Mặt bằng bán lẻ mới đổ về vùng ven



Tin thị trường

Đăng ngày 18/09/2019

TP HCMCác trung tâm bán lẻ mới bùng nổ ở ngoại ô phía Đông khi quỹ đất trung tâm khan hiếm.

Cushman & Wakefield vừa công bố kết quả khảo sát về sự dịch chuyển nguồn cung mặt bằng bán lẻ mới ra khu vực ngoài trung tâm tại TP HCM giai đoạn 2014-2019. Khi quỹ đất trung tâm không còn nhiều, xu hướng phát triển các đại trung tâm mua sắm phức hợp ở ngoại thành đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ.

Sự bùng nổ nguồn cung mặt bằng bán lẻ trong chu kỳ này diễn ra theo xu hướng quy mô của các dự án khu thương mại, mua sắm mới ở vùng ven, nằm bên ngoài CBD (Central Business Distric) lớn hơn 2-3 lần so với khu trung tâm hiện hữu.

Năm 2014, tổng diện tích mặt bằng bán lẻ toàn TP HCM chỉ vào khoảng hơn 800.000 m2 sàn, chủ yếu tập trung ở khu vực trung tâm đô thị. Thế nhưng một năm sau đó, nguồn cung đã nhanh chóng đạt một triệu m2 sàn.

Giai đoạn 2016-2018, toàn thành phố bắt đầu chạm mốc 1-1,2 triệu m2 sàn và năm 2019 vọt lên 1,6 triệu m2 mặt bằng bán lẻ. Trong năm 2020, dự kiến thành phố tiến gần đến ngưỡng 2 triệu m2 sàn bất động sản thương mại này.

Phía Đông Sài Gòn, một khu dân cư mới nổi với cơ sở hạ tầng được cải thiện nhanh chóng và khu vực phía Bắc – khu vực đông dân nhất trong thành phố – đã ghi nhận mức tăng trưởng nguồn cung mặt bằng bán lẻ nhanh nhất trong 5 năm qua.

Mặt bằng bán lẻ mới tại phía Đông TP HCM. Ảnh: Trần Quỳnh

Mặt bằng bán lẻ mới tại phía Đông TP HCM. Ảnh: Trần Quỳnh

Mới đây, tại hội thảo “Làn sóng bán lẻ mới” diễn ra ngày 12/9, Vincom Retail công bố đang xây dựng một đại trung tâm thương mại tại khu Đông TP HCM dự kiến đón khách vào năm 2020. Đặc điểm của đại trung tâm thương mại này là nằm ở vị trí trung tâm của khu đô thị mới tại quận 9 có quy mô siêu lớn, được tích hợp công nghệ thông minh, cung cấp trải nghiệm mua sắm hiện đại với không gian mở cho người dùng.

Tuy nhiên, sự bùng nổ nguồn cung mặt bằng bán lẻ mới ở ngoại ô Sài Gòn được Cushman & Wakefield đánh giá chủ yếu nhắm đến những cộng đồng dân cư và đô thị mới hình thành. Trong khi đó, khu vực CBD của TP HCM vẫn là lựa chọn hàng đầu cho cả người mua hàng và nhà bán lẻ, đặc biệt là các thương hiệu quốc tế và nhóm hàng hóa cao cấp, sang trọng. Hiệu suất của các cửa hàng ở ngoại ô, vùng ven thường không tốt bằng các điểm mua sắm trong khu lõi trung tâm Sài Gòn. 

Giữa tháng 9/2019, Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam từng công bố cảnh báo nhiều nguồn cung mặt bằng bán lẻ mới ở ngoại ô Sài Gòn là các khối đế thương mại chung cư. Do vị trí nằm ngoài trung tâm TP HCM, các khối đế bán lẻ này đang gặp phải tình trạng bỏ trống nhiều, không được phát triển hoặc tỷ lệ lấp đầy khiêm tốn.

Nguyên nhân trực tiếp là các chủ đầu tư của dự án không có kinh nghiệm và chuyên môn trong việc phát triển bất động sản bán lẻ. Để cải thiện tình hình kinh doanh, theo JLL, các khu mua sắm mới tại vùng ven cần tăng thêm các dịch vụ phi bán lẻ như ẩm thực, vui chơi, giải trí, thể thao, học tập… nhằm tăng trải nghiệm cho người tiêu dùng. Đơn vị này đánh giá, mô hình bán lẻ tích hợp đa phương tiện và đa chức năng sẽ thống trị thị trường bán lẻ trong vòng một thập niên tới.

Vũ Lê

Powered by Blog Grabber
+
Gọi lại
Mặt bằng bán lẻ mới đổ về vùng ven
blank
blank

đặt hàng thành công

    Báo giá mới nhất?