Tìm lời giải cho nuôi tôm công nghiệp



Tin thị trường

Đăng ngày 02/07/2011

Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết, hiện nay toàn tỉnh có hơn 1.300ha diện tích nuôi tôm công nghiệp, dự báo con số này sẽ còn tăng lên vào những năm tiếp theo bởi nhiều yếu tố, trong đó có thị trường, giá cả; tình trạng khan hiếm tôm nguyên liệu chưa tìm ra giải pháp khắc phục hiệu quả… Đặc biệt là những chủ trương, cơ chế, chính sách của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi tôm công nghiệp nói riêng sẽ là động lực thúc đẩy loại hình nuôi này phát triển bền vững…

 1

Diện tích nuôi tôm công nghiệp trong tỉnh sẽ tăng lên vào những năm tiếp theo 

BÀI TOÁN KHÓ
    Cà Mau là tỉnh có đầy đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành Thủy sản. Chính vì vậy, thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đặc biệt là nghề nuôi tôm. Xét về mặt thời gian, nghề nuôi tôm ở Cà Mau xuất hiện từ những năm đầu giải phóng. Do vậy, người nuôi có nhiều kinh nghiệm; gắn bó với nghề; hệ thống dịch vụ hậu cần, tiêu thụ, chế biến phát triển; thị trường lớn, sản phẩm có thương hiệu và uy tín trên thương trường quốc tế… Những yếu tố thuận lợi này đã góp phần làm cho sản phẩm tôm Cà Mau ngày càng bay xa và có chỗ đứng vững chắc trong xu thế cạnh tranh khốc liệt trên thương trường hiện nay.
    Nhiều năm qua, các ngành, các cấp và người dân trong tỉnh đã nỗ lực hết sức, nhưng nghề nuôi tôm ở Cà Mau vẫn đang gặp phải những khó khăn thách thức: Tuy là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, song năng suất tôm thấp, chỉ bằng 24% so với ĐBSCL và 26% so với cả nước. Đây là một thực tế khó tin đã tồn tại hàng thập kỷ qua. Lý giải cho điều này, nhiều nhà khoa học, quản lý và người nuôi tôm đều cho rằng, nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng này là: Cơ sở hạ tầng thấp kém; hạn chế về nước ngọt; thủy lợi gặp khó khăn; ảnh hưởng môi trường do công nghiệp và sinh hoạt của con người gây ra; mặt bằng dân trí hạn chế. Trong các nguyên nhân, vấn đề được đề cập nhiều nhất vẫn là chưa có giải pháp cụ thể để chống lại tác động của tự nhiên đến nuôi trồng thủy sản; các cơ quan chức năng chưa tham mưu có hiệu quả cho lãnh đạo tỉnh các chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Nguyên nhân chủ quan cũng không ít: Đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là thủy lợi còn dàn trải, chưa tập trung, chưa phát huy được hiệu quả. Một số công trình đầu mối làm động lực phát triển nuôi trồng thủy sản phát triển chậm; chất lượng con giống đạt yêu cầu chiếm tỷ lệ thấp; việc chuyển giao khoa học – kỹ thuật cho nông dân còn chú trọng về số lượng, mà xem nhẹ chất lượng; thiếu quy hoạch chi tiết cho lĩnh vực nuôi trồng thủy sản; nuôi tôm công nghiệp chậm phát triển; nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế.

Chế biến những mặt hàng giá trị gia tăng, nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản

Chế biến những mặt hàng giá trị gia tăng, nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 

