Huyện nghèo của Hà Nội thực tâm muốn thoát nghèo



Ứng dụng

Đăng ngày 23/06/2020


Chưa bao giờ tôi thấy một đề án phát triển sản xuất nông nghiệp của một huyện lại được xây dựng bài bản như thế.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Dương Đình Tường.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhất là đề án đó được Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội góp ý trực tiếp tại một cuộc hội nghị tổ chức rất quy mô và cầu thị…

Bộn bề gian khó

Ứng Hoà là huyện vùng trũng cả theo nghĩa đen về địa lý lẫn nghĩa bóng về kinh tế-xã hội khi được xếp vào loại top về nghèo của Hà Nội.

Bấy lâu nay, địa phương nằm trong hành lang bảo vệ nông nghiệp của thành phố này dường như đã “ngủ quên” trên chính tiềm năng lớn nhất của mình đó là có tới 12.730 ha đất nông nghiệp.

Dù Ứng Hòa trong 5 năm qua đã có một số vận động trong kinh tế nông nghiệp có thể kể đến như: Chuyển đổi được 1.017 ha đất lúa trũng kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, kết hợp chăn nuôi. Hình thành được 233 trang trại trong đó có 144 trang trại chăn nuôi, 57 trang trại thủy sản và 30 trang trại tổng hợp và 2 trang trại trồng trọt, giá trị thu nhập bình quân đạt 3,91 tỷ đồng.

Xây dựng được vùng sản xuất lúa Nhật J02 năng suất, chất lượng cao có diện tích lớn nhất miền Bắc với quy mô trên 3.400ha ở vụ xuân.

Từng bước hình thành và phát triển vùng cây ăn quả tập trung tại các xã ven Đáy, vùng chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư tại các xã như Vạn Thái, Tảo Dương Văn, Sơn Công…, vùng thủy sản kết hợp chăn nuôi tại các xã như Trung Tú, Đồng Tân, Hoà Lâm, Trầm Lộng, Minh Đức…

Tuy nhiên, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác của huyện vẫn còn rất khiêm tốn, năm 2020 ước mới đạt 220 triệu đồng/ha/năm, thấp hơn so với mặt bằng chung của thành phố.

Nguyên nhân là do diện tích sản xuất chuyên lúa của Ứng Hòa còn cao trong tổng diện tích đất nông nghiệp. Thời gian qua hiệu quả của sản xuất lúa thấp do nhân công, vật tư đầu vào tăng cao, rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, giá cả khiến có vụ dân đã bỏ không khoảng 700 ha.

Quy mô sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, chủ yếu là các hộ gia đình nên việc áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm còn hạn chế, khó đưa cơ giới hóa đồng bộ vào để giảm giá thành.

Sản xuất mới chỉ tập trung vào các sản phẩm thô, thiếu liên kết theo chuỗi giá trị bền vững nên giá bán bấp bênh, đầu ra bó hẹp.

Số lượng các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn ít trong khi các HTX nông nghiệp trên địa bàn vẫn chủ yếu là “bình mới, rượu cũ” hoạt động chưa hiệu quả, chưa thực hiện được vai trò hỗ trợ hoạt động sản xuất của nông hộ và liên kết trong tổ chức sản xuất.

Thêm vào đó là tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp diễn ra ngày càng tăng do nguồn nước của hai con sông Nhuệ, Đáy kém chất lượng.  

Ban chủ tọa hội nghị. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ban chủ tọa hội nghị. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trong đề án phát triển nông nghiệp giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 huyện đặt mục tiêu cụ thể là tăng trưởng giá trị nông nghiệp bình quân trên 4,26%/năm, đến năm 2025 đạt trên 283 triệu đồng/ha chuyển đổi tiếp hơn 1.000 ha cấy lúa kém hiệu quả, giảm giá trị lĩnh vực trồng trọt xuống còn 20,4% và tăng giá trị chăn nuôi và thủy sản lên 79,6%…

Một giải pháp tổng thể được Ứng Hòa đề ra gồm tập trung rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch; Đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi, đê điều; Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm và xúc tiến thương mại…

Đặc biệt là phải thực hiện việc tích tụ ruộng đất bằng cách khuyến khích người dân có đất nhưng không còn khả năng lao động ký hợp đồng cho thuê hoặc góp đất với các HTX, doanh nghiệp có vốn, có công nghệ với thời hạn hợp đồng đủ dài để họ yên tâm sản xuất.

Tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, các HTX thực hiện hoặc liên kết với nhau theo chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, sản xuất theo hướng an toàn, áp dụng VietGAP trên diện rộng và một phần theo hướng hữu cơ. Xây dựng, thiết kế phần mềm quản lý dữ liệu sản xuất nông nghiệp để phục vụ công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng mã QR.

Từng cấp chính quyền, từng cơ quan đều nhập cuộc

Tổng kinh phí thực hiện cho đề án trên dự kiến khoảng 171,9 tỷ đồng trong đó huyện đề nghị thành phố hỗ trợ 111,9 tỷ đồng còn ngân sách tự bỏ ra 60 tỷ đồng. Ngoài ra còn huy động nguồn lực từ các nguồn vốn như lồng ghép với các chương trình mục tiêu và xã hội hóa.

Về tổ chức thực hiện, Phòng Kinh tế sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan, UBND các xã, thị trấn tham mưu tổ chức thực hiện theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch trong nông nghiệp; Xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện theo từng nhóm sản phẩm chủ lực; Tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn. Kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp tình hình triển khai thực hiện đề án của UBND các xã, thị trấn, các đơn vị liên quan định kỳ 6 tháng, hàng năm sơ kết, tổng kết báo cáo UBND huyện chỉ đạo.

Sản phẩm dưa lưới của anh Bùi Văn Chung ở xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sản phẩm dưa lưới của anh Bùi Văn Chung ở xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Phòng Tài chính – Kế hoạch, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Quản lý đô thị phối hợp về nhân lực, nguồn lực để cùng thực hiện. UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện đề án trên địa bàn phù hợp với đề án chung của huyện và thực tiễn địa phương đồng thời chỉ đạo, giao kế hoạch cụ thể cho các tổ chức thực hiện. Đánh giá kết quả thực hiện, đề xuất danh mục sản phẩm chủ lực phù hợp với từng xã để tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).  

Phát hiện, đánh giá các mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, đề xuất chính sách hỗ trợ để nhân rộng đối với các mô hình hiệu quả. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước của địa phương về nông nghiệp, nông thôn; Tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản, phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất và đầu tư, phát triển các sản phẩm có thế mạnh của từng địa phương.

Ứng Hòa quyết tâm xây dựng 3 chuỗi sản xuất hàng hóa từ đầu vào đến đầu ra gồm thủy sản, lợn và gạo với đích đến cuối cùng là giá trị kinh tế, là an toàn thực phẩm chứ không phải là năng suất, sản lượng. Huyện cũng đề nghị các sở, ngành tham mưu UBND thành phố Hà Nội hỗ trợ trong giải quyết vấn đề nguồn nước để phát triển nông sản sạch, nuôi trồng thủy sản.



Nguồn tin: https%3A%2F%2Fnongnghiep.vn%2Fhuyen-ngheo-cua-ha-noi-thuc-tam-muon-thoat-ngheo-d265639.html

+
Gọi lại
Huyện nghèo của Hà Nội thực tâm muốn thoát nghèo
blank
blank

đặt hàng thành công

    Báo giá mới nhất?