Suy thoái đất là mất tài sản



Ứng dụng

Đăng ngày 15/06/2021


Trả lời Báo Nông nghiệp Việt Nam, GS.TS Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, cần thay đổi cách tiếp cận trong giải quyết vấn đề suy thoái đất.

GS.TS Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT). Ảnh: MP.

GS.TS Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT). Ảnh: MP.

1,3 triệu ha đất đã bị suy thoái

Là nước tham gia Công ước chống sa mạc hóa UNCCD từ năm 1998, ông đánh giá thế nào về nguy cơ sa mạc hóa ở Việt Nam?

Sa mạc hóa không phải là quá trình tự nhiên rõ nét hay điển hình ở Việt Nam. Mặc dù một số vùng đất có “phong cách” của sa mạc, nhưng là sa mạc đẹp, phần lớn là các đụn cát, là một hiện tượng tự nhiên trong thiên nhiên, như ở Mũi Né, tỉnh Bình Thuận, có những đụn cát trắng và đỏ vàng hấp dẫn, với diện tích hơn 3.5.00ha. Cả nước có hơn 400.000ha “sa mạc” do thiên nhiên hình thành từ xưa, ít có sự can thiệp của con người, tạo ra sự đa dạng về cảnh quan và có giá trị về văn hóa, kinh tế, xã hội.

Sa mạc hóa là giai đoạn cuối của suy thoái đất. Suy thoái đất là quá trình diễn biến, chuyển từ đất tốt, đất màu mỡ thành đất xấu, đất bị suy giảm sức sản xuất hoặc không thể canh tác được nữa, trong nhiều trường hợp còn gây ra tình trạng “tỵ nạn môi trường”, di dân đi chỗ khác. Về lâu dài, nếu không được ngăn chặn kịp thời, quá trình suy thoái đất sẽ chuyển thành đất chết, thành sa mạc.

Nguy cơ sa mạc hóa ở Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào cách tiếp cận và hành động của chúng ta trong quản lý, sử dụng đất, nhất là đất canh tác.

Ông có thể chia sẻ rõ hơn về nguy cơ đất canh tác biến thành sa mạc tại nước ta?

Suy thoái đất được phân chia thành bốn mức độ. Đầu tiên là nhóm diện tích đất có nguy cơ suy thoái, khoảng 6,7 triệu ha. Tiếp theo là nhóm diện tích đất có dấu hiệu suy thoái, khoảng 2,4 triệu ha. Thứ ba là nhóm diện tích đất đã bị suy thoái, khoảng 1,3 triệu ha. Cuối cùng là nhóm diện tích sa mạc, hình thành từ nhóm thứ ba, hiện nay có diện tích không đáng kể.

Phát triển trồng cây măng tây tại vùng đất khô khát Ninh Thuận. Ảnh: MH.

Phát triển trồng cây măng tây tại vùng đất khô khát Ninh Thuận. Ảnh: MH.

Canh tác làm đất suy thoái là lạm dụng vốn của tự nhiên

Vậy theo ông, Việt Nam chúng ta cần những giải pháp nào để ngăn chặn việc hình thành sa mạc hóa do suy thoái đất?

Theo tôi, suy thoái đất ở nước ta chủ yếu do quản lý, sử dụng đất chưa hợp lý và do có tác động cộng hưởng của biến đổi khí hậu.

Bất hợp lý bao trùm là trong thời gian dài trước đây, lớp áo dày màu xanh kết bằng thảm thực vật trên bề mặt đất đã bị làm rách, làm mỏng, làm xơ xác ở nhiều nơi, nhất là nơi thượng nguồn, có độ dốc cao, lượng mưa lớn, nơi ven bờ.

Ở một số nơi khác, lớp áo xanh chỉ được tạo ra trong thời gian ngắn, bị dỡ bỏ trước mùa mưa bão hoặc khi chưa đủ thời gian trả lại chất hữu cơ và độ ẩm cho đất, đã bị khai thác, dẫn đến suy thoái đất sau mỗi mùa hoặc chu kỳ thu hoạch.

Việc duy trì không hợp lý thảm thực vật che phủ cùng với tác động của các nhân tố phát sinh dòng chảy, xói mòn, rửa trôi, suy giảm độ phì, khô hạn, nắng nóng, xâm nhập mặn, thiếu hụt mực nước ngầm trong thiên nhiên nhiệt đới, đã đẩy nhanh quá trình suy thoái đất. Đúng như Karl Marx đã từng nói, không có đất xấu, chỉ có canh tác của con người làm cho đất xấu đi.

Từ đó, giải pháp có hiệu quả, tiết kiệm nhất để ngăn chặn sa mạc hóa là thực hiện phương châm sử dụng đất gần với tự nhiên và thân thiện với môi trường. Công thức phổ quát là sử dụng đất có hiệu quả kinh tế cao gắn với bồi bổ đất.

Giải pháp căn cơ, chiến lược là duy trì và thiết lập không gian xanh ở mọi nơi, mọi chỗ, trong đó rừng cây có vai trò chủ lực, nhất là rừng tự nhiên và rừng trồng hỗn giao, chu kỳ dài. Phát triển nền nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu. Canh tác hữu cơ là canh tác bảo vệ đất và con người, giúp tạo ra lợi ích kép, cho sản phẩm kinh tế an toàn, mặt khác bồi bổ độ phì tự nhiên của đất.