    Cũng vì một số nguyên nhân trên, tình trạng nuôi tôm trong nông dân vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán, chưa tạo thành nguồn hàng hóa lớn. Không những thế, tính cạnh tranh thấp do giá thành nguyên liệu cao. Vài con số để chứng minh điều đó: Tôm chân trắng ở một số nước Đông Nam á giá 33.000 đồng/kg (khoảng 70 – 85con/kg); trong khi đó ở Việt Nam, loại 100 con/kg, giá trên 50.000 đồng; tôm sú loại 20 con/kg, giá dao động khoảng 175.000 – 180.000 đồng/kg; cộng với việc khó đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (do nạn bơm chích tạp chất); chưa đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc của các nhà nhập khẩu… Đã qua cho thấy, diện tích nuôi tôm công nghiệp của tỉnh có năng suất chậm phát triển. Một số tỉnh ĐBSCL: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, tôm sú bình quân 7 – 8 tấn/ha/vụ, tôm chân trắng 20 tấn/ha/vụ; trong khi đó Cà Mau tôm sú chỉ 4 – 5 tấn/ha/vụ; tôm chân trắng 9 – 10 tấn/ha/vụ. Từ hiệu quả không đồng đều, có những vụ nuôi thắng lợi, song cũng có không ít vụ thất bại, mà giá thành cho 1ha tôm công nghiệp khá cao, chính nó là yếu tố tâm lý làm cho người nuôi phải “hạch toán” trước khi quyết định nuôi tôm công nghiệp.
GIẢI RA SAO?
    Theo các nhà khoa học, nhà quản lý, để nuôi tôm công nghiệp có hiệu quả, cần xác định rõ những vùng có lợi thế để ưu tiên đầu tư phát triển nuôi tôm công nghiệp giai đoạn 2010 – 2015 theo quy hoạch đã được duyệt; giải quyết quỹ đất: Khuyến khích người dân phát triển công nghiệp theo quy hoạch, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp; liên doanh liên kết với các ban quản lý rừng phòng hộ hiện còn đang quản lý đất sản xuất tự túc; liên kết với dân (dân góp đất, doanh nghiệp đầu tư; thuê đất của dân…).

Tôm thẻ chân trắng sẽ là đối tượng nuôi được người dân lựa chọn, nâng cao hiệu quả và sản lượng tôm của tỉnh

Tôm thẻ chân trắng sẽ là đối tượng nuôi được người dân lựa chọn, nâng cao hiệu quả và sản lượng tôm của tỉnh

   Để thực hiện một cách có hiệu quả một số vấn đề vừa nêu, cần có một số giải pháp: Về vốn, các doanh nghiệp đầu tư ứng vốn, dân góp đất, công lao động và cùng chia lợi nhuận; tranh thủ các nguồn vốn vay tín dụng. Đối với giống và kỹ thuật: Tổ chức sản xuất và cung ứng con giống chất lượng cao tại các cơ sở sản xuất và trên thị trường; tăng cường công tác tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, giữa các hộ, tập thể có nhiều năm nuôi tôm công nghiệp thành công. Củng cố, xây dựng phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã, vùng nuôi tôm công nghiệp và các doanh nghiệp nuôi công nghiệp; tăng cường liên kết 4 nhà. Đối với vấn đề thủy lợi và thị trường: ưu tiên đầu tư cho các dự án trong các vùng nuôi tôm công nghiệp; cần rà soát, nâng cấp các công trình thủy lợi hiện có; xây dựng giá sàn để ký hợp đồng mua nguyên liệu đảm bảo cho người nuôi có lãi; thông tin thị trường đến người sản xuất.
    Trong tất cả các giải pháp thực hiện, có lẽ chính sách cụ thể, rõ ràng trong lĩnh vực này là điều quan trọng: Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất hiện có theo hướng có lợi tối đa cho nông dân và doanh nghiệp; tạo điều kiện trong xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp và ứng dụng công nghệ mới nâng cao hiệu quả sản xuất; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là điện, thủy lợi, chuyển giao khoa học kỹ thuật; xây dựng phương án nuôi tôm công nghiệp có tính khả thi cao.
    Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra chỉ tiêu, đến năm 2010 phát triển từ 10.000 – 11.000ha nuôi tôm công nghiệp, song cho đến nay, con số này không đạt. Tuy nhiên, bằng những chính sách, cơ chế và những giải pháp thực hiện có tính khả thi sẽ được triển khai trong thời gian tới, sẽ là động lực quan trọng, đưa ngành thủy sản của tỉnh, nhất là lĩnh vực nuôi tôm công nghiệp phát triển ổn định và bền vững.

LÊ NGÔ CHÍ TÍN
– Xem thêm: news.bachkhoa.net.vn
+
Gọi lại
Tìm lời giải cho nuôi tôm công nghiệp

đặt hàng thành công

    Báo giá mới nhất?