Tỉnh Yên Bái hiện có 2.597 doanh nghiệp (DN), tổng vốn đăng ký 29.000 tỷ đồng, trong đó công ty TNHH 1.618 DN, công ty cổ phần 581 DN, công ty tư nhân 352 DN, doanh nghiệp vốn FDI 33 DN…
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều DN bị đình đốn. Tính đến giữa tháng 8/2021, có 418 DN đã ngừng hoạt động, tăng 79% so với năm 2020; 28 DN giải thể, tăng 26% so với năm 2020… Trong khi đó chỉ có 209 DN thành lập mới, tổng số vốn đăng ký 2.726 tỷ đồng. Qua đó đủ thấy bức tranh không mấy sáng sủa của các DN ở tỉnh Yên Bái dưới tác động của dịch bệnh Covid-19.
Thời gian qua, việc tiêu thụ hàng hóa có thế mạnh của tỉnh Yên Bái như gỗ ván ép, chè, tinh bột sắn, sứ cách điện, bột đá, đá Blok… vô cùng khó khăn. Các DN trong lĩnh vực sản xuất xi măng, xây dựng, vận tải… giá các loại vật tư đầu vào như sắt, thép, than, cước phí vận tải tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ. Các DN vận chuyển hành khách giảm 50%, nhiều nước đóng cửa biên giới dẫn tới các sản phẩm xuất khẩu tồn đọng, các DN hoạt động cầm chừng…
Trước tình hình đó, vừa qua, tỉnh Yên Bái tổ chức cuộc gặp mặt các DN với các cơ quan quản lý nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN trước đại dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Quang Khâm, Giám đốc Công ty Chè Bình Thuận cho biết: Từ đầu năm đến nay, công ty mới xuất khẩu được 50 tấn chè đen trên tổng số 400 tấn dự kiến chế biến trong năm nay. Do dịch bệnh nên giá cước vận chuyển tăng cao, nhất là giá tàu biển, hàng hóa xuất khẩu phải chờ đợi nhiều ngày mới có tàu vận chuyển, trong khi đó giá điện, than vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Hiện công ty vẫn phải mua chè tươi cho nông dân, dự kiến năm 2021 thu mua 1.580 tấn chè búp tươi. Vì thế, công ty đề nghị giảm lãi suất ngân hàng, giãn thuế cho DN.
Các DN khai thác, chế biến bột đá và đá Blok đồng loạt cho biết: Giá cước vận tải và tàu biển tăng cao, nên tỉnh Yên Bái cần giãn, hoãn các loại thuế.
Xuất khẩu ván ép và gỗ bóc của các DN tại Yên Bái cũng gặp không ít khó khăn, phần lớn sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng các cửa khẩu biên giới kiểm soát ngặt nghèo. Các bạn hàng từ thị trường lớn như Hàn quốc, Mỹ… do dịch bệnh nên không thể đến Việt Nam, giá cước vận tải tăng cao…đã ảnh hưởng rất lớn tới việc xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Nhằm chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho DN, UBND tỉnh Yên Bái cho biết hiện Trung ương cũng đã có trong việc hỗ trợ người lao động gặp khó khăn trong dịch bệnh Covid-19, miễn giảm lãi suất ngân hàng, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, giảm tiền điện…
Về phía tỉnh Yên Bái, hiện cũng đã ban hành một số chính sách như hỗ trợ thủ tục hành chính, tài chính, tín dụng mặt bằng sản xuất, hỗ trợ phát triển sản xuất chè vùng cao, trồng dâu nuôi tằm, quế hữu cơ, hỗ trợ lãi suất vốn vay đế sản xuất giống lợn an toàn, hỗ trợ đầu tư xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp…, đồng thời đẩy nhanh việc tiêm vacxin cho người dân và các DN.
Với quyết tâm quản lý tốt dịch bệnh, để không có F0 lọt vào địa bàn tỉnh Yên Bái, giữ vững “vùng xanh” để đảm bảo phát triển sản xuất, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái ông Trần Huy Tuấn yêu cầu các sở, ban ngành đồng hành cùng DN, nhanh chóng giải quyết các vướng mắc tháo gỡ khó khăn cho DN một cách nhanh chóng, hiệu quả.