Đổi mới tận gốc hệ thống tổ chức khoa học nông nghiệp



Ứng dụng

Đăng ngày 02/08/2021


Giáo sư, Viện sỹ Trần Đình Long cho rằng, cần nghiên cứu thành lập Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp trên cơ sở các viện hiện có.

Nghiên cứu thành lập Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp

Hiện nay, có rất nhiều viện và trung tâm nghiên cứu trực thuộc Bộ NN-PTNT. Riêng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) đã có tới 19 viện và trung tâm trực thuộc. Rất nhiều đơn vị trong số này có nhiệm vụ trùng lặp nhưng lực lượng phân tán.

Vì vậy, cần nghiên cứu, xây dựng đề án thành lập một Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp (bao gồm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản, kinh tế nông nghiệp, kinh tế biển…) trên cơ sở các viện hiện có. Phân định rõ các nghiên cứu cơ bản, cơ sở và các nghiên cứu ứng dụng.

GS Trần Đình Long thăm cơ sở nghiên cứu của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: NVCC.

GS Trần Đình Long thăm cơ sở nghiên cứu của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Về cơ chế hoạt động, cần chấm dứt cơ chế “xin cho” các đề tài dự án cấp nhà nước, cấp bộ. Nhà nước, Bộ NN-PTNT, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất nông nghiệp chủ động đặt hàng, nêu các sản phẩm chính cần đạt theo cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. 

Những nghiên cứu cơ bản như xây dựng ngân hàng gen quốc gia, các nghiên cứu về di truyền học, sinh lý, sinh hóa cây trồng, vật nuôi… chủ yếu sẽ do Nhà nước cấp kinh phí. Những nghiên cứu ứng dụng trong từng lĩnh vực sẽ theo cơ chế tự chủ toàn diện (tự chủ về biên chế, nội dung nghiên cứu, cơ sở vật chất, được sử dụng đất công để vốn hóa phục vụ công tác nghiên cứu).

Hiện có hàng loạt các viện, trung tâm đang quản lý từ 100 – 300 ha, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, trang thiết bị, nhưng việc khai thác lợi thế còn rất hạn chế, không liên doanh liên kết hiệu quả với các doanh nghiệp nông nghiệp. Các viện nghiên cứu ứng dụng có thể thí điểm hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp KH-CN.

Về định hướng nghiên cứu, cần xây dựng chiến lược KH-CN nông nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 phù hợp với xu thế thế giới và phù hợp với điều kiện sinh thái của Việt Nam gồm: Nông nghiệp nhiệt đới điển hình (từ đèo Hải Vân trở vào các tỉnh phía Nam); nông nghiệp Á nhiệt đới (từ Đèo Hải Vân trở ra các tỉnh phía Bắc). Cần xác định mục tiêu đối với từng chuyên ngành về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, thủy lợi, lâm nghiệp, kinh tế nông nghiệp…

Tận dung, phối hợp lực lượng nghiên cứu của doanh nghiệp, hiệp hội

Riêng các nghiên cứu về giống cây trồng, cần có tư duy đột phá trong cả 3 nội dung: Chọn tạo giống, sản xuất giống và quản lý chất lượng giống.

GS Trần Đình Long (ngồi) thăm mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính tại Hà Nam của VINASEED. Ảnh: NVCC.

GS Trần Đình Long (ngồi) thăm mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính tại Hà Nam của VINASEED. Ảnh: NVCC.

Nghiên cứu chọn tạo giống: Cần khai thác tối đa nguồn gen bản địa kết hợp với các nguồn gen nhập nội ưu việt trên thế giới, sử dụng phương pháp hiện đại nhất như công nghệ tế bào, tái tổ hợp ADN, tác động đến hoạt động của gen – RNA interference (RNAi), quy tụ gen (pyramiding), công nghệ gen. Công nghệ mới nhất hiện nay là kỹ thuật ngoại di truyền (epigenetics) và công nghệ chỉnh sửa gen (CRISPS => CRISPR). Đơn giản hóa thủ tục công nhận giống, đăng ký bảo hộ giống mới.

Nghiên cứu nhân giống (sản xuất hạt giống và cây giống): Cần chú trọng các nghiên cứu về kỹ thuật hạt giống (seed technology) và công nghiệp hạt giống (seed inductry = > industry). Mảng này nên giao cho các doanh nghiệp, tập đoàn giống, phát huy tiềm lực, cơ sở vật chất để xây dựng các xí nghiệp hạt giống, xí nghiệp cây giống hiện đại, quy mô công nghiệp. Thí điểm tạo điều kiện để các hiệp hội, hội giống đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề về kỹ thuật hạt giống, cây giống, công nghiệp hạt giống.

Nghiên cứu kỹ thuật giám sát, kiểm tra chất lượng hạt giống và cây giống, tính đúng, tính đồng nhất và tính ổn định của giống, đặc biệt hạt giống và cây giống sạch bệnh. Hiện tại lĩnh vực nhân giống và kiểm soát chất lượng hạt giống và cây giống hầu như chưa được quan tâm.

GS Trần Đình Long cho rằng, các viện nghiên cứu cần tận dụng, phối hợp tốt hơn nữa với các doanh nghiệp, hiệp hội trong hoạt động khoa học. Ảnh: TL. 

GS Trần Đình Long cho rằng, các viện nghiên cứu cần tận dụng, phối hợp tốt hơn nữa với các doanh nghiệp, hiệp hội trong hoạt động khoa học. Ảnh: TL. 

Về nguồn lực, ngoài lực lượng cán bộ khoa học hiện đang công tác tại các viện, trung tâm nghiên cứu của nhà nước, cần tận dụng nguồn lực từ các doanh nghiệp KH-CN nông nghiệp. Đặc biệt là phối hợp với nguồn nhân lực của các hội, hiệp hội như Hội Chăn nuôi Việt Nam; Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam; Hội Giống cây trồng Việt Nam; Hội Khoa học đất Việt Nam; Hội KH-KT Bảo vệ thực vật; Hội KH-KT biển; Hội KH-KT Lâm nghiệp Việt Nam; Hội KH-KT Thú y Việt Nam; Hội Làm vườn Việt Nam; Hội Nghề cá Việt Nam…

Để khoa học công nghệ trở thành động lực trực tiếp phát triển kinh tế nông nghiệp, phát huy các thành tựu hiện có, giải quyết các nút thắt, hằng năm, Bộ NN-PTNT nên tổ chức cuộc gặp mặt (diễn đàn) các nhà khoa học nông nghiệp toàn quốc bao gồm cả các nhà khoa học “chân đất”, các nhà khoa học của các hội, hiệp hội, các doanh nghiệp nông nghiệp và các nhà khoa học đang công tác tại các viện, trung tâm, trường đại học… để các nhà khoa học có cơ hội chia sẻ, hiến kế, đóng góp ý kiến xây dựng Việt Nam trở thành một cường quốc về nông nghiệp trong tương lai gần.

Nguồn tin: https%3A%2F%2Fnongnghiep.vn%2Fdoi-moi-tan-goc-he-thong-to-chuc-khoa-hoc-nong-nghiep-d298400.html

+
Gọi lại
Đổi mới tận gốc hệ thống tổ chức khoa học nông nghiệp…
blank
blank

đặt hàng thành công

    Báo giá mới nhất?