Ngày nay, các loại hóa chất dùng để keo tụ, lắng cặn được sử dụng khá phổ biến trong việc xử lý nước thải. Trong đó được sử dụng nhiều nhất là hóa chất PAC, hóa chất Polytetsu, kế đến là Polymer Cation và Polymer Anion.
Polymer không chỉ có tác dụng làm keo tụ mà còn được ứng dụng trong quá trình ép bùn vì Polymer giúp bùn kết dính nhanh và cô đặc hơn. Ngoài ra trong quá trình tuyển nổi Polymer cũng được sử dụng để gắn kết các chất thải, kết hợp với tác dụng của dòng khí cấp vào, chất thải sau khi kết dính sẽ nổi lên trên, giúp quá trình xử lý nước thải đạt hiệu quả cao.
Tổng quan về Polymer Cation
Polymer Cation có công thức hóa học là (C3H5ON)n.
Về tính chất vật lý, Polymer Cation có hàm lượng ion dao động từ 20% đến 30%, tỷ trọng trên 0.63 g/cm3, trọng lượng phân tử khoảng 8 – 10 triệu, hoà tan ≤ 60 phút, chất không tan trong nước: ≤ 0.1%. Độ pH của Polymer Cation: 3 – 10, độ nhớt (0.1% dung dịch ở 20oC) cps 100-150.
Trạng thái: dạng hạt màu trắng, không mùi, hút ẩm mạnh.
Ứng dụng: Polymer Cation là hóa chất điển hình trong quá trình hóa lý, gồm keo tụ, kết tủa, lắng cặn nên được ứng dụng rộng rãi trong xử lý nước thải từ nhiều ngành công nghiệp như sản xuất giấy, chế biến và chăn nuôi thủy sản, dệt nhuộm,…. Bên cạnh đó, Polymer Cation còn được ưa chuộng trong việc loại bỏ bùn qua máy ép bùn và tách rắn, lỏng do có đặc tính hút nước và tăng tính cô đặc của bùn.
Tổng quan về Polymer Anion
Polymer Anion có công thức hóa học là CONH2[CH2-CH-]n.
Về tính chất vật lý, Polymer Anion có trọng lượng phân tử từ 5 đến 24.000.000, hút ẩm mạnh, gặp nước sẽ trương nở to ra. Trạng thái: dạng bột màu trắng đục.
Quy cách và xuất xứ sản phẩm:
Quy cách đóng gói: 25kg/bao
Xuất xứ: Anh
Cách dùng Polymer Anion và Polymer Cation
Khi cho Polymer Anion vào nước, các hạt keo sẽ bị phá vỡ đồng thời kết dính với nhau tạo thành các bông cặn sau đó lắng xuống, giúp dễ dàng loại bỏ. Chính vì công dụng này, Polymer Anion được ứng dụng phổ biến trong xử lý nước thải và nước sinh hoạt, ngoài ra còn là chất phụ gia và chất bám dính trong sản xuất thức ăn thủy sản.
Nước mặt: Khuyên dùng Polymer Anion vì trong nước mặt có nhiều ion dương (Fe, Mn,…)
Nước thải công nghiệp: Kết hợp Polymer Anion và các chất keo tụ khác như PAC hoặc Polytetsu để đạt hiệu quả xử lý cao hơn.
Nước thải đô thị: Sử dụng kết hợp Polymer keo tụ vô cơ với Polymer Anion
Làm khô bùn sau xử lý: Bùn vô cơ cần hóa chất kết bông Polymer Anion, ngược lại bùn hữu cơ xử lý bằng Polymer Cation.
Lưu ý: Chỉ sử dụng lượng rất nhỏ polymer (cỡ phần nghìn) khi xử lý nước vì nếu dùng quá nhiều, nước sẽ trở nên rất nhớt, gây khó khăn cho các công đoạn xử lý tiếp theo, hơn nữa lượng Polymer dư trong nước sẽ làm tăng COD. Vì vậy cần cân chỉnh liều lượng polymer phù hợp với từng loại nước thải cần xử lý, tránh trường hợp quá tải gây cản trở cho quá trình xử lý nước.