Cần đánh giá, phân loại mức độ nguy cơ suy thoái và khả năng phục hồi của đất, từ đó có các giải pháp ngắn và dài hạn phù hợp. Giải pháp áp dụng có hiệu quả nhất trên thế giới cũng như ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là duy trì hợp lý lớp phủ thảm thực vật.

Canh tác ở đây chính là tăng độ phì của đất, tăng màu xanh của thảm thực vật. Phục hồi đất không chỉ là phục hồi một tài nguyên, một tư liệu sản xuất quan trọng mà còn là bồi bổ một tài sản quí giá, là gìn giữ, bảo vệ nơi ở của chúng ta.  

Xanh hóa mặt đất và giữ nước trong đất đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sa mạc hóa tại Việt Nam. Ảnh: VĐ.

Xanh hóa mặt đất và giữ nước trong đất đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sa mạc hóa tại Việt Nam. Ảnh: .

Như ông đã chia sẻ, mấu chốt vấn đề nằm ở việc làm cho đất có được sự sống, sự màu mỡ cao nhất chính là giải pháp ngăn chặn sa mạc hóa có hiệu quả?

Đúng vậy. Độ màu mỡ của đất hay nói nôm na, đất “gày”, đất “béo” là chỉ thị của đất sống. Điều quan trọng là giữ nước trong đất và giữ đất tại chỗ. Đất ẩm và không bị xói mòn hay sạt lở, là đất tốt.

Rừng chính là hồ chứa nước ngọt lớn nhất thế giới. Theo tính toán, lượng nước chứa trong 1.000ha đất rừng tương đương với lượng nước ngọt của một hồ có dung tích tối thiểu 1 triệu mét khối. Chúng ta thấy mực nước ở sông suối vẫn được duy trì trong mùa khô là do nước từ đất rừng được “nhả” ra. Việc điều tiết nước sẽ ngăn được khô hạn và xâm nhập mặn, tức là ngăn được suy thoái đất ở vùng hạ lưu.

“Giá trị cốt lõi của đất canh tác nằm ở độ phì nhiêu bên trong nó và biểu hiện ra ngoài thành màu xanh của sự sống. Khi màu xanh không còn, không canh tác được nữa, là lúc giá trị này bị triệt tiêu. Canh tác làm suy thoái đất, cũng tức là đánh mất tài sản, là phạm vào điều kỵ của phát triển bền vững”.

(GS.TS. Phạm Văn Điển)

Một giải pháp nữa là cần gắn quản lý nhà nước về đất đai với quản lý nhà nước về canh tác. Quy hoạch đất đai và quy hoạch thổ nhưỡng hợp lý cũng tức là thực hiện “tấc đất, tấc vàng” và bồi bổ đất, để đất không bị mất giá trị hay thành nơi gây ra rủi ro, hiểm họa cho con người.

Cần quan tâm đến dự báo nguy cơ, xu hướng của biến đổi khí hậu cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu về suy thoái, phục hồi đất để chọn giải pháp canh tác, quản lí, sử dụng đất phù hợp.

Vậy theo ông, giải pháp áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong lâm nghiệp để ngăn chặn suy thoái, sa mạc hóa và nâng cao hiệu quả kinh tế trên các vùng đất có phong cách sa mạc thì sao?

Quản lý, sử sụng đất, phòng chống suy thoái hay phục hồi đất là tổng thể các hoạt động. Mỗi khâu, mỗi công đoạn đều cần được áp dụng tiến bộ kỹ thuật và chúng ta ngày càng làm chủ tốt hơn những công nghệ này.

Đơn cử trong lĩnh vực lâm nghiệp đã có khoảng 250 giống cây trồng được công nhận, trong đó có 65 giống đang được sử dụng phổ biến. Đưa giống tốt vào sản xuất sẽ giải được bài toán đất nào, điều kiện nào thì cây ấy, giống ấy. Giải được bài toán năng suất, sản lượng mà không phá đất, không gây hại đến môi trường.

Hiện ngành lâm nghiệp đã xây dựng được gần 300 tiêu chuẩn kỹ thuật, đặc biệt công nghệ viễn thám, dự báo có sự phát triển vượt bậc giúp theo dõi kịp thời, có hiệu quả sự suy thoái và phục hồi của đất lâm nghiệp. Hệ thống này hiện nay có thể soi rõ nét mặt đất tới 0,6m, nên hoàn toàn có thể nhận biết được đặc điểm chi tiết của từng khoảnh đất, khoảnh rừng ở cấp độ vi mô.

Nói tóm lại, tiến bộ kỹ thuật đang giúp chúng ta thay đổi cách tiếp cận trong việc giải quyết vấn đề suy thoái đất. Nếu sử dụng đất mà làm đất bị xấu đi, chính là đánh mất tài sản, là lạm dụng vốn của tự nhiên. Bảo vệ đất, phòng chống suy thoái đất là bảo vệ nền kinh tế xanh lâu dài, bền vững và thịnh vượng của chúng ta.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn tin: https%3A%2F%2Fnongnghiep.vn%2Fsuy-thoai-dat-la-mat-tai-san-d293978.html

+
Gọi lại
Suy thoái đất là mất tài sản
blank
blank

đặt hàng thành công

    Báo giá mới nhất?