Hoạt động sản xuất tại các nhà máy châu Á vẫn ảm đạm



Tin thị trường

Đăng ngày 01/06/2020

Chỉ số PMI của Nhật Bản và Hàn Quốc tháng 5 giảm mạnh nhất 10 năm, do thương mại toàn cầu ngày càng đi xuống vì Covid-19.

Caixin/Markit sáng nay (1/6) công bố Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc đạt 50,7 điểm tháng 5 – cao nhất từ đầu năm do các công ty mở cửa trở lại sau thời kỳ phong tỏa. Tuy nhiên, tình hình sản xuất tại nhiều đối tác thương mại của Trung Quốc vẫn ảm đạm, với các đơn hàng xuất khẩu mới tiếp tục giảm.

PMI của Nhật Bản giảm mạnh nhất kể từ năm 2009, từ 41,9 trong tháng 4 xuống 38,4 trong tháng 5. Hàn Quốc cũng có mức giảm tương tự. Theo khảo sát của IHS Markit, PMI nước này chỉ còn 41,3 trong tháng 5 – thấp nhất kể từ tháng 1/2009 và thấp hơn so với mức 41,6 hồi tháng 4. Dữ liệu chính thức của nước này cũng cho thấy tháng vừa qua đánh dấu 3 tháng liên tiếp xuất khẩu giảm mạnh.

Công nhân đeo khẩu trang làm việc trong nhà máy Mitsubishi Fuso Truck and Bus tại Kawasaki, Nhật Bản ngày 18/3/2020. Ảnh: Reuters

Công nhân đeo khẩu trang trong nhà máy Mitsubishi Fuso Truck and Bus tại Kawasaki, Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Tương tự, hoạt động của nhà máy tại Ấn Độ cũng giảm mạnh tháng trước, tiếp nối mức giảm hồi tháng 4 khi nước này ra lệnh phong tỏa. Capital Economics nhận xét hoạt động sản xuất của khu vực châu Á đang suy thoái sâu.

“Ngành sản xuất chứng kiến một vài bước cải thiện ban đầu nhờ chính sách nới lỏng hạn chế. Mọi thứ có thể sẽ tiếp tục cải thiện dần trong những tháng tới, khi nhu cầu bên ngoài phục hồi”, báo cáo của Capital Economics viết, “Tuy nhiên, sản lượng vẫn có khả năng thấp hơn mức bình thường trong nhiều tháng tới vì nhu cầu trong nước và toàn cầu vẫn giảm mạnh”.

Hoạt động sản xuất của Đài Loan cũng giảm trong tháng 5. Trong khi đó, PMI của Việt Nam, Malaysia và Philippines nhích lên từ tháng 4/2020, dù vẫn dưới mốc 50 – cho thấy sản xuất đang thu hẹp.

Khủng hoảng kinh tế châu Á có thể sẽ lặp lại ở các nơi khác trên thế giới, bao gồm cả châu Âu – nơi các nền kinh tế tiếp tục chịu thiệt hại lớn trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Nhiều quốc gia đang nới lỏng hạn chế và các thị trường chứng khoán đang hy vọng nhanh chóng tìm lại đà tăng.

Tuy nhiên, hoạt động kinh tế toàn cầu vẫn đang giảm mạnh và sự phục hồi có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn dự đoán khi đại dịch vẫn lan rộng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tháng trước đã cảnh báo kinh tế toàn cầu sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến để phục hồi hoàn toàn sau cú sốc Covid-19. Căng thẳng Mỹ-Trung quanh vấn đề Hong Kong và việc xử lý đại dịch của Bắc Kinh có thể ảnh hưởng tâm lý kinh doanh và gia tăng căng thẳng cho kinh tế toàn cầu.

Phiên An (theo Reuters)

Nguồn tin: https%3A%2F%2Fvnexpress.net%2Fhoat-dong-san-xuat-tai-cac-nha-may-chau-a-van-am-dam-4108638.html

+
Gọi lại
Hoạt động sản xuất tại các nhà máy châu Á vẫn ảm đạm…
blank
blank

đặt hàng thành công

    Báo giá mới nhất?