Đặc điểm
Cây cao su có tên khoa học là Hévéa brasiliensis thuộc họ Euphorbiaceae (họ Thầu dầu).
Đặc điểm sinh trưởng và phát triển: Chu kỳ sống của cây cao su được giới hạn: 30 – 40 năm, được chia ra làm 2 thời kỳ: Thời kỳ kiến thiết cơ bản: Thường là 5 – 7 năm tùy theo điều kiện sinh thái và chế độ chăm sóc. Cuối thời gian này cây có chiều cao từ 8 – 10 m, vanh thân ở vị trí cách đất 1 m khoảng 50 cm và tán cây đã che phủ hầu như toàn bộ diện tích. Thời kỳ kinh doanh: Từ 25 – 30 năm từ lúc bắt đầu cạo mủ cho đến khi đốn hạ cây. Trong thời kỳ kinh doanh cây vẫn tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ chậm hơn so với thời kỳ kiến thiết cơ bản.
Việt Nam hiện có hơn 900.000 ngàn ha cao su tập trung chủ yếu ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, trồng trên 2 nhóm đất là đất đỏ, đất xám và theo 2 mô hình đại điền và tiểu điền (cao su đại điền là cao su có quy mô diện tích lớn, tập trung chủ yếu ở các công ty, các doanh nghiệp, các nông lâm trường… có diện tích vài trăm đến vài chục ngàn ha. Cao su tiểu điền là cao su có quy mô diện tích nhỏ, phân tán từ một đến vài chục ha, được trồng chủ yếu bởi các hộ nông dân).
Cao su đại điền được trồng và chăm sóc, bón phân theo qui trình của Tập đoàn Cao su Việt Nam, còn diện tích cao su tiểu điền thì bón phân theo khuyến cáo của các Trung tâm Khuyến nông hoặc các doanh nghiệp sản xuất phân bón chuyên dùng cho cao su.
Hiện nay không chỉ ở vùng quen thuộc, nắng nóng quanh năm là Đông Nam Bộ và Tây Nguyên mà các tỉnh Bắc Trung Bộ và các tỉnh miền núi phía Bắc có một mùa đông lạnh, cây cao su cũng đang được chú ý thử nghiệm, phát triển và mở rộng diện tích.
Thời vụ trồng và cơ cấu cây trồng
Thời vụ trồng: Khi đất đủ ẩm thì có thể bắt đầu trồng và trồng vào những ngày thời tiết thuận lợi. Thời vụ trồng ở Tây Nguyên từ 1/5 – 15/7, ở Đông Nam bộ nên trồng từ 1/6 – 31/7. Mật độ trồng: Tùy theo từng loại đất, địa hình mà bố trí các mật độ cây trồng cho phù hợp. Thông thường áp dụng 3 mật độ chính: 476; 555 và 571 cây/ha với khoảng cách tương ứng: 7 x 3 m; 6 x 3 m và 7 x 2,5 m. Xen canh: Có thể trồng xen cây hoa màu, cây lương thực (như ngô) cây họ đậu giữa hàng cao su trong 3 năm đầu, để tận dụng đất và tăng thu nhập, kết hợp chống xói mòn và diệt cỏ dại. Chọn cây trồng xen thích hợp sao cho không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng phát triển của cây cao su.
Bón phân
Mật độ trồng cao su trên đất đỏ có thể 555 cây/ha (hoặc 476 hoặc 571 cây/ha), còn trên đất xám 555 cây/ha. Đối với diện tích trồng mới, phân hữu cơ: 4.000 – 5.000 kg/ha. NPK -S*M1 5.10.3-8 Lâm Thao: 480 – 600 kg/ha (hoặc lân nung chảy: 800 – 1.000 kg + Urê: 80 – 100 kg/ha). Giai đoạn kiến thiết cơ bản và thời kỳ kinh doanh, từ năm thứ 1 đến năm thứ 5: Đầu mùa mưa: Bón NPK -S*M1 10.5.5-9 Lâm Thao: 500 – 600 kg/ha. Cuối mùa mưa: Bón NPK -S*M1 10.5.5-9 Lâm Thao: 500 – 600 kg/ha. Cách bón: Rạch đất theo tán lá cây, rải đều phân rồi lấp đất.
Từ năm thứ 6 đến năm thứ 10: Đầu mùa mưa: Bón NPK -S*M1 10.5.5-9 Lâm Thao: 700 – 900 kg/ha. Cuối mùa mưa: Bón NPK-S*M1 10.5.5-9 Lâm Thao: 600 – 800 kg/ha. Cách bón: Bón theo băng rộng cách gốc cao su 1m, sau khi làm sạch cỏ, xới sâu 5 – 8 cm, rải đều phân rồi lấp đất.
