cả công khai, thông tin sản phẩm minh bạch, giao hàng tại nhà hạn chế tiếp xúc với đám đông, hợp với tình hình dịch bệnh đang lây lan hiện nay.
Tuy nhiên cũng có những khó khăn là thay đổi thói quen của người tiêu dùng khi mua thực phẩm ngoài chợ truyền thống, siêu thị hay những người cao tuổi khó tiếp cận hơn khi sử dụng tải và đặt hàng qua app. Riêng về sản phẩm OCOP, một hạn chế là nhiều người tiêu dùng chưa hiểu mấy về chương trình này nên cần sự vào cuộc, truyền thông của nhiều đơn vị một cách sâu, rộng hơn nữa.
Một trường hợp điển hình khác trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19 tốt ở Hà Nội là HaNo Farm. Theo anh Tô Đức Minh – Phó Tổng giám đốc công ty cho biết dịch bệnh đã làm chuyển đổi trạng thái tương tác với khách hàng từ offline sang online. Trước khi có đợt dịch thứ 4 hoành hành, khách mua trực tiếp qua 4 cửa hàng chiếm khoảng 85%, việc mua hàng này bị giới hạn về vị trí địa lý xa, gần.
Nhưng từ khi có chỉ thị giãn cách xã hội, nhóm khách hàng cũ bị “trói chân” ở nhà, dồn sang mua hàng online cộng thêm lượng khách hàng mới tìm đến qua những thông tin quảng cáo hay chủ động tìm kiếm nên đã chiếm khoảng 70-80%.
Ngoài nông sản tự sản xuất HaNo Farm còn nhập hàng từ các doanh nghiệp khác, đều có hóa đơn, chứng từ, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Về vận chuyển, ô tô có luồng xanh đăng ký đầy đủ, xe máy cũng được đăng ký với Sở Giao thông Vận tải nên cũng không có gì khó khăn cho cả hệ thống bán lẻ lẫn bán buôn của đơn vị.
“Vừa rồi rất nhiều doanh nghiệp đã đặt chúng tôi các hộp thực phẩm để hỗ trợ nhân viên với mức giá từ 300-800.000đ. Hiện chuẩn bị cho Tết trung thu, xu thế là thay vì biếu bánh như mọi năm thì họ đặt những hộp quà là đồ ăn như hạt khô, hoa quả sấy, thịt tươi, rau quả tươi… Sau khi hết dịch, chúng tôi sẽ tổng hợp các dữ liệu của khách hàng để chủ động vận hành mảng online qua phần mềm quản lý”, anh Minh chia sẻ.
Rõ ràng là dịch bệnh gây đình trệ nền kinh tế nhưng nếu doanh nghiệp biết biến những khó khăn thành lợi thế thì sẽ phát triển vượt bậc. Trong xu thế phát triển kinh doanh điện tử mạnh mẽ như hiện nay, nông nghiệp không thể đứng ngoài.
Ảnh hưởng của Covid 19 chỉ là một cú hích để làm thay đổi nhanh hơn về nhận thức của người tiêu dùng cũng như người sản xuất và kinh doanh mà thôi.