Trong rất nhiều trường hợp nước cần được làm trong trước khii đưa vào ao nuôi. Hoặc là loại bớt độ đục trong ao đang nuôi. Để loại bỏ độ đục trước khi đưa nước vào ao nuôi, biện pháp hiệu quả là sử dụng bể lắng, trong trường hợp sau thì dùng chất keo tụ để làm trong nước.
Hồ sơ lắng:
Nước trước khi đưa vào ao từ các nguồn khác nhau: nước mưa chảy tràn, nước từ nơi khác cần được lắng trước. Hồ lắng thường được thiết kế với mức nước cao hơn mức nước hồ nuôi để nước tự chảy nhờ chênh lệch độ cao. Hồ lắng có thể thiết kế sâu 2 – 4m để tiết kiệm diện tích. Thể tích của hồ lắng quyết định đến độ trong của nước khi ra khỏi hồ lắng. Nước được lưu giữ lâu trong ao lắng có độ trong tốt hơn. Thời gian lưu giữ thủy lực được định nghĩa là tỉ lệ giữa thể tích hồ lắng (m3) với lưu lượng nước chảy vào (m3/giờ) khi dòng vào hồ lắng liên tục. Ví dụ một hồ lắng có thể tích là 50m3, tốc độ nước chảy vào hồ (và ra liên tục) là 5m3/giờ thì thời gian lưu thủy lực là 10 giờ. Hiểu đơn giản thì nó là thời gian mà nước được lưu giữ lại trong hồ lắng. Thời gian lưu của hồ lắng cần không ít hơn 6 giờ, tốt nhất là từ 2 – 3 ngày. Hồ lắng cần được thiết kế theo các đặc trưng sau: khoảng cách giữa nước đầu vào và đầu ra là xa nhất. Nước vào và ra khỏi hồ lắng được phân bố đều trên toàn bộ tiết diện , tránh phân bố nước theo kiểu” điểm” ví dụ cho vào và lấy ra từ đầu cống, nước ra khỏi hồ là nước trên bề mặt. Ví dụ hồ lắng hình chữ nhật ABCD co chiều rộng là AB, chiều dài là BC. Nước đầu vào nên bố trí một máng dọc theo AB và chảy tràn qua cả chiều rộng AB vào hồ lắng, tốt hơn cả là dòng nước vào không xối thẳng vào mặt nước mà dẫn tới lớp nước sâu. Nước chảy ra khỏi hồ lắng là nước chảy tràn qua toàn bộ chiều rộng CD trước khi vào hồ nuôi. Cách phân bố nước như vậy cho hiệu quả lắng cao, không tạo ra các vùng “chết”.
Để dễ vận hành, hồ lắng được thiết kế có độ cao lớn hơn ao nuôi, sử dụng bơm để bơm nước vào hồ lắng.
Có thể sử dụng các kênh dẫn nước vào các ao nuôi lớn làm hồ lắng. Kênh dẫn dễ bị bồi, mất tác dụng lắng và khi được nạo vét thì dễ gây ra dòng chảy đục vào ao nuôi. Tốt nhất là tại đầu mương dẫn nên đào một hồ sơ lắng và nối kênh dẫn nước vào ao nuôi. Ở những nơi không thể xây dựng hồ lắng rộng, hoặc quá trình lắng xảy ra nhanh thì nên thiết kế 2 hồ lắng để khi hồ khác hoạt động thì hồ này được làm vệ sinh. Kích thước của hồ lắng được xác định trên cơ sở diện tích ao nuôi, độ sâu của hồ lắng, tốc độ lắng bùn, lượng nước cần sử dụng. Với các dòng nước chảy tràn vào ao qua các vùng đất trống thì biện pháp trồng cỏ trên bờ ao là hữu hiệu để ngăn chặn bùn đất thâm nhập vào hồ nuôi.
Giảm độ đục trong ao nuôi:
Các hạt huyền phù gây đục có kích thước lớn, dễ gây lắng trong môi trường nước lặng. các hạt huyền phù có kích thước nhỏ gọi là các hạt keo khó lắng, để thúc đẩy tốc độ lắng của các hạt keo thì cần phải tập hợp chúng co cụm lại thành các tập hợp lớn bằng phương pháp keo tụ, tức là cần sử dụng các hóa chất gọi là keo tụ và trợ keo tụ.