Từ năm thứ 11 đến năm thứ 25: Đầu mùa mưa: Bón NPK- S*M1 10.5.5-9 Lâm Thao: 1.000 – 1.200 kg/ha. Cuối mùa mưa: Bón NPK- S*M1 10.5.5-9 Lâm Thao: 800 – 1.000 kg/ha. Cách bón: Bón theo băng rộng cách gốc cao su 1,5 m, sau khi làm sạch cỏ, xới sâu 7 – 10 cm, rải đều phân rồi lấp đất.
Chúc các doanh nghiệp cùng bà con trồng cao su đại điền và tiểu điền đạt năng suất mủ cao khi sử dụng phân bón đúng cách.
Những yêu cầu, điều kiện để trồng thắng lợi cây cao su
Theo thống kê, ở nước ta diện tích cao su tiểu điền còn chiếm tỷ lệ khá lớn, khoảng 53% với hơn 265.000 hộ gia đình. Ở đó người dân trồng, chăm sóc và thu hoạch cao su theo quy trình, kỹ thuật không đồng nhất nên năng suất thường kém, chất lượng không ổn định, giá bán thấp. Muốn thành công với cây trồng này bà con phải tìm hiểu các yếu tố sinh lý của nó.
Nhiệt độ: Cao su vốn là cây ưa nắng nóng, mưa ẩm nên phát triển tốt ở vùng nhiệt đới có nhiệt độ trung bình 22-30 độ C (Nhiệt độ thích hợp là 26-28 độ C). Nhiệt độ thấp sẽ ảnh hưởng đến quá trình khai thác mủ và sinh trưởng của cây nhưng trên 30 độ C mủ nhanh đông hoặc có thể đông ngay trên miệng cạo và gây ra hiện tượng khô mủ. Nhiệt độ dưới 18 độ C tốc độ sinh trưởng của cây chậm lại còn rét dưới 5 độ C cây bị nứt vỏ, chảy mủ hàng loạt, đỉnh sinh trưởng bị khô, cây chết. Mưa và ẩm độ: Cây cao su cần nhiều nước, đòi hỏi phải có lượng nước mưa hàng năm cao và đều từ 1.500 – 2.000 mm.
Về độ ẩm không khí, cây cao su yêu cầu cao tối thiểu từ 75% trở lên. Về gió: Cây cao su ưa lặng gió. Nếu có gió mạnh sẽ làm cho lượng bốc hơi của lá, trong mủ tăng lên, cành thân giòn dễ gãy, sản lượng mủ thấp. Ánh sáng: Cây cao su cần đầy đủ ánh sáng, song vẫn có khả năng chịu được bóng râm. Cường độ chiếu sáng thích hợp cho cây cao su là 28.000 lux. Nếu thời gian chiếu sáng khác nhau thì sự sinh trưởng của cây cũng khác nhau. Đất đai và địa hình: Đất trồng cây cao su có độ dốc dưới 30°. Do rễ trụ ăn sâu nên đòi hỏi đất phải sâu, mực nước ngầm sâu >1m. Thành phần cơ giới từ trung bình đến nhẹ.- Đất tơi xốp, thoát nước tốt. Hàm lượng hữu cơ trong đất >2,5% rất thích hợp cho cao su. Vùng đất đỏ: Hàm lượng hữu cơ cao khoảng 2,6%. Vùng đất xám; nghèo hữu cơ (khoảng 1%), do đó khi trồng cao su trên đất xám cần bón nhiều phân hữu cơ pH thích hợp là 4,5-5,5.
Lưu ý, với điều kiện cụ thể của từng vùng thì việc chăm sóc, bón phân cũng cần linh hoạt theo hàm lượng dinh dưỡng trong đất và theo các thời kỳ sinh trưởng của cây cao su. Năng suất mủ cũng như tuổi thọ của cây cao su phụ thuộc vào khả năng sinh trưởng của cây thời kỳ kiến thiết cơ bản, tức dao động trong 6-8 năm đầu tiên.
Ở giai đoạn này, cây cần các dinh dưỡng chính như đạm, lân, kali nhiều hơn cả để ra cành, trổ lá, phát triển rễ, thân. Tuy nhiên cũng như nhiều loại cây trồng thời kỳ kiến thiết cơ bản, này cao su vẫn cần các chất trung và vi lượng nhất là khi được trồng trên loại đất xám bạc màu hay đất có độ dốc cao, chất dinh dưỡng, mùn bã thường bị nước mưa rửa trôi, xói mòn.