Jack Ma giúp Trung Quốc lấy lại hình ảnh sau đại dịch



Tin thị trường

Đăng ngày 09/04/2020

Người giàu nhất Trung Quốc Jack Ma tích cực làm từ thiện, phần nào giúp nước này cải thiện hình ảnh trên thế giới khi đại dịch lan ra toàn cầu.

Cách đây vài ngày, Thống đốc New York Andrew Cuomo gửi lời cảm ơn đến nhà sáng lập Alibaba Jack Ma, cũng như đồng sáng lập Joe Tsai và chính phủ Trung Quốc, vì đã chuyển 1.000 máy trợ thở đến bang này. Khi được hỏi về việc này, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Jack Ma là “một người bạn của tôi” và “chúng tôi đánh giá cao việc này”. Trước đó, Trump còn cáo buộc Bắc Kinh che giấu thông tin về đại dịch.

Đến nay, Jack Ma đã đóng góp ít nhất 18 triệu khẩu trang, kit xét nghiệm và các vật tư khác cho hơn 100 quốc gia trên toàn cầu, từ châu Phi, châu Âu đến Mỹ, Nga. Các hành động này đã giúp gây dựng sự thiện chí cho chính phủ Trung Quốc.

Bloomberg cho biết những người giàu có phương Tây, như Bill Gates, khi làm từ thiện quy mô lớn thường nhận được lời khen ngợi từ các chính trị gia. Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc lại có cái nhìn khắt khe và đề phòng hơn với các tỷ phú.

Tỷ phú Trung Quốc Jack Ma trong một sự kiện. Ảnh: Bloomberg

Tỷ phú Trung Quốc Jack Ma trong một sự kiện. Ảnh: Bloomberg

“Suốt thời gian qua, Trung Quốc dựa vào các chính sách tuyên truyền và khoản đầu tư ra nước ngoài khổng lồ để quảng bá quyền lực mềm”, Zhiqun Zhu – trưởng khoa quan hệ quốc tế tại Đại học Bucknell cho biết, “Giờ họ đã có cách tiếp cận mới là thông qua hoạt động từ thiện của tỷ phú. Dĩ nhiên, với các doanh nghiệp, đây cũng là cơ hội PR nữa”.

Jack Ma tham gia Twitter ngày 16/3 – ngay khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tăng lên vì cuộc tranh cãi bên nào chịu trách nhiệm về dịch bệnh. Bắc Kinh khi đó chịu chỉ trích vì đã phớt lờ lời cảnh báo sớm của các bác sĩ nước này. Trong dòng tweet đầu tiên, Jack Ma đã thông báo về các chuyến hàng cứu trợ của ông và “chúc những người bạn Mỹ những điều tốt đẹp nhất”.

Kể từ đó, tỷ phú này liên tiếp kêu gọi thế giới đoàn kết để chống lại đại dịch. Ông cũng bác bỏ những tin đồn rằng hàng hóa cứu trợ của mình bị một số bên từ chối và lên tiếng bảo vệ chất lượng của các thiết bị y tế. “Làm từ thiện không phải để được khen ngợi hay thừa nhận. Và chúng tôi không e sợ những lời chỉ trích hay buộc tội đâu”, ông viết trên trang cá nhân.

Nhiều tỷ phú công nghệ Trung Quốc khác cũng có động thái tương tự. Đồng sáng lập Xiaomi Lei Jun đã cam kết hỗ trợ Ấn Độ – nơi đóng góp doanh thu lớn cho hãng này. The Globe and Mail cũng đưa tin Huawei Technologies – sáng lập bởi tỷ phú Nhậm Chính Phi – gửi hơn 1 triệu khẩu trang đến Canada. Đây là nơi con gái ông – Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ từ năm 2018.

Xiaomi cho biết công ty này đã gửi thiết bị y tế đến 15 quốc gia và tiếp tục nói về hoạt động của họ tại Ấn Độ. Còn Huawei thông báo trong email rằng sẽ làm “mọi việc có thể” để hỗ trợ các chính phủ và cộng đồng sau khi chăm sóc tốt nhân viên của mình. Họ khẳng định những nỗ lực này “không phải là lựa chọn cá nhân của các lãnh đạo”.

Joseph Nye – Giáo sư Đại học Harvard thì khẳng định: “Các doanh nhân nổi tiếng của Trung Quốc sẽ không làm điều này nếu không có sự cho phép của giới chức”. Ông cũng là người đưa ra khái niệm quyền lực mềm hồi thập niên 80.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng khen ngợi nỗ lực từ thiện của Jack Ma khi gửi khẩu trang, kit xét nghiệm và các vật tư khác đến châu Phi. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang hôm 23/3 cho biết Trung Quốc sẽ “tiếp tục hợp tác và khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức tư nhân tích cực hỗ trợ các nước châu Phi”.

Duncan Clark – tác giả cuốn sách “Alibaba – Ngôi nhà Jack Ma đã gây dựng” nhận xét: “Jack Ma đã gây dựng vị thế đúng đắn để vừa đánh bại các đối thủ, nhưng không khiến chính phủ tức giận. Ông ấy giỏi hơn chính phủ trong việc gây dựng quyền lực mềm”.

Trong thời gian ở Alibaba, Jack Ma đã thường xuyên gặp gỡ lãnh đạo các nước. Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đắc cử năm 2016, Jack Ma cũng gặp trực tiếp Trump và cam kết tạo ra một triệu việc làm tại Mỹ thông qua kết nối doanh nghiệp nhỏ nước này với người mua Trung Quốc.

Jack Ma cũng là người ủng hộ mạnh mẽ các chính sách của ông Tập vài năm gần đây. Tỷ phú từng đề xuất chính phủ dùng dữ liệu lớn để ngăn chặn tội phạm và ủng hộ chính sách xây dựng mạng lưới giám sát online.

Trong một bài phát biểu tháng 9/2018, Jack Ma phủ nhận việc bị giới chức buộc rời khỏi Alibaba. “Không ai có thể làm điều này”, ông khẳng định. Tỷ phú cho biết đã lên kế hoạch rời đi từ 10 năm trước và muốn chuyển giao doanh nghiệp cho những người có năng lực, thay vì tạo ra một công ty gia đình.

Steve Tsang – Giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học SOAS London thì cho rằng việc làm từ thiện của các tỷ phú Trung Quốc nằm trong kế hoạch của chính phủ nước này. “Dù không thể biết được động lực thực sự của các tỷ phú như Jack Ma, việc này khó tách rời các nguyên nhân như hỗ trợ chính sách ngoại giao của Trung Quốc và tạo dựng quan hệ với chính phủ”, ông nói.

Hà Thu (theo Bloomberg)

Nguồn tin: https%3A%2F%2Fvnexpress.net%2Fjack-ma-giup-trung-quoc-lay-lai-hinh-anh-sau-dai-dich-4082234.html

+
Gọi lại
Jack Ma giúp Trung Quốc lấy lại hình ảnh sau đại dịch
blank
blank

đặt hàng thành công

    Báo giá mới nhất?