Chất keo tụ thông dụng là phèn nhôm (nhôm sulfat, Al2(SO4)3) poly nhôm clorua, muối sắt, FeCl2, FeCl3, FeSO4. Các chất này khi hòa trộn vào nước sẽ làm cho các hạt keo nhỏ mịn cụm lại và dễ lắng. Có thể bổ sung thêm các chất trợ keo tụ, chủ yếu là các loại polymer hữu cơ để tạo ra các tập hợp lớn hơn nhiều so với trường hợp chỉ sử dụng chất keo tụ.
Một điều cần chú ý là độ đục của nước gây ra bởi nhiều thành phần khác nhau: dạng vô cơ như đất sét, đất, dạng hữu cơ nhu tảo, xác vi sinh vật. Đặc trưng của các chất vô cơ là tính kị nước cao, các chất hữu cơ là loại keo ưa nước.
Chất keo tụ
Phèn nhôm
Chất keo tụ thông dụng nhất là phèn nhôm và poly nhôm clorua. Phèn nhôm đơn có công thức hóa học là Al2(SO4)3.14 H2O. Thành phần có tác dụng keo tụ là Al3+ chỉ chiếm 7 – 8% khối lượng. Khi hòa phèn nhôm vào nước sẽ xảy ra phản ứng thủy phân ion nhôm Al3+ tạo ra hydroxit nhôm AL(OH)3 và tạo ra axit (H+) làm giảm độ kiềm và pH của nước. Nếu trong 1 m3 nước sử dụng 1 g phèn nhôm thì sẽ làm giảm độ kiềm của nước là 0.5 g/m3 tính theo CaCO3. Ví dụ nếu liều lượng phèn sử dụng để keo tụ nước là 30 g/m3 thì độ kiềm trong nước sẽ giảm 15 g/ m3 (15mg/l). Mức độ giảm pH của nước mạnh khi độ kiềm của nước nhỏ và ngược lại. Nước mặn có độ kiềm khoảng 120 mg/l, độ kiềm của nước lợ phụ thuộc vào độ pha loãng. Keo tụ với phèn nhôm chỉ có tác dụng trong vùng pH khá hẹp, từ 6.2 – 8.5, ngoài vùng đó phèn nhôm không có tác dụng keo tụ.
Liều lượng phèn nhôm sử dụng khác nhau đối với từng nguồn nước, không có công thức chung cho tất cả các nguồn. Cách xác định liều lượng phèn nên xác định tại chỗ. Cách làm như sau:
Pha một lượng dung dịch phèn gốc với nồng độ 10 g/l. Lấy một số dụng cụ làm bình đựng nước có màu trong (chai lavie loại 1 lit). Đong vào ít nhất 4 bình, mỗi bình 0.5 lit nước cần keo tụ. Tính và cho vao 4 bình trên với liều lượng phèn 20, 30, 40, 50 g/ m3, khuấy đều và quan sát hiện tượng keo tụ ở từng bình. Tại bình có xảy ra keo tụ (nhìn thấy) thì ứng với liều lượng keo tụ tại bình đó. Nếu không xảy ra keo tụ ở tất cả các bình thì phải tăng hoặc giảm liều lượng keo tụ, lặp lại cách xác định. Nếu vẫn không quan sát được liều lượng keo tụ cần thiết thì phải xem lại các điều kiện khác, trước hết là pH của nước.
Ví dụ cân 100g phèn nhôm hòa tan vào 10 lit nước được dung dịch phèn gốc có nồng độ 10g/l.
Lấy 4 bình nước, mỗi bình đựng 0.5 lit nước ao cần keo tụ, cho phèn vào các bình có kí hiệu 1, 2, 3, 4 liều lượng phèn tương ứng là: 20, 30, 40, 50g/ m3
Cách tính cho các bình:
+ Bình 1:
Số ml phèn gốc = (20 mg/l * 0.5 lit)/10000 mg/l = 0.001 lit = 1ml.
+ Bình 2:
Số ml dung dịch phèn gốc = (30 mg/l * 0.5 lit) / 10000 mg/l = 0.0015 lit =1.5 ml.
Tương tự như vậy đối với bình 3, và 4 là 2 ml và 2.5 ml. Cho lần lượt vào các bình 1, 1.5, 2, 2.5 ml khuấy đều và quan sát hiện tượng keo tụ.
Do lượng phèn gốc rất nhỏ rất khó xác định nên sử dụng lượng nước cần keo tụ lớn hơn, ví dụ lấy 5 hay 10 lit, khi đó lượng dung dịch keo tụ đưa vào sẽ tỉ lệ thuận với lượng nước.
Poly nhôm clorua
Poly nhôm clorua, PAC cũng là loại chất keo tụ thông dụng hiện nay, chứa khoảng 15% Al3+(tính theo Al2O3 là trên 30%). Tính năng keo tụ cũng gần giống phèn nhôm nhưng do bản chất là một kim loại polymer nên hàm lượng hoạt chất cao hơn và tốc độ kết tuat nhanh hơn với hàm lượng chỉ bằng 20 – 40% so với phèn nhôm. So với phèn nhôm, PAC sinh ra ít acid hơn nhiều vì vậy làm giảm pH rất ít, thích hợp cho các loại nước có độ kiềm thấp.
Tuy vậy với các nguồn nước cần làm trong mà chứa nhiều chất hữu cơ thì khả năng keo tụ của PAC cũng bị hạn chế. Trong một vài trường hợp có thể trộn lẫn phèn nhôm với PAC theo một tỉ lệ nào đó có thể sẽ đạt hiệu quả keo tụ và kinh tế cao hơn so với sử dụng đơn lẻ.
Pha trộn theo tỉ lệ nào cần được xác định tại chỗ với nguồn nước cụ thể.
Cách xác định liều lượng PAC cũng có thể tiến hành như đã trình bày ở trên.
Polymer hữu cơ
Một số loại polymer được sử dụng để làm trong nước với vai trò là chất keo tụ, tức là phối hợp với chất keo tụ, trong một số trường hợp có thể dùng đơn lẻ.
Trợ keo tụ polymer là loại polymer hữu cơ mạch thẳng, phân tử lượng lớn, mạch dài (phân tử lượng từ vài đến 16 triệu đơn vị), tan trong nước. Người ta thường chia chúng theo đặc điểm điện tích: âm, dương, trung hòa, (A, C, N) tức là khi tan vào nước các loại polymer A sẽ tích điện âm, loại C tích điện dương và loại N trung tính không mang điện. Các polymer trên khi tồn tại ở trong nước đóng vai trò chiếc cầu nối liền giữa các hạt gây đục, tạo ra một tập hợp hạt lớn hơn, dễ lắng.
Khi sử dụng phối hợp chất keo tụ thì trợ keo tụ hòa trộn sau ( 1 – 10 phút) với liều lượng thường là thấp (0.2 – 0.5 g/m3), lượng chất keo tụ có thể giảm được 50%, tốc độ lắng nhanh hơn 3 – 5 lần so với sử dụng keo tụ đơn độc. Nếu sử dụng đơn lẻ (không phải khi nào cũng đạt hiệu quả) thì lượng cần dùng cao hơn, ví dụ 0.5 – 1 g/m3. Việc lựa chọn loại A, C, hay N chỉ có thể xác định trên đối tượng thử cụ thể.
Sử dụng phèn nhôm hay PAC đều làm hao hụt lượng phân lân tan trong nước.
Cách sử dụng trong thực tế được tiến hành như sau: Pha phèn nhôm với nước (càng loãng càng tốt), phun lên bề mặt nước, sử dụng máy sục khí nhỏ đặt trên thuyền để khuấy trộn đồng thời với khi phun.
Nguồn: Nước Nuôi Thủy Sản – Chất Lượng & Giải Pháp Cải Thiện Chất Lượng (NXB KH & KT, 2